Nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc: Thử thách khắc nghiệt đang chờ đón

Trịnh Ngọc Tiến |

Cùng với việc đưa vào biên chế tàu Liêu Ninh và tiến hành chạy thử tàu 001, hiện nay, HQ Trung Quốc đang tập trung phát triển năng lực tác chiến của biên đội tàu sân bay đầu tiên.

Lớp tàu sân bay đầu tiên: Tích lũy kinh nghiệm

Ngày 26/4/2017, chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc (có tên 001), đồng thời là chiếc tàu sân bay đầu tiên do chính Trung Quốc chế tạo từ đầu, đã được hạ thủy tại Xưởng đóng tàu Đại Liên, thuộc Tập đoàn Công nghiệp nặng Trung Quốc.

Nhìn từ thiết kế bên ngoài có thể thấy, chiếc 001 có ngoại hình giống với tàu sân bay Liêu Ninh. Thiết kế bên trong thực tế cũng không có gì mấy khác biệt; do đó tính năng kỹ chiến thuật sẽ không có gì quá vượt trội so với tàu sân bay cũ.

Các chuyên gia kỹ thuật quân sự đánh giá, bản chất của tàu 001 chỉ là một phiên bản nâng cấp nhẹ so với nguyên mẫu tàu Liêu Ninh.

Quân đội Trung Quốc dự định chế tạo 2 chiếc thuộc lớp đầu tiên, để tiến hành rút kinh nghiệm về thiết kế, chế tạo và khai thác sử dụng; đồng thời làm cơ sở để tiến hành xây dựng tổ chức, biên chế cũng như chiến thuật đối với biên đội tàu sân bay (Carrier Battle Group - CVBG).

Chiếc Liêu Ninh và chiếc 001, đều có nguyên mẫu từ tàu sân bay Kuznetzov. Đây là mẫu tàu sân bay đầu tiên của Liên Xô, thuộc dự án 1143; được trang bị công nghệ cất cánh trên đường băng ngắn kiểu nhảy cầu (ski-jump), và hạ cánh bằng cáp hãm đà (STOBAR).

Nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc: Thử thách khắc nghiệt đang chờ đón - Ảnh 1.

Tàu sân bay 001 do Trung Quốc tự chế tạo trong nước.

Với mục đích là tiết kiệm chi phí và rút ngắn thời gian thiết kế, mẫu tàu sân bay này được Liên Xô nâng cấp từ các tàu tuần dương hạng nặng, chứ không phải là tư duy thiết kế tàu sân bay ngay từ ban đầu, nên nó không phải là tàu sân bay theo đúng nghĩa (Liên Xô và Nga gọi lớp tàu này là tàu tuần dương hạng nặng mang máy bay).

Những tàu thuộc đề án 1143 có nhiệm vụ chính là thực hiện nhiệm vụ phòng không cho chính tàu hoặc cho một cụm tàu đi cùng nó; đảm bảo an toàn cho các tàu ngầm tuần dương chiến lược trên những khu vực các tàu ngầm này đang thực hiện nhiệm vụ tuần tiễu tác chiến.

Đồng thời chúng cũng có nhiệm vụ phát hiện và và tiêu diệt các tàu ngầm đối phương khi tàu đang hoạt động trong đội hình cụm tàu chống ngầm; phát hiện, dẫn đường và tiêu diệt lực lượng tàu nổi của đối phương và hỗ trợ các chiến dịch đổ bộ bằng nhiều loại vũ khí trang bị trên tàu.

Tuy nhiên theo tư duy thiết kế của Mỹ, tàu sân bay là căn cứ không quân nổi, di động trên biển; có nhiệm vụ tiến công các mục tiêu trên không, mặt đất, mặt nước, ngầm dưới lòng biển; cũng như thực hiện các nhiệm vụ tác chiến điện tử bằng chính các loại máy bay được trang bị trên tàu sân bay.

Do tư duy thiết kế của đề án 1143 đã tương đối lạc hậu trong giai đoạn hiện nay, nên 2 chiếc Liêu Ninh và 001 về khả năng tác chiến của nó chắc chắn sẽ hạn chế hơn so với các tàu sân bay của Mỹ và phương Tây; mặc dù 2 chiếc này đã được Trung Quốc cải tiến, nâng cấp nhiều trang thiết bị hiện đại.

Cho đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc vẫn chưa thể kiểm nghiệm năng lực thực tế tổng thể của tàu sân bay Liêu Ninh kể cả về kỹ thuật, chiến thuật và vũ khí (chiếc 001 vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhà máy).

Nói cách khác, về mặt chiến lược lâu dài, tàu Liêu Ninh và 001 cần phải hoàn thiện năng lực chiến đấu hơn nữa thì mới có thể đáp ứng yêu cầu tác chiến trong tương lai.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc: Thử thách khắc nghiệt đang chờ đón - Ảnh 2.

Tiêm kích trên hạm huấn luyện cùng tàu sân bay Liêu Ninh.

Viễn cảnh đối với lớp tàu sân bay nội địa thế hệ thứ hai

Cùng với việc hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên, truyền thông Trung Quốc và quốc tế tiếp tục thông tin cho rằng: Hải quân Trung Quốc đang lên kế hoạch đóng mới tàu sân bay thế hệ tiếp theo - đó chính là lớp tàu sân bay nội địa thế hệ thứ hai.

So với tàu sân bay nội địa thế hệ thứ nhất, tàu sân bay nội địa thứ hai có nhiều đặc điểm khác biệt, nhưng hiện nay giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc vẫn chưa có thông tin chính thức đối với vấn đề này.

Tuy nhiên, xem xét các điểm tồn tại trên lớp tàu đầu tiên, có thể Hải quân Trung Quốc sẽ trang bị phương thức cất cánh bằng máy phóng và hạ cánh bằng cáp hãm đà (CATOBAR) trên lớp tàu sân bay nội địa thứ hai.

Tuy nhiên, do các thông tin chưa được kiểm chứng và cũng như chưa có phát ngôn chính thức từ phía cơ quan chức năng Trung Quốc, nên chúng ta chỉ có thể dự đoán lớp tàu sân bay nội địa thứ hai của Trung Quốc sẽ có một số tính năng kỹ chiến thuật như sau:

Lớp tàu sân bay này của Trung Quốc sẽ có nhiều đặc điểm giống với các tàu sân bay hiện đại của Mỹ, Anh.

Theo đó, lượng giãn nước sẽ vào trên dưới 80.000 tấn, nhưng vẫn có thể vẫn sử dụng động cơ thường; phương thức phóng máy bay là dùng máy phóng hơi nước.... về tổng thể sẽ giống hoặc tương đương với tàu sân bay hạt nhân lớp Nimitz của Mỹ đang khai thác hiện nay.

Lớp tàu sân bay thứ 2 vẫn phải trên cơ sở kế thừa thiết kế lớp tàu thế hệ thứ nhất, tuy nhiên sẽ được điều chỉnh về khả năng mang máy bay chiến đấu.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc: Thử thách khắc nghiệt đang chờ đón - Ảnh 3.

Các nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc đang dần dần được hình thành.

Do hạn chế không sử dụng động cơ hạt nhân, nên lượng giãn nước, không gian bố trí bên trong thân tàu sẽ có nhiều hạn chế; trong khi đó, các thiết kế về hệ thống động cơ, máy bay trên hạm và tổng thể sẽ rất khó có khả năng điều chỉnh.

Điểm khác biệt lớn nhất của lớp tàu sân bay thứ 2 có lẽ là Trung Quốc sẽ tập trung phát triển kỹ thuật phóng máy bay để đạt được hiệu suất hoạt động cao nhất có thể; điều này sẽ khiến năng lực vận hành và tác chiến được nâng lên rõ rệt.

Căn cứ vào điều kiện kỹ thuật hiện nay, Trung Quốc có hai lựa chọn; đó là sử dụng phương thức máy phóng pít-tông hơi nước hoặc máy phóng điện từ. Nhiều khả năng lớp tàu sân bay nội địa thứ hai sẽ sử dụng phương thức máy phóng pít-tông hơi nước; điều này phù hợp với khả năng công nghệ của Trung Quốc hiện nay hơn.

Tuy nhiên, xét về năng lực tác chiến tổng thể thì các tàu sân bay của Trung Quốc vẫn còn thua kém so với các tàu sân bay hạt nhân của Mỹ.

Dự báo tàu sân bay của Trung Quốc những năm 2030

Hiện nay, tàu 001 đã bắt đầu được trang bị các hệ thống vũ khí hoàn thiện, tuy nhiên vẫn cần một thời gian nữa để hoàn tất việc chạy thử, bàn giao và sơ bộ hình thành năng lực tác chiến thực tế.

Như đã đề cập ở các phần trên, sau khi hoàn thiện thiết kế và công nghệ với tàu sân bay lớp thứ nhất, điều quan trọng nhất đối với Hải quân Trung Quốc bây giờ là phát triển phương thức phóng máy bay chiến đấu theo hình thức CATOBAR trên chiếc tàu sân bay lớp thứ hai.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc: Thử thách khắc nghiệt đang chờ đón - Ảnh 4.

Các nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc đang dần dần được hình thành.

Căn cứ vào năng lực đóng tàu của ngành công nghiệp nặng Trung Quốc và khả năng tăng ngân sách quốc phòng trong thời gian gần đây, có thể nhận định rằng, Trung Quốc cần khoảng từ 8 đến 10 năm nữa để hoàn thành chiếc tàu sân bay nội địa đầu tiên thuộc lớp thứ hai.

Khả năng Trung Quốc cũng chỉ chế tạo 2 chiếc lớp này, sau đó căn cứ vào điều kiện, yêu cầu thực tế tiến hành cải tiến, điều chỉnh thiết kế để tiếp tục nâng cấp lớp tiếp theo hiện đại hơn, đó chính là lớp thứ ba có trọng tải lớn hơn; đáp ứng yêu cầu tác chiến thực tế.

Tuy nhiên, liệu Trung Quốc có đủ tiềm lực và công nghệ để chế tạo lớp tàu sân bay thứ ba này và đưa vào sử dụng trước năm 2030 hay không thì vẫn còn là câu hỏi lớn?

Chính vì vậy, từ nay đến năm 2030, khả năng nhiều nhất đối với Hải quân Trung Quốc đó là chỉ sở hữu khoảng 4 chiếc thuộc lớp thứ nhất và thứ hai; có năng lực tác chiến tương đối hạn chế.

Một vấn đề nữa đặt ra với Hải quân Trung Quốc hiện nay nữa đó là việc tổ chức, hình thành năng lực tác chiến liên hợp.... giữa các tàu chiến mặt nước như tàu khu trục, tàu hộ vệ, tàu bảo đảm...cho biên đội tàu sân bay với hạt nhân là 3 chiếc tàu sân bay này sẽ vẫn còn nhiều khó khăn.

Đây là thử thách không phải là nhỏ đối với một quốc gia lần đầu khai thác tàu sân bay như Trung Quốc. Nên biết rằng, để có thể khai thác, vận hành cụm tàu sân bay chiến đấu như của Mỹ hiện nay, người Mỹ đã có 100 năm khai thác, vận hành tàu sân bay và trải qua rất nhiều thất bại.

Tiêm kích Trung Quốc bay lượn trên tàu sân bay Liêu Ninh trong đêm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại