Khoảng thời gian giữa 2 lần phóng tên lửa gần đây nhất của Bình Nhưỡng là 75 ngày - đủ dài cho phía Mỹ để Ngoại trưởng Rex Tillerson đánh giá rằng những biện pháp đối phó với Triều Tiên đã đạt được hiệu quả nhất định.
Tên lửa Hwasong-15, được Triều Tiên phóng thử vào rạng sáng 29/11, được xác nhận là vươn cao nhất, bay xa nhất và với tốc độ lớn nhất từ trước tới nay, thừa sức tới đất Mỹ.
Cho dù câu hỏi còn để bỏ ngỏ là không biết tên lửa này có thể vận tải đầu đạn nặng bao nhiêu và Triều Tiên đã có đầu đạn hạt nhân tương thích chưa, thì vụ việc này vẫn tạo ra bước ngoặt mới trong câu chuyện không phải là mới.
Mỹ đã nhận ra bài học gì?
Sau vụ phóng Hwasong-15, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tuyên bố nước này đã đạt được mục tiêu lớn là trở thành cường quốc hạt nhân, tự nhận "cùng mâm, đồng chiếu" với Mỹ và những cường quốc hạt nhân khác.
Dù muốn hay không, Mỹ cũng đã phải rút ra ít nhất ba nhận thức từ bước ngoặt mới này.
Thứ nhất, mọi biện pháp chính sách mà Mỹ đã áp dụng cho tới nay không ngăn cản được chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.
Thứ hai, Triều Tiên đã thành công với việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Thứ ba, Mỹ cần đối sách hoàn toàn mới nếu muốn đối phó Triều Tiên hiệu quả hơn trước.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un giám sát vụ phóng tên lửa Hwasong-15 ngày 29/11/2017
Phản ứng của Mỹ về vụ việc mới này cho đến thời điểm hiện tại bộc lộ tình thế bế tắc và khó xử của Mỹ. Khẩu chiến đã trở nên nhàm và cũng không thể lại được với Triều Tiên, Mỹ lại sử dụng giải pháp siết chặt mức độ các lệnh trừng phạt.
Điểm mới so với trước là Mỹ thúc ép Trung Quốc và Nga ngừng hoàn toàn cung ứng dầu lửa cho Triều Tiên, và yêu cầu các nước cắt đứt quan hệ ngoại giao với Triều Tiên.
Đòi hỏi của Mỹ đã bị Trung Quốc và Nga bác bỏ. Đức cũng chỉ hậu thuẫn Mỹ "cho được tiếng" khi rút một nhà ngoại giao chứ không phải rút đại sứ khỏi Triều Tiên và đề nghị Bình Nhưỡng giảm bớt một nhà ngoại giao ở Berlin.
Hình ảnh tên lửa Hwasong-15 được công bố ngày 30/11. Ảnh: AP
Bước ngoặt mới làm cho câu chuyện cũ càng thêm khó có thể được xử lý ổn thoả. Nhưng nó đẩy tất cả các bên liên quan vào điểm xuất phát mới mà từ đó, họ đều phải có nhận thức và tìm ra giải pháp mới. Rất có thể vì thế hoặc nhờ thế mà những bên này sẵn sàng đối thoại với nhau hơn trước.
Triều Tiên muốn buộc Mỹ phải chấp nhận là đối tác đối thoại bình đẳng. Vụ phóng tên lửa này đã giúp nâng cao vị thế của Triều Tiên trong quan hệ với Mỹ và những đối tác khác liên quan đến vấn đề hạt nhân và tên lửa của nước này.
Từ đó có thể thấy Bình Nhưỡng sẽ không trở lại khuôn khổ diễn đàn đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh (Trung Quốc) hoặc nếu có trở lại thì cũng với vị thế và vai trò khác hẳn khi trước.
Những lựa chọn còn lại
Chừng nào còn ở tình trạng "trong khó chưa ló cái khôn" và "cái khó vẫn còn bó cái khôn", phía Mỹ vẫn còn luẩn quẩn trong 4 sự lựa chọn đối sách sau đây:
Thứ nhất, Mỹ sẽ dựa vào khả năng phòng thủ của chính mình, cụ thể là tự tin rằng hoàn toàn có đủ khả năng để ngăn chặn mọi cuộc tấn công bằng tên lửa của Triều Tiên.
Mỹ đã xây dựng nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa khác nhau trên lãnh thổ Mỹ, trên đảo Guam giữa Thái Bình Dương và ở Hàn Quốc. Càng tăng cường khả năng phòng thủ, Mỹ càng có thể giảm được tác dụng của vũ khí chiến lược của Triều Tiên.
Thứ hai, Mỹ không loại trừ khả năng tấn công quân sự Triều Tiên, tức là đánh đòn phủ đầu.
Tuy nhiên, mọi sự hiểu biết "lành mạnh" đều đưa đến nhận xét là Mỹ chỉ dùng kịch bản ấy để răn đe và dọa Triều Tiên, chứ trong thâm tâm Mỹ đâu có dám làm bởi cái giá phải trả sẽ rất đắt cho Mỹ.
Triều Tiên không "dễ xơi" đối với Mỹ như Iraq hay Afghanistan.
Thứ ba, Mỹ tiếp tục gia tăng áp lực chính trị và trừng phạt kinh tế, tài chính, thương mại Triều Tiên để buộc Triều Tiên phải chấp nhận đàm phán theo điều kiện của Mỹ.
Chìa khóa quyết định nhất cho thành công hay thất bại của biện pháp chính sách này của Mỹ nằm ở trong tay Trung Quốc và phần nào cả trong tay nước Nga. Cho tới nay, Mỹ vẫn chưa chịu trả "đúng giá" cho hai đối tác này để biện pháp được thành công hơn.
Thứ tư, Mỹ kết hợp cả ba sự lựa chọn trên. Cho tới nay, Mỹ đã làm được trong chừng mực nhất định với kết quả có hạn. Mỹ không đạt được hiệu ứng cộng hưởng bởi Mỹ không tự giải quyết được vấn đề này mà bị phụ thuộc cả vào không ít đối tác bên ngoài.
Cho nên câu chuyện cũ chưa thể sớm có hồi kết.