Những ai được tham dự sự kiện chính trị quan trọng nhất năm 2017 của Trung Quốc?

Nhà báo Kiều Tỉnh |

Hội nghị của Bộ chính trị trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc hôm qua, 31/8, ra kiến nghị tổ chức Đại hội toàn quốc khóa 19 của đảng từ ngày 18/10 tại thủ đô Bắc Kinh.

Đại hội bầu ban lãnh đạo khóa mới của Trung Quốc

Đề xuất sẽ được Bộ chính trị Trung Quốc gửi lên Hội nghị toàn thể trung ương 7 của ban lãnh đạo khóa 18, diễn ra ngày 11/10 tới. Tuy nhiên, thời gian tổ chức Đại hội khóa 19 gần như đã được xác định.

Theo truyền thống, Đại hội toàn quốc của ĐCSTQ thường họp vào tháng 10 hoặc tháng 11 của năm cuối nhiệm kỳ lãnh đạo khóa trước, như Đại hội 18 tổ chức vào 8-14/11/2012, Đại hội 17 họp từ 15-21/10/2007, Đại hội 16 họp từ 8-14/11/2002.

Tại Đại hội 19, các đại biểu sẽ bỏ phiếu bầu ra Ủy ban trung ương và Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương khóa mới của ĐCSTQ - theo thông báo của Bộ chính trị Trung Quốc ngày 31/8.

Tân Hoa Xã đưa tin, Đại hội 19 sẽ "đi sâu phân tích tình hình trong nước và quốc tế hiện nay", đồng thời chế định cương lĩnh hành động và phương châm lớn phù hợp với yêu cầu của thời đại. Tại đại hội, lãnh đạo Trung Quốc sẽ tuyên bố triển vọng và các mặt khác trong nhiệm kỳ 5 năm tiếp theo, trọng điểm bao gồm cải cách kinh tế, hiện đại hóa quân đội và chiến dịch chống tham nhũng.

Ngoài ra, Đại hội sẽ nhìn lại hoạt động của ban lãnh đạo khóa 18 trong 5 năm qua, "học tập các thành tựu và kinh nghiệm lịch sử trong xây dựng Chủ nghĩa xã hội mang đặc trưng Trung Quốc, với đồng chí Tập Cận Bình là hạt nhân của ban lãnh đạo đảng" - hãng thông tấn Trung Quốc cho biết.

Những ai được tham dự sự kiện chính trị quan trọng nhất năm 2017 của Trung Quốc? - Ảnh 1.

Quang cảnh một phiên họp của Bộ chính trị Trung Quốc, tháng 12/2015 (Ảnh: Xinhua)

Ngược dòng lịch sử cho thấy kể từ khi ĐCSTQ được thành lập ngày 1/7/1921, từ năm 1934 tới năm 1956 đảng này không lập Ban thường vụ Bộ chính trị. Sau đó Thường vụ Bộ chính trị - với tên gọi khác nhau qua từng thời kỳ - được lập ra để thực hiện cơ chế lãnh đạo tập thể, hạn chế sai lầm của cá nhân từng lãnh đạo.

Ban thường vụ Bộ Chính Trị thông thường có từ 5 đến 7 người, riêng thời kỳ lãnh đạo của các ông Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào lên tới 9 người. Thường vụ Bộ chính trị khóa 18, do ông Tập Cận Bình làm Tổng bí thư, có 7 người.

Bộ chính trị Trung Quốc qua các giai đoạn lịch sử có khá nhiều thay đổi về quy mô. Kể từ Đại hội khóa 11 năm 1977, Bộ chính trị có 26 người, trong đó có 3 dự khuyết. Đại hội 12 năm 1982 có số lượng ủy viên Bộ chính trị lên tới 28 người, trong đó có 3 dự khuyết. Đại hội 13 năm 1987 có 22 người với 2 dự khuyết, tới Đại hội 15 năm 1997 có 24 trong đó có 2 dự khuyết.

Tới Đại hội 16 năm 2002, Trung Quốc bắt đầu ổn định về số lượng thành viên trong Bộ chính trị là 25 người trong đó có 1 dự khuyết và cơ cấu này duy trì tới Đại hội 18 năm 2012. Tuy nhiên, trong Đại hội 18 chỉ có 10 ủy viên cũ ở lại và 15 khuôn mặt mới xuất hiện, thay đổi tới 60%.

Trung Quốc lựa chọn đại biểu dự Đại hội đảng như thế nào?

Tờ Thời báo Hoàn Cầu giới thiệu, để đạt tư cách đại biểu dự Đại hội toàn quốc của ĐCSTQ - mà chỉ hơn 2.000 trong 88 triệu đảng viên Trung Quốc có được, đầu tiên các ứng viên phải được đề cử bởi một chi bộ đảng ở cơ sở.

Vượt qua vòng đề cử, đơn vị bầu cử địa phương sẽ kiểm tra tư cách từng ứng viên bằng cách lấy đánh giá của đảng bộ cơ sở, trao đổi với các thành viên trong và ngoài đảng có quan hệ với ứng viên, để đưa ra "nhận xét tổng hợp về bản lĩnh chính trị, kỷ luật, đạo đức và lòng trung thành với đảng".

Kết thúc khâu kiểm tra, xác minh nhân thân ứng viên, đơn vị bầu cử sẽ chọn ra một danh sách ứng viên chính dựa trên kết quả đánh giá ở địa phương, các tiêu chí theo yêu cầu của Ủy ban trung ương ĐCSTQ và các cơ quan giám sát kỷ luật. Đây cũng là bản danh sách đầu tiên được công khai để người dân theo dõi và giám sát.

Danh sách ứng viên chính thức sẽ được chốt lại sau khi đơn vị bầu cử tổ chức một hội nghị ủy ban để bỏ phiếu lựa chọn. Cuối cùng, một hội nghị đảng bộ sẽ được tổ chức tại đơn vị bầu cử, và chọn ra đại biểu của tỉnh, thành tham dự Đại hội đảng. 2.300 đại biểu từ 40 đơn vị bầu cử này sẽ trực tiếp bỏ phiếu bầu ban lãnh đạo khóa mới của Trung Quốc.

Tân Hoa Xã cho hay, chủ tịch Tập Cận Bình được bầu làm đại biểu dự Đại hội 19 của ĐCSTQ sau cuộc biểu quyết nhất trí ở hội nghị đảng bộ tỉnh Quý Châu ngày 20/4/2017. Trước đó, ông Tập được Ủy ban trung ương đề cử làm ứng viên và đưa về thực hiện quy trình xét duyệt tại đơn vị bầu cử của tỉnh này.

Những ai được tham dự sự kiện chính trị quan trọng nhất năm 2017 của Trung Quốc? - Ảnh 2.

Báo đảng Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật báo, ngày 29/6/2017 đưa tin 31 tỉnh thành của nước này đã kết thúc Đại hội đại biểu bầu ra ban lãnh đạo mới với 375 thành viên, trong đó có 85 người lần đầu tiên tham gia vào ban lãnh đạo địa phương. Công tác chuẩn bị cho Đại hội 19 ở địa phương cũng cơ bản hoàn thành, các đại biểu đã được lựa chọn.

Tờ này giới thiệu, có 19 người không phải là Ủy viên trung ương hay Ủy viên dự khuyết trung ương, hiện đã được bầu vào ban lãnh đạo mới ở các địa phương, như Thái Kỳ làm Bí thư thành ủy Bắc Kinh, Trần Cát Ninh làm Thị trưởng Bắc Kinh, Lưu Tứ Quý là Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hải Nam, Trần Hào là Bí thư tỉnh ủy Vân Nam, Ngô Anh Kiệt là Bí thư thứ nhất Khu ủy Tây Tạng…

Ủy viên Bộ chính trị Tôn Chính Tài ngày 24/5 tái đắc cử Bí thư thành ủy Trùng Khánh. Nhưng ngày 11/6, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương Trung Quốc (CCDI) chỉ trích lãnh đạo thành phố này về việc "vẫn để ổ dịch tham nhũng Bạc Hy Lai-Vương Lập Quân lan tràn" và "Bốn ý thức chính trị yếu kém".

Ngày 15/7, trung ương ĐSCTQ thông báo ông Tôn "không còn giữ các chức vụ Bí thư, Thường vụ và Ủy viên Ban chấp hành đảng bộ thành phố Trùng Khánh. Bí thư tỉnh ủy tỉnh Quý Châu Trần Mẫn Nhĩ tiếp nhận chức vụ Bí thư thành ủy". Đến ngày 24/7, CCDI thông báo ông Tôn vi phạm nghiêm trọng kỉ luật và bị điều tra.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại