Như đã đưa tin, ngày 5-6-2018, sau hơn 10 ngày xét xử và nghị án, tòa sơ thẩm TAND TP Hòa Bình đã quyết định trả hồ sơ vụ án liên quan đến sự cố chạy thận khiến 9 người tử vong tại BV đa khoa tỉnh Hòa Bình; đề nghị làm rõ nhiều tình tiết quan trọng.
Từ đó đến nay, CQĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã ra kết luận điều tra bổ sung đối với Hoàng Công Lương (bác sĩ công tác tại Khoa hồi sức tích cực), Trần Văn Sơn (cựu cán bộ phòng vật tư, BV đa khoa tỉnh Hòa Bình) và Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty TNHH xử lý nước Trâm Anh).
Tiếp đó, cơ quan này ra các quyết định khởi tố bị can đối với các ông Trương Quý Dương (cựu giám đốc), Hoàng Đình Khiếu (cựu phó giám đốc) và Trần Văn Thắng (cựu trưởng phòng vật tư BV đa khoa tỉnh Hòa Bình).
Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, có tổng cộng 6 người đã bị khởi tố về các tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và vô ý làm chết người.
GĐ chưa sâu sát, PGĐ buông lỏng quản lý
Trong số trên, công an xác định trong quá trình lãnh đạo, điều hành, ông Trương Quý Dương chưa sâu sát trong thực hiện chức trách người đứng đầu BV.
Cụ thể, từ năm 2015 đến 2017, không có quyết định giao phụ trách Đơn nguyên thận cho cá nhân cụ thể để điều hành hoạt của đơn nguyên; không có quyết định giao hệ thống nước RO cho cá nhân trong khoa Hồi sức tích cực đảm nhiệm; từ khi có quyết đinh thành lập Đơn nguyên thận, giám đốc không chỉ đạo ban hành văn bản quy định cụ thể về quy trình bảo quản, sửa chữa, bàn giao đưa vào sử dụng hệ thống lọc nước RO; để xảy ra tình trạng vận hành, sử dụng hệ thống RO tùy tiện trong thời gian dài. Với vai trò là người đứng đầu cơ quan, ông Dương phải chịu trách nhiệm hành chính liên đới.
Trong khi đó, ông Hoàng Đình Khiếu đã buông lỏng quản lý, để cấp dưới làm sai quy định sử dụng hệ thống lọc nước một cách có hệ thống dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Cụ thể như: chưa báo cáo đề xuất để giám đốc ra quyết định giao hệ thống lọc nước RO cho cá nhân cụ thể trong khoa Hồi sức tích cực quản lý, sử dụng; thiếu kiểm tra đôn đốc việc thực hiện trách nhiệm được giao đối với lãnh đạo, cán bộ phòng vật tư và bác sỹ, điều dưỡng của đơn nguyên thận trong việc giám sát sửa chữa thiết bị lọc nước R02; không sát sao trong kiểm tra, giám sát việc bàn giao hệ thống lọc nước RO số 2 sau sửa chữa giữa Phòng vật tư thiết bị y tế và đơn nguyên thận; để cho đơn nguyên thận sử dụng hệ thống lọc nước RO2 sau sửa chữa một cách tùy tiện khi chưa biết nước sử dụng trong lọc máu đã đảm bảo chưa.
Ông Hoàng Đình Khiếu được xác định đã buông lỏng quản lý tại BV. Ảnh: TUYẾN PHAN
Ra y lệnh khi chưa có chỉ đạo
Theo bản kết luận điều tra bổ sung của Công an tỉnh Hòa Bình, bị can Hoàng Công Lương tốt nghiệp Trường ĐH Y-Dược thuộc ĐH Thái nguyên, được tuyển dụng và phân công công việc tại khoa Hồi sức tích cực; là bác sĩ có đủ điều kiện hành nghề về kỹ thuật thận nhân tạo.
Cho đến thời điểm xảy ra sự cố, tại đơn nguyên thận nhân tạo, Lương là bác sĩ duy nhất được phân công làm việc cố định tại đơn nguyên, hưởng chế độ lương, phụ cấp thủ thuật và các chế độ khác theo quy định; là bác sĩ đủ điều kiện hành nghề và chữa bệnh độc lập.
Ngoài thực hiện chuyên môn của BS, Lương còn thực hiện một số nhiệm vụ khác như: ký xác nhận y lệnh của các BS Nguyễn Mạnh Linh, BS Phạm Thị Huyền; chủ trì giao ban tại đơn nguyên thận khi không có lãnh đạo khoa; phân buồng thăm khám, bệnh nhân cho các BS Huyền, BS Linh; ký đề xuất sửa chữa hệ thống lọc nước R02 ngày 20-4-2017.
Lương là BS chịu trách nhiệm trong việc ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân ngày 29-5; được đào tạo và có chứng chỉ về lọc máu; biết rõ nước sử dụng trong lọc máu phải đảm bảo chất lượng; hiểu quy trình và biết rõ hệ thống lọc nước R02 vừa sửa chữa ngày 28-5.
Tuy nhiên, khi chưa có ý kiến chỉ đạo của trưởng khoa - người có thẩm quyền trong đảm bảo chất lượng nước sử dụng trong lọc máu; không có căn cứ xác định an toàn của hệ thống lọc nước sau sửa chữa, không báo cáo lãnh đạo khoa, Lương đã ra y lệnh lọc máu cho bệnh nhân dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.