Những “binh sĩ thép” của Quân đội Nga

TUẤN SƠN |

Bọc thép toàn thân, được vũ trang mạnh mẽ với súng máy và tên lửa, hệ thống cảm biến có thể quan sát toàn cảnh chiến trường và đặc biệt là không biết sợ hãi, đó là những hình ảnh về robot chiến đấu Quân đội Nga đang sử dụng.

Trong khi các robot đang chiến đấu trên chiến trường, thì việc chỉ huy nó được thực hiện ở một vị trí an toàn trong sở chỉ huy. Đây có thể chính là bộ mặt của Quân đội Nga trong tương lai.

Căn cứ vào đặc điểm và khả năng chiến đấu của các đơn vị robot Quân đội Nga đang sử dụng, giới chuyên gia quân sự đã tìm những “đặc điểm nổi bật” của chúng vào một bảng xếp hạng đặc biệt.

“Kẻ thông minh nhất”

Với tiêu chí thông minh, lanh lợi, có lẽ không có tổ hợp robot chiến đấu nào có thể qua mặt được Nerehta do Nhà máy Degtyarev chế tạo. Được trang bị công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) và khả năng tự học, Nerehta biết quan sát các phương tiện và người lính để phối hợp tác chiến.

 Những “binh sĩ thép” của Quân đội Nga - Ảnh 1.

 Những “binh sĩ thép” của Quân đội Nga - Ảnh 2.

Robot Nerehta.

Nerehta có thể chiến đấu với súng máy PKTM cỡ 7,62mm cung cấp hỏa lực 600-750 viện đạn/phút. Ngoài trang bị hỏa lực, robot Nerehta có thể sử dụng như phương tiện trinh sát hoặc vận tải hàng hóa. Việc điều khiển Nerehta được thực hiện thông qua trung tâm điều khiển từ xa qua kênh kết nối bảo mật.

Hỏa lực mạnh kết hợp lớp giáp có thể chống lại đạn bộ binh cỡ nhỏ biến Nerehta thành phương tiện tác chiến hiệu quả áp chế đối phương trong các nhiệm vụ đột kích.

Đây cũng chính là lý do Nerehta được chọn trang bị cho lực lượng tên lửa chiến lược Nga. Với khả năng tác chiến của mình, Nerehta hoàn toàn đáp ứng khả năng ngăn chặn các đơn vị đặc nhiệm của đối phương tấn công đột kích vào các xe chuyên chở dã chiến tên lửa đạn đạo chiến lược Topol-M hay Yars.

Trong tương lai, giới chức quốc phòng Nga khẳng định, phiên bản Nerehta-2 sẽ còn hoàn hảo hơn. Khả năng tương tác với của thiết bị với người chỉ huy sẽ được tăng cường nhờ khả năng điều khiển bằng giọng nói và nhận diện cử chỉ. Cụ thể, khi người lính nhận diện và tấn công mục tiêu, Nerehta-2 sẽ nhận diện hành động và hỗ trợ người lính tác chiến.

Robot chiến đấu nặng cân nhất

Danh hiệu này thuộc về robot trinh sát, tấn công Vikhr (lốc xoáy) phát triển trên cơ sở xe chiến đấu bộ binh BMP-3. Vikhr được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2016. Với tổng trọng lượng 15 tấn, Vikhr được vũ trang với mô-đun chiến đấu gồm pháo chính 30mm 2A72, súng máy đồng trục 7,62mm và tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet-M.

 Những “binh sĩ thép” của Quân đội Nga - Ảnh 3.

 Những “binh sĩ thép” của Quân đội Nga - Ảnh 4.

Robot Vikhr và các biến thể vũ khí mang theo.

Hỏa lực trên robot Vikhr có thể sử dụng để tấn công mục tiêu trên bộ và cả phương tiện bay thấp của đối phương. Thực tế, Vikhr là sự kết hợp của khung gầm xe BMP-3, mô-đun chiến đấu ABM-BSM-30, hệ thống điều khiển từ xa MRP-100 và hệ thống trao đổi dữ liệu.

Điểm thú vị của Vikhr là ngoài việc kíp điều khiển có thể chỉ huy nó từ xa, khi cần họ có thể ngồi trong xe điều khiển trực tiếp như một chiếc xe chiến đấu truyền thống.

Là sản phẩm nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu và thực nghiệm công nghệ Robotic Bộ Quốc phòng Nga, Vikhr được thiết kế để giảm thương vong của binh sĩ ở tuyến đấu, cũng như bảo vệ các vị trí quan trọng và nhiệm vụ đặc biệt.

Xe tăng điều khiển từ xa

Với trọng lượng 12 tấn, robot Uran-9 là sản phẩm của Công ty cổ phần 766 UPTK, Bộ Quốc phòng Nga. Dòng robot chiến đấu này được trang bị hỏa lực đủ để bắn hạ xe tăng của đối phương. Cơ cấu điều khiển thông minh, góc nâng và hạ nòng súng rộng cho phép Uran-9 phù hợp với tác chiến bất đối xứng trong môi trường đô thị.

 Những “binh sĩ thép” của Quân đội Nga - Ảnh 5.

 Những “binh sĩ thép” của Quân đội Nga - Ảnh 6.

Robot Uran-9.

Robot Uran-9 được trang bị pháo chính 2A72 30mm, súng máy đồng trục 7,62mm và đạn nhiệt áp Shmel-M có sức công phá tương đương đạn pháo cỡ 152mm. Trong các nhiệm vụ đặc biệt, Uran-9 có thể trang bị đạn tên lửa chống tăng Ataka để tấn công các mục tiêu thiết giáp của đối phương ở khoảng cách 5km.

Được thiết kế tác chiến theo phân đội, mỗi phân đội Robot Uran-9 gồm 2 phương tiện chiến đấu (một phương tiện làm nhiệm vụ trinh sát, đơn vị còn lại trang bị hỏa lực mạnh để tấn công).

Hệ thống cảm biến đa phổ cho phép, phân đội Uran-9 tác chiến trong mọi điều kiện chiến trường kể cả trong khói bụi và sương mù. Toàn bộ hệ thống trang bị đều được mô-đun hóa để thay thế nhanh chóng phù hợp với nhiệm vụ.

Theo lời các chuyên gia, việc điều khiển robot Uran-9 giống như chơi game. Sử dụng hệ thống khung gầm hợp nhất, từ Uran-9, binh sĩ có thể thay thế các mô-đun để biến nó thành Uran-6 cho công binh và cứu hỏa Uran-14.

“Người bạn của binh sĩ trên chiến trường”

Đó là những điều có thể nói về robot Soratnik do Tập đoàn Kalashnikov giới thiệu mới đây. Điểm đặc biệt của robot chiến đấu điều khiển từ xa này là nó có hệ thống treo vũ khí mở để người lính có thể lắp đặt bất kỳ vũ khí bộ binh thông thường lên mà không cần phải chỉnh sửa kết cấu.

Giá treo vũ khí của Soratnik có thể lắp súng trường tấn công AK-74, súng máy hạng nặng 12,7mm, súng phóng lựu tự động 30mm AG-17A hay tổ hợp tên lửa chống tăng Kornet-M.

 Những “binh sĩ thép” của Quân đội Nga - Ảnh 7.

Giá treo vũ khí đặc biệt trên robot Soratnik

 Những “binh sĩ thép” của Quân đội Nga - Ảnh 8.

Robot Soratnik.

Hệ thống vũ khí được trang bị thiết bị ổn định tầm hướng riêng biệt, giúp robot Soratnik có thể khai hỏa tốt khi đang hành tiến và phù hợp với các nhiệm vụ đột kích nhanh và đòi hỏi sự linh động về trang bị hỏa lực.

Chính việc có thể dễ dàng thay thế các loại vũ khí nên robot Soratnik nhận được đánh giá cao từ giới chức quân sự Nga.

Với trọng lượng khoảng 7 tấn, tốc độ di chuyển tới 40km và hệ thống giáp cơ bản chống được đạn bộ binh cỡ nhỏ, mìn, robot Soratnik đang là thiết bị chiến đấu không người lái tiềm năng của Quân đội Nga.

Theo thông tin từ Tập đoàn Kalashnikov, việc sản xuất hàng loạt robot Soratnik sẽ được thực hiện trong vòng 2 năm tới. Cùng với đó, trên nền tảng robot Soratnik, Kalashnikov sẽ phát triển một loạt phương tiện chiến đấu hạng nặng và nhẹ mới.

“Cậu em” của robot Soratnik – Nahlebnik

Đầu năm 2017, cùng với robot Soratnik, Tập đoàn Kalashnikov đã giới thiệu một biến thể rút gọn của dòng robot chiến đấu này với tên gọi Nahlebnik. Với hệ thống cảm biến quang-điện tử và súng máy hàng không GSHG 7.62mm, Nahlebnik đảm bảo cung cấp hỏa lực hỗ trợ cho các đơn vị robot chiến đấu khác. Cụ thể, trên chiến trường, hỏa lực của súng máy bắn nhanh GSHG tới 6.000 viên/phút của Nahlebnik hoàn toàn đủ khả năng áp chế hỏa lực cho robot Soratnik tập trung tấn công các mục tiêu ưu tiên.

 Những “binh sĩ thép” của Quân đội Nga - Ảnh 9.

 Những “binh sĩ thép” của Quân đội Nga - Ảnh 10.

Robot Nahlebnik.

Ngoài súng máy GSHG 7.62mm, robot Nahlebnik cũng có biến thể trang bị súng máy PKTM thông thường. Do là sản phẩm thực nghiệm, các thông tin về đặc điểm kỹ-chiến thuật của robot Nahlebnik chưa được công bố.

Robot chiến đấu nhỏ gọn nhất

Robot chiến đấu Platform-M, sản phẩm của Công ty cổ phần NITI Progress, chỉ nặng chưa tới 1 tấn. Tuy nhiên, hỏa lực do Platform-M tạo ra không hề thua kém các dòng robot chiến đấu hạng nặng với súng phóng lựu tự động AGS-30 và súng máy PKTM 7,62mm.

 Những “binh sĩ thép” của Quân đội Nga - Ảnh 11.

 Những “binh sĩ thép” của Quân đội Nga - Ảnh 12.

Robot Platform-M.

Sử dụng động cơ điện nên tốc độ cơ động của robot Platform-M chỉ khoảng 12km/giờ, nhưng bù lại nó có thể hoạt động liên tục trong 6 giờ. Hệ thống điều khiển Platform-M rất đơn giản, thậm chí được đánh giá là giống với các thiết bị chơi game cầm tay.

Thiết kế của robot Platform-M phù hợp cho các nhiệm vụ tuần tra căn cứ và bảo vệ chốt, khi nó có thể vừa trang bị vũ khí, vừa có thể vận chuyển hàng hóa tới 300km và giáp trang bị vừa đủ để chống lại đạn bộ binh cỡ nhỏ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại