Nhìn lại sự trỗi dậy của TikTok, ứng dụng Trung Quốc bị Mỹ dọa 'cấm cửa'

Du Lam |

TikTok là ứng dụng Trung Quốc đầu tiên thành công trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, sức hút điên rồ của TikTok cũng khiến nó phải đối mặt với vô số thách thức.

TikTok là ứng dụng Trung Quốc đầu tiên thành công trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, sức hút điên rồ của TikTok cũng khiến nó phải đối mặt với vô số thách thức.

Tuần qua, TikTok bị Ấn Độ cấm cửa cùng 58 ứng dụng Trung Quốc khác. Mỹ cũng đe dọa sẽ cấm ứng dụng phổ biến này vì lý do an ninh quốc gia. Sự phổ biến của nó khiến các nhà chức trách, đặc biệt là Mỹ, đặt câu hỏi về xuất xứ Trung Quốc cũng như khả năng gây ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc tới TikTok.

Nhìn lại sự trỗi dậy của TikTok, ứng dụng Trung Quốc bị Mỹ dọa cấm cửa - Ảnh 1.

CEO ByteDance Zhang Yi Ming

TikTok thuộc sở hữu của ByteDance, công ty công nghệ Trung Quốc đang vận hành một số ứng dụng mạng xã hội phổ biến. Có thể ví ByteDance với Facebook của nước Mỹ. Cả hai đều có hàng tỷ người dùng mỗi ngày.

CEO ByteDance là Zhang Yi Ming, người thành lập công ty năm 2012. Tên tuổi của Zhang tương đối kém nổi ngoài Trung Quốc. CEO 35 tuổi này theo học kỹ thuật phần mềm. Sản phẩm đầu tiên của ByteDance là ứng dụng thu thập tin tức Toutiao. Zhang muốn tạo ra nền tảng tin tức dựa trên trí tuệ nhân tạo, khác biệt với công cụ tìm kiếm Baidu.

Từ năm 2012, ByteDance sản xuất thêm vài ứng dụng mạng xã hội phổ biến khác. Năm 2019, công ty ra mắt ứng dụng chat FlipChat, cạnh tranh với WeChat và ứng dụng nhắn tin video Duoshan. Sau 8 năm thành lập, ByteDance hiện có giá trị 75 tỷ USD, là công ty tư nhân giá trị nhất thế giới. Họ được nhận đầu tư từ các nhà đầu tư mạo hiểm lớn nhất toàn cầu như SoftBank, Sequoia Capital…

Tháng 9/2016, Douyin - ứng dụng video dạng ngắn – được ByteDance giới thiệu tại Trung Quốc. Định dạng video ngắn không xa lạ với thị trường trong nước nhưng Douyin thành công ngoài mong đợi. Chỉ trong vòng 1 năm, Douyin đã có 100 triệu người dùng và 1 tỷ lượt xem video mỗi ngày.

1 năm sau, Douyin mở rộng thị trường ra ngoài Trung Quốc dưới tên TikTok. Nền tảng nhanh chóng “leo hạng” trên các kho ứng dụng tại Thái Lan, Nhật Bản và các nước châu Á khác. Tuy nhiên, khi TikTok bắt đầu thu hút sự chú ý trên toàn cầu, một ứng dụng video ngắn khác lại nổi lên tại Mỹ: Musical.ly. Nó cho phép người dùng tạo đoạn video ngắn 15 giây lồng nhạc và hiệu ứng.

Musical.ly là sản phẩm của Alex Zhu và Louis Yang, ra đời năm 2014. Ứng dụng giành vị trí số 1 trên App Store tại Mỹ mùa hè năm 2015 và chưa bao giờ rơi khỏi bảng xếp hạng. Nhờ Musical.ly, một thế hệ ngôi sao mới ra đời. Khi ứng dụng video Vine đóng cửa vào tháng 10/2016, nhiều người nổi tiếng đã chuyển sang Musical.ly tiếp tục sự nghiệp.

Tháng 11/2017, ByteDance mua lại Musical.ly với giá 1 tỷ USD và vận hành cùng lúc 2 ứng dụng: Musical.ly tại Mỹ và TikTok tại thị trường khác. Tháng 8/2018, ByteDance thông báo đóng cửa Musical.ly, nhập vào TikTok. Tất cả tài khoản Musical.ly được chuyển sang nền tảng TikTok. Thời điểm đó, đồng sáng lập Zhu cho biết mục tiêu của họ là tạo ra một cộng đồng nơi ai cũng có thể làm nhà sáng tạo nội dung.

Nhìn lại sự trỗi dậy của TikTok, ứng dụng Trung Quốc bị Mỹ dọa cấm cửa - Ảnh 2.

Giao diện TikTok

Sau khi sáp nhập, TikTok ngày càng đi lên tại Mỹ. Tháng 9/2019, nó trở thành ứng dụng iOS đầu tiên không thuộc danh mục game đứng đầu App Store. Sự phổ biến của TikTok lên tới đỉnh điểm vào tháng 12/2018 với 6 triệu lượt cài đặt trong tháng, theo Sensor Tower. Chỉ riêng tại Mỹ, công ty có khoảng hơn 1.000 nhân viên.

Do trọng tâm là âm nhạc, TikTok trở thành bàn đạp để các nghệ sỹ giới thiệu ca khúc tới người dùng. Những bài hát nổi tiếng được chọn làm nhạc nền để khiêu vũ hay tham gia thử thách. Bài hát “Old Town Road” của Lil Nas X nhận được sự chú ý đầu tiên trên TikTok và xuất hiện trong vô số video trước khi tiến thẳng lên trên cùng bảng xếp hạng Billboard.

TikTok cũng trở thành nền tảng biến người dùng bình thường thành hiện tượng mạng và người có ảnh hưởng trên Internet . Hiện tại, người được theo dõi nhiều nhất trên TikTok là Charli D’Amelio với hơn 69,6 triệu người theo dõi.

Thành công của TikTok không chỉ có tại Mỹ mà còn trên toàn cầu. Tháng 11/2019, TikTok chạm mốc 1,5 tỷ lượt tải trên cả iOS và Android. Ứng dụng nhanh chóng lấn sân của Instagram và Snapchat. Dù vậy, thành công cũng đi kèm phiền toái. Tại Mỹ, TikTok trở thành mục tiêu giám sát của nhà lập pháp, những người cảm thấy quan ngại vì quan hệ giữa ByteDance và chính phủ Trung Quốc.

Mỹ mở cuộc điều tra TikTok vào tháng 11/2019. Quan chức đặt câu hỏi về cách TikTok xử lý và lưu trữ dữ liệu, dẫn tới một số tổ chức như quân đội cấm ứng dụng này trên các thiết bị do nhà nước cấp. Nền tảng người dùng trẻ cũng là một vấn đề khác. Năm ngoái, công ty này phải nộp phạt 5,7 triệu USD vì cáo buộc thu thập thông tin bất hợp pháp từ người dùng dưới 13 tuổi mà không có sự đồng ý của phụ huynh, vi phạm Đạo luật Bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em (COPPA). Trong một vụ kiện khác liên quan tới COPPA, TikTok phải dàn xếp bằng số tiền 1,1 triệu USD.

Nhìn lại sự trỗi dậy của TikTok, ứng dụng Trung Quốc bị Mỹ dọa cấm cửa - Ảnh 3.

Đồng sáng lập Musical.ly Alex Zhu

Trước sự giám sát ngày một tăng từ Mỹ, ByteDance làm nhiều cách để vạch ranh giới với chính phủ Trung Quốc. Ứng dụng hiện do ông Kevin Mayer, một người Mỹ, điều hành. Alex Zhu chuyển sang làm Phó chủ tịch sản phẩm và chiến lược của ByteDance. Bất chấp những nỗ lực này, TikTok vẫn đang bị tấn công tại nhiều thị trường.

Sau khi Ấn Độ cấm 59 ứng dụng Trung Quốc, trong đó có TikTok, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ có thể cũng làm điều tương tự vì chia sẻ dữ liệu người dùng với chính phủ Trung Quốc. Tuy nhiên, không rõ Tổng thống Trump có quyền ra lệnh cấm TikTok hay không. Theo Fortune, bất kỳ yêu cầu cấm người dùng không sử dụng một ứng dụng nào đó nhiều khả năng vi phạm hiến pháp và sẽ vấp phải kháng cự từ hàng triệu người Mỹ, đặc biệt là giới trẻ, vì TikTok đã là một nơi thể hiện văn hóa của họ.

(Theo BI)

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại