Vào ngày 2/10, Sở Công thương đã báo cáo và đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk xem xét, có ý kiến đề nghị Bộ Công thương đưa nhà máy điện mặt trời Ia J’lơi và nhà máy điện mặt trời Ea Bung (huyện Ea Súp) do CTCP Năng lượng Tân Việt Bắc Ban Mê đề xuất đầu tư vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.
Tuy nhiên, UBND tỉnh không xem xét đề xuất này, do khu vực nhà đầu tư khảo sát, lập dự án là đất rừng, đất phát triển rừng, thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất và đất quốc phòng, chưa phù hợp với quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất được duyệt.
Cụ thể, nhà máy điện mặt trời Ia J’lơi (công suất dự kiến 1.250 MWp), diện tích đất sử dụng 957 ha, trong đó, hiện trạng sử dụng có 247,7 ha đất có rừng tự nhiên, 58,3 ha đất rừng trồng cao su, đất chưa có rừng 651 ha; Nhà máy điện mặt trời Ea Bung (công suất dự kiến 1.250 MWp), diện tích đất sử dụng 1.000 ha, hiện trạng là đất chưa có rừng, trong đó, Công ty Hoàng Gia Phát đang quản lý và sử dụng 371,8 ha, UBND xã Ea Bung quản lý 682,2 ha.
Với tổng công suất của hai dự án đề xuất là 2.500 MWp, vốn đầu tư dù không được công bố, song nếu tính theo suất đầu tư khoảng 0,6-0,7 triệu USD/MWp, tổng vốn đầu tư bộ đôi siêu dự án điện mặt trời có thể lên tới 1,5 tỷ USD. Trong khi đó, thì danh tính và năng lực của nhà đầu tư đề xuất dự án vẫn là một ẩn số lớn, ngay với chính cơ quan quản lý ở Đắk Lắk.
Theo tìm hiểu của Nhadautu.vn , CTCP Năng lượng Tân Việt Bắc Ban Mê thành lập ngày 16/9/2020, đóng trụ sở tại số 52 Trần Cao Vân, phường Tân Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất điện. Hiện tại, vốn điều lệ công ty đạt 3.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: CTCP Đầu tư – Xây hạ tầng và khai thác mỏ Tân Việt Bắc (25%), Công ty TNHH Thương mại và vận tải Trường Thành (15%), CTCP Đông Hải 27-7 (15%), Công ty TNHH Phú Tấn (15%), CTCP Thương mại và Vận tải Thái Hà (15%), CTCP Tân Phú Xuân (15%).
CTCP Đầu tư - Xây dựng Hạ tầng và Khai thác mỏ Tân Việt Bắc – Doanh nghiệp này tiền thân là công ty TNHH Xây dựng Tân Việt Bắc, được thành lập vào ngày 25/1/2000, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi, xây dựng dân dụng và công nghiệp.
Ngày 1/7/2005, công ty chuyển đổi hoạt động theo mô hình cổ phần hóa và đổi tên thành CTCP Đầu tư - Xây dựng Hạ tầng và Khai thác mỏ Tân Việt Bắc. Trên cơ sở kinh nghiệm và các nguồn lực đã có, HĐQT công ty đã quyết định đầu tư mở rộng sang một số lĩnh vực khác như: Khai thác mỏ, đầu tư bất động sản, vui chơi giải trí,…
Tìm hiểu cho thấy, tính đến tháng 3/2018, vốn điều lệ Tân Việt Bắc đạt 600 tỷ đồng, do ông Nguyễn Văn Bắc nắm 85% vốn (hộ khẩu thường trú tại Thôn Tử Lạc, Thị trấn Minh Tân, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương), ông cũng đang nắm vai trò Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc công ty. Đến ngày 31/12/2019, vốn góp chủ sở hữu doanh nghiệp đạt 947,2 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được công bố.
Tân Việt Bắc để lại dấu ấn trên thị trường với nhiều dự án thi công đáng chú ý, như: Xây dựng cầu Tăng Bảo - Hưng Yên Công trình Thuỷ lợi Yên Phú - Tuyên Quang Xây kè kiên cố hoá kênh mương; Đường Quốc phòng Lai Châu Nâng cấp cải tạo đường Thi công đường kè đá đổ bê tông; thi công gói thầu xây dựng cơ bản mỏ đá vôi, đá sét srooc con trăng thuộc Dự án Xi măng Tây Ninh;…
Ngoài ra, Tân Việt Bắc cũng tham gia lĩnh vực năng lượng khi hợp tác cùng CTCP BCG Energy thành lập CTCP Năng lượng Bắc Nam vào tháng 12/2018. Tỷ lệ sở hữu lần lượt là Tân Việt Bắc 50%, BCG Energy 40%, phần 10% còn lại do cá nhân ông Nguyễn Mạnh Chiến (SN 1984) nắm. Được biết, Năng lượng Bắc Nam là chủ sở hữu dự án thủy điện Sê San 5 (Gia Lai).
Với việc nắm nhiều dự án, không lạ khi Tân Việt Bắc sở hữu khối lượng tài sản không nhỏ. Tính đến ngày 31/12/2019, tài sản doanh nghiệp đạt 1.182 tỷ đồng, trong đó đóng góp chủ yếu là vốn chủ sở hữu 948,3 tỷ (chiếm 80,23%), phần còn lại là nợ phải trả 233,7 tỷ đồng. Đáng chú ý, dữ liệu của Nhadautu.vn cho thấy, tổng nợ phải trả của Tân Việt Bắc có xu hướng giảm mạnh trong giai đoạn 2016 – 2019.
Về tình hình kết quả kinh doanh, doanh thu thuần Tân Việt Bắc năm 2019 đạt 445,7 tỷ đồng, tương đương giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận thuần 13,7 tỷ, giảm 33%.
Về phần CTCP Năng lượng Bắc Nam, doanh nghiệp này vào năm 2019 đã lỗ thuần 87,3 triệu đồng. Trên bảng cân đối kế toán, tại ngày 31/12/2019, tổng tài sản (cũng vốn chủ sở hữu) công ty là 912,68 triệu đồng. Chỉ tiêu này phần nào cho thấy, dự án thủy điện Sê San 5 của công ty chưa có những tiến triển tính đến hết năm 2019. Theo đó, vào ngày 12/2/2019, UBND huyện Ia Grai qua kết quả báo cáo sơ bộ cho thấy vị trí dự án công ty Bắc Nam xin khảo sát bị ảnh hưởng trực tiếp đến đất ruộng nước của nhân dân làng Bi, làng Kloong và ảnh hưởng trực tiếp đến cột mốc biên giới 25.1 (2) Việt Nam. Công ty Bắc Nam sau đó đã xin được điều chỉnh lại vị trí để không bị ảnh hưởng các vấn đề trên.
Trở lại với Tân Việt Bắc Ban Mê, một tìm hiểu của Nhadautu.vn cho thấy, tất cả các cổ đông còn lại tại doanh nghiệp đều có gốc gác từ thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.
Công ty TNHH Thương mại và vận tải Trường Thành (trụ sở tại Khu đô thị mới, phường Minh Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) – doanh nghiệp ra đời vào năm 2004, vốn điều lệ ban đầu là 1 tỷ đồng. Lĩnh vực kinh doanh chính của Trường Thành là vật liệu xây dựng các loại như: Mua bán các chất phụ gia phục vụ cho sản xuất xi măng, clinker, thạch cao, than cám… với địa bàn kinh doanh chủ đạo tại các tỉnh phía Bắc và một số tỉnh phía Nam.
Tính đến tháng 11/2019, vốn điều lệ công ty đạt 25 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Bà Đào Thị Đầm (90%) – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty; ông Vũ Văn Thành (10%) – con trai bà Đầm.
Sở hữu mức vốn chỉ vỏn vẹn 25 tỷ đồng, nhưng Trường Thành gây ấn tượng giới đầu tư với doanh thu năm 2019 đạt 811,1 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 28% so với cùng kỳ. Nhìn rộng ra giai đoạn 2016 – 2019, có thể thấy Trường Thành luôn duy trì mức doanh thu rất tốt. Dù vậy, lãi thuần công ty chỉ ở mức teo tóp vài trăm triệu đồng. Đơn cử, năm 2019 ghi nhận lãi thuần Trường Thành chỉ là 463,4 triệu đồng, giảm 33,3%.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản tính đến ngày 31/12/2019 là 318,7 tỷ, trong đó chiếm chủ yếu là nợ (297,6 tỷ). Mặt khác, việc vốn chủ sở hữu chỉ còn 21,1 tỷ (giảm 3,9 tỷ so với vốn điều lệ) phần nào phản ánh, doanh nghiệp dù lãi thuần có, nhưng lại lỗ sau thuế.
Chủ tịch HĐQT Trường Thành - doanh nhân Đào Thị Đầm không phải cái tên xa lạ với giới đầu tư. Bà từng là Phó Chủ tịch HĐQT, Phó Tổng giám đốc tại CTCP Xi măng và xây dựng Quảng Ninh – HOSE: QNC (từ nhiệm vào tháng 5/2019). Hiện tại, bà đang là Thành viên HĐQT CTCP Xây dựng 1369 (HNX: C69).
Ngoài ra, nữ doanh nhân họ Đào đang là Chủ tịch HĐQT CTCP Bê tông Thành Hưng. Theo tìm hiểu, doanh nghiệp này thành lập vào ngày 3/3/2017, ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất bê tông và các sản phẩm từ xi măng và thạch cao. Tại thời điểm mới thành lập, vốn điều lệ công ty đạt 16 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Trần Văn Hướng (37,5%), Nguyễn Hồng Lương (12,5%), Vũ Văn Thành (6,25%) và Đào Thị Đầm (43,75%).
Doanh thu thuần Bê tông Thành Hưng giai đoạn 2017-2019 ghi nhận tăng trưởng dần qua các năm. Cụ thể, năm 2017 đạt 5,2 tỷ; năm 2018 là 21,9 tỷ; năm 2019 đạt 44,3 tỷ. Dù vậy, chỉ tiêu lợi nhuận thuần lại cho thấy sự bất thường khi công ty lỗ thuần năm 2017 (-1,41 tỷ), 2019 (-1,23 tỷ) và chỉ lãi duy nhất năm 2018 (1,21 tỷ).
CTCP Đông Hải 27-7 (trụ sở tại thôn Lâu Động, xã Quang Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) được thành lập vào năm 2008, với sự góp vốn của doanh nhân Phạm Văn Toàn và các thành viên sáng lập là thương binh.
Trong 12 năm hình thành và phát triển, công ty đạt một số thành tựu nhất định, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng. Có thể kể đến nhiều gói thầu thi công công trình đáng chú ý như: San lấp mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng dự án khu đô thị Nam Kim Môn; làm đường vành đai Nam Kim Môn, làm đường Trần Liễu, đầu tư dự án khu đô thị Cầu Sến (thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) với diện tích là 30 ha,…
Sang năm 2010, Đông Hải 27-7 là nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng dự án Điểm dân cư mới xã Hiệp Sơn với tổng diện tích 4,5 ha, tổng giá trị 35,8 tỷ đồng. Đến năm 2011, công ty tiến hành làm thủ tục xây dựng và kinh doanh hạ tầng 3 khu đô thị khác, gồm: Khu đô thị xã An Phụ có quy mô 10,5 ha, tổng mức đầu tư khoảng 120 tỷ đồng; khu đô thị xã Phúc Thành có quy mô 14,5 ha với tổng mức đầu tư khoảng 150 tỷ đồng và khu đô thị Kim Sơn - Đông Triều - Quảng Ninh có tổng diện tích 8,4 ha với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng.
Đáng chú ý, vào năm 2018, Đông Hải 27-7 cùng Tân Việt Bắc của đại gia Nguyễn Văn Bắc đã được lựa chọn là nhà đầu tư thực hiện dự án Xây dựng khu dân cư mới xã Phúc Thành có tổng chi phí 175,8 tỷ đồng và dự án Xây dựng khu dân cư mới xã An Phụ có tổng chi phí thực hiện 125,2 tỷ đồng.
Dù sở hữu vốn điều lệ chỉ 50 tỷ đồng (tính đến thời điểm 31/12/2019), nhưng Đông Hải 27/7 đạt mức doanh thu đến vài trăm tỷ đồng. Theo đó, doanh thu thuần năm 2019 của công ty là 458 tỷ, tăng hơn 90% so với cùng kỳ. Đây cũng là con số cao nhất mà doanh nghiệp này đạt được giai đoạn 2016 – 2019. Dù vậy, lợi nhuận thuần công ty sau khi trừ đi các chi phí chỉ còn 3,6 tỷ.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản Đông Hải 27-7 là 441 tỷ, trong đó chiếm chủ yếu là nợ phải trả (387 tỷ - chiếm 87,76%), phần còn lại là vốn chủ sở hữu 53,97 tỷ.
Sự hình thành và phát triển của Đông Hải 27-7 gắn liền với tên tuổi ông Phạm Văn Toàn. Dù vậy, theo dữ liệu của Nhadautu.vn , hiện tại Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc Đông Hải 27-7 hiện là ông Nguyễn Thanh Tùng (SN 1976).
Công ty TNHH Phú Tân được thành lập vào ngày 15/6/2001, đóng trụ sở tại Khu dân cư Châu Xá, phường Duy Tân, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Tính đến tháng 6/2020, vốn điều lệ công ty đạt 309 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm: Ông Cao Văn Tý (99,19%), Văn Hữu Tường (0,810%).
Tại thị xã Kinh Môn (Hải Dương), Phú Tân là chủ sở hữu một số dự án đáng chú ý như: Dự án Nhà máy sản xuất đá nhựa (quy mô 44,8 ha); dự án Bến bãi sơ chế, kinh doanh than và vật liệu xây dựng (quy mô 28.345,21 m2); dự án Nhà máy sản xuất tấm PVC hỗn hợp và xây dựng cảng nội địa (quy mô 43.876 m2);…
Về tình hình kết quả kinh doanh, doanh thu thuần Phú Tân năm 2019 đạt 434 tỷ đồng, tương đương tăng 8,71% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận thuần 2,9 tỷ, chỉ bằng gần 1/4 so với năm 2018 đạt 8,12 tỷ.
Tính đến ngày 31/12/2019, tài sản doanh nghiệp đạt 561 tỷ đồng, trong đó đóng góp chủ yếu là nợ 301 tỷ (chiếm 53,65%), phần còn lại là vốn chủ sở hữu 260 tỷ đồng.
CTCP Tân Phú Xuân thành lập ngày 6/5/2004, đóng trụ sở tại Khu 2, phường Phú Thứ - Thị xã Kinh Môn - Hải Dương. Người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc là ông Bùi Đức Thuận (SN 1957).
Tân Phú Xuân được biết đến là đơn vị sở hữu nhiều dự án như: Liên danh cùng CTCP Tư vấn đầu tư mỏ và công nghiệp - Vinacomin thực hiện xây dựng, vận hành Trạm nghiền và Hệ thống băng tải vận chuyển đất đá ra bãi thải Bàng Nâu; dự án trạm nghiền và hệ thống băng tải vận chuyển đất đá ra bãi thải Bàng Nâu"; dự án đầu tư xây dựng, vận hành trạm nghiền và hệ thống băng tải vận chuyển đất đá ra bãi thải Bàng Nâu cho CTCP Cao Sơn – Vinacomin;…
Dù sở hữu tổng tài sản tính đến hết năm 2019 là 2.521 tỷ đồng, nhưng Tân Phú Xuân lại đang lỗ thuần 3 năm liên tiếp. Cụ thể, công ty lỗ 13,7 tỷ năm 2017; lỗ 11,65 tỷ năm 2018 và lỗ 48,5 tỷ năm 2019.