Ít người nhớ được rằng, cách đây chưa đến một thập kỷ, Sony vẫn còn là một trong số 5 thương hiệu smartphone đứng đầu thế giới. Những sai lầm liên tiếp với series Z cũng như sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thương hiệu Trung Quốc đã khiến gã khổng lồ Nhật Bản một thời dần dần mất chỗ đứng. Ngày nay, thị phần của Sony thậm chí còn không bằng nổi những thương hiệu ít người biết đến như Tecno hay Itel.
Một trong số những đối thủ Trung Quốc đã góp phần đẩy lùi Sony vào dĩ vãng là Xiaomi. Ra mắt khá muộn, Xiaomi chỉ mất đúng 5 năm để vượt mặt tất cả các tên tuổi lớn để lọt vào top 5 thế giới. Chiếc lược phá giá cấu hình đã giúp Hạt Gạo Nhỏ đi sâu vào tâm trí của người dùng hạn hẹp kinh phí, chưa kể những thiết kế có ảnh hưởng quá nhiều từ Apple và những chiến dịch truyền thông gây tranh cãi đã giúp cho Xiaomi trở thành một trong những thương hiệu smartphone nổi tiếng nhất hiện nay.
Có thời từng là một trong những tên tuổi smartphone hàng đầu, Sony nay đã bị các đối thủ Trung Quốc bỏ xa về doanh số và thị phần.
Có thể nói không sai rằng những chiếc Xiaomi đầu bảng sẽ thu hút được đông đảo sự chú ý hơn bất kỳ một chiếc Xperia nào. Thị phần của Sony ngày nay quả thật chỉ là một dấu chấm nhỏ khi so sánh với Xiaomi. Nhưng nếu chọn một góc nhìn khác, bạn sẽ thấy Sony vẫn đang dễ dàng đánh bại Xiaomi ở một khía cạnh quan trọng.
Khía cạnh mà chúng ta đang nói tới là khả năng sinh lời. Theo số liệu chính thức của Sony, trong quý 2 vừa qua nhà sản xuất Nhật Bản bán được 800.000 smartphone, giảm 100.000 đơn vị so với cùng kỳ 2019. Nhưng với doanh số siêu nhỏ bé này, mảng di động của Sony vẫn có thể mang lại lợi nhuận hoạt động vào hơn 100 triệu USD.
Ở phía ngược lại, Xiaomi củng cố vị thế vững chắc trong top 5 với số lượng smartphone xuất xưởng đạt mức 28,3 triệu máy. Tại nhiều thị trường lớn, Xiaomi đang chiếm vị trí dẫn đầu và/hoặc đang tăng trưởng ấn tượng. Nhưng kể cả với mức doanh số ấn tượng này, smartphone Xiaomi chỉ mang lại lợi nhuận gộp vào khoảng 353 triệu USD.
Mỗi chiếc Xperia bán ra vẫn mang lại lợi nhuận cao đáng kinh ngạc cho Sony.
Bạn có lẽ đã nhận thấy sự chênh lệch. Lượng smartphone Xiaomi bán ra toàn cầu cao gấp 35 lần Sony, nhưng lợi nhuận thu về chỉ cao gấp 3,5 lần. Dù rằng phép tính của chúng ta chỉ có độ chính xác tương đối (do Sony công bố lợi nhuận hoạt động còn Xiaomi công bố lợi nhuận gộp), tính trung bình mỗi chiếc Xperia bán ra đem về khoản lãi tương đương 10 chiếc Xiaomi. Đó có thể coi là hiện tượng khá bất ngờ, bởi Xiaomi hiện tại vẫn là thương hiệu được nhiều người yêu thích hơn Sony.
Bạn có lẽ đã đoán ra lý do tại sao. Tính từ tháng 9 năm ngoái cho tới nay, Sony chỉ ra mắt vỏn vẹn 4 mẫu smartphone, trong đó chỉ duy nhất có 1 mẫu giá rẻ là Xperia L4 và 1 mẫu tầm trung là Xperia 10 II. Cả 2 chiếc Xperia "giá mềm" này đều có cấu hình… thấp hơn hẳn đối thủ cạnh tranh và đều khá mờ nhạt, ít được quảng bá. Để tranh đấu với Apple và Samsung, đầu năm nay Sony ra mắt chiếc Xperia 1 II với mức giá "hoang tưởng" 1200 USD. Chiếc Xperia 5 II sắp ra mắt cũng chắc chắn vẫn sẽ thuộc về phân khúc cao cấp với mức giá 750 USD như người tiền nhiệm Xperia 5.
Sony đang nắm trong tay một danh mục cực kỳ ít ỏi với toàn những sản phẩm có thể coi là đắt đỏ. Điều này trái ngược hoàn toàn với Xiaomi: cũng trong cùng khoảng thời gian từ tháng 9 năm ngoái tới nay, Xiaomi đã vén màn trên dưới 50 mẫu điện thoại khác nhau. Xiaomi đến nay vẫn mang tư tưởng bán smartphone một cách "ồ ạt", đa dạng về mẫu mã và giá cũng rất rẻ. ASP, hay khoản tiền trung bình người dùng bỏ ra để sở hữu một chiếc điện thoại Xiaomi là khoảng 163 USD, tức là còn thấp hơn cả chiếc Xperia có giá thấp nhất.
Khoản tiền trung bình được người tiêu dùng chi cho một chiếc điện thoại Xiaomi vẫn chưa đủ để mua được chiếc Xperia giá rẻ nhất.
Vô tình, Xiaomi và Sony đã trở thành đại diện cho 2 thái cực hoàn toàn khác biệt của thị trường smartphone. Và khi bạn so sánh sản phẩm cao cấp với sản phẩm giá rẻ, nguyên tắc tất yếu của thị trường đã xảy ra: một chiếc Xperia đắt đỏ có khả năng sinh lời tốt hơn nhiều lần một chiếc Mi/Redmi giá rẻ.
Bao năm qua, đây cũng chính là lý do khiến cho Apple "ăn" hết lợi nhuận của các hãng Android : dù chỉ có thị phần bằng 1/5, chiến lược tập trung vào phân khúc giá cao đã khiến cho iPhone đem về lợi nhuận cao hơn hẳn. Trong quý vừa qua, vừa chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, vừa là quý có sức mua iPhone xuống thấp theo lịch thường niên, Apple vẫn đem về 10 tỷ USD lợi nhuận, cao hơn lãi cùng kỳ của Samsung, Huawei và Xiaomi cộng lại.
Đến cuối cùng, lợi nhuận vẫn là tôn chỉ quan trọng nhất của mỗi công ty. Chẳng có ai kinh doanh mà không màng đến lãi lỗ cả. Và như Sony cùng Xiaomi đã chứng minh, ngay cả trong mùa dịch muôn trùng khó khăn, smartphone cao cấp vẫn dễ sinh lời hơn smartphone giá rẻ. Khi nền kinh tế phục hồi, khi mọi thứ trở lại quỹ đạo bình thường, ngành công nghiệp di động sẽ hiểu rõ mục tiêu cần hướng tới là gì. Smartphone giá rẻ sẽ ngày càng lụi bại, và càng ngày các ông lớn sẽ càng tập trung để sát phạt nhau trên phân khúc cao cấp.