Trong bối cảnh chiến tranh thương mại trong môi trường kinh tế đã toàn cầu hóa, cả Mỹ lẫn Trung Quốc đã gây ra tổn thất lớn cho các công ty công nghệ ở cả hai nước. Huawei mất thị trường 5G của Mỹ và đang bước vào cuộc khủng hoảng về smartphone. Nhưng ngược lại, một số công ty Mỹ cũng phải đối mặt với sự suy giảm hiệu suất và thậm chí là rủi ro mất đi cả thị trường với dân số đông nhất thế giới. Trong cuộc chiến này gần như không có người chiến thắng.
Mới đây nhất, xuất hiện nhiều tin đồn về việc Foxconn sẽ cam kết gắn bó với Apple và rời khỏi Trung Quốc, cũng như việc Apple đang tìm cách chuyển 15% đến 30% sản lượng phần cứng của mình sang các quốc gia khác.
Trên thực tế, có một thời gian, vẫn đề Apple đi hay ở cũng từng được bàn luận rôm rả. Trong quá khứ, Google đã từng chấp nhận rời bỏ thị trường tiềm năng này và nhiều người mong chờ một công ty lớn thứ hai có đủ can đảm để làm việc đó. Nhưng liệu, Tim Cook cùng các nhân viên quản lý của mình có dám làm điều đó hay không?
Apple liệu có học theo Google từ bỏ thị trường Trung Quốc?
Trước hết, cùng nhìn lại quyết định của Google. Về bản chất, Google là một công ty quảng cáo, bắt đầu bằng một công cụ tìm kiếm sau đó nắm trong tay YouTube, Gmail, bản đồ và hệ sinh thái Android. Nhìn bề ngoài nó là một công ty công nghệ với dịch vụ liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhưng lợi nhuận của nó hơn 85% vẫn đến từ kinh doanh quảng cáo. Ví dụ quảng cáo trên công cụ tìm kiểm, trong email, trên video YouTube, trên Google map…
Do đó, không khó để hiểu tại sao Google lại tạo ra nhiều dòng sản phẩm lớn cùng một hệ sinh thái rộng lớn đến như vậy. Bởi vùng phủ sóng càng rộng, quảng cáo có thể bán càng nhiều. Ngay cả khi bạn không phải là khán giả của các quảng cáo này, bạn có thể trở thành người đóng góp dữ liệu cho Google.
Đừng nghĩ Google như một vị cứu tinh của Internet, nó đơn giản chỉ là một người trung gian cùng lúc đang chăm sóc hai người, một là người dùng hai là các nhà quảng cáo. Không có bữa trưa nào miễn phí. Những gì Google làm là kết hợp hai đối tượng này lại với nhau một cách có trật tự. Nên nhớ rằng thứ có giá trị nhất trong thời đại Internet chính là dữ liệu.
Vậy tại sao Google dám rời bỏ thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc? Đơn giản bởi vì Google có một cơ sở người dùng lớn trên thế giới. Và cho dù không có công cụ tìm kiếm riêng tại quốc gia này, Google vẫn có thể kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc. Ví dụ như các công ty Trung Quốc muốn mở rộng thị trường nước ngoài, họ phải dựa vào các dịch vụ quảng cáo của Google. Thực tế có khá nhiều đại lý của các công ty lớn ở Trung Quốc đang kinh doanh liên quan đến dịch vụ quảng cáo Google.
Và mặc dù nhiều doanh nghiệp của Google không thể ra mắt tại Trung Quốc, việc kinh doanh có thể bị ảnh hưởng đôi chút, nhưng hoạt động kinh doanh quảng cáo cốt lõi của công ty vẫn hoạt động một cách có trật tự. Đây có thể là lý do chính tại sao Google Seach trong nhiều năm qua chưa bao giờ quá nóng vội hoặc háo hức quay trở lại thị trường này.
Khi Google rời đi, nhiều cư dân mạng ở Trung Quốc cảm thấy vui mừng. Họ nói rằng: "May mắn thay, Google đã rời khỏi Trung Quốc" hay "Nếu Google không rời đi, hệ sinh thái khổng lồ của nó sẽ làm chủ một lượng dữ liệu khổng lồ và khiến chúng ta phụ thuộc vào nó".
Google về cơ bản là một công ty quảng cáo.
Còn Apple, đang được so sánh là một trong những công ty ngang ngửa với Google trong lĩnh vực công nghệ. Nhưng tình hình của Apple lại kém lạc quan hơn nhiều so với bạn mình. Nguyên nhân cũng nằm ở mô hình kinh doanh và kiếm lợi nhuận đang phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.
Nhắc đến Apple, hầu hết mọi người đều nghĩ đến iPhone đầu tiên, bởi gần 60% doanh thu của công ty đến từ dòng sản phẩm này. Mặc dù công ty đang có xu hưởng chuyển dần sang bán phụ kiện hay kinh doanh dịch vụ, thế nhưng tỷ suất lợi nhuận và doanh thu cao của iPhone cũng giúp Apple kiếm được rất nhiều tiền. Và các hướng đi khác của công ty, thậm chí cả hệ sinh thái lớn của nó vẫn phải dựa trên doanh số bán phần cứng.
Bởi vì về cơ bản, cho dù dựa trên các dịch vụ hoặc phần mềm, trên thực tế vẫn phải có đủ người mua thiết bị phần cứng của Apple thì công ty mới có cơ sở để bán các sản phẩm khác cũng như mở rộng và thể hiện giá trị hệ sinh thái của mình.
Google thì khác, các dịch vụ của công ty này dường như miễn phí giúp người dùng dễ dàng sử dụng, dễ dàng tạo ra một lượng người dùng và lấy được luồng thông tin khổng lồ. Còn đối với Apple, việc quan trọng nhất họ cần làm vẫn phải là bán được các sản phẩm có giá cả nghìn USD, hoặc thậm chí tới hàng chục nghìn USD.
Rõ ràng, cái giá của Google là miễn phí còn của Apple là rất đắt. Chính vì vậy, Apple rất cần thị trường và người mua. Trung Quốc, thị trường mới nổi với 1,4 tỷ dân có khả năng chi tiêu ngày càng tăng là miếng ngon không thể bỏ lỡ. Nói một cách đơn giản, nếu Apple để mất thị trường tiềm năng Trung Quốc, về cơ bản nó cũng giống như việc công ty này tự tay phá hủy vũ khí trên tay mình.
Một số công ty đã tính toán cẩn thận dữ liệu doanh thu của Apple trong những năm qua và so sánh nó với tình hình hiện tại của thị trường điện thoại di động ở Trung Quốc. Kết quả cho thấy nếu người dân ở quốc gia này không mua iPhone hay iPad nữa, doanh thu của Apple sẽ giảm khoảng 25%. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc giá trị cổ phiếu và giá trị thị trường của Apple sẽ giảm mạnh.
Hệ sinh thái của Apple không thể tách rời doanh số bán phần cứng.
Ngoài việc dựa vào sức tiêu thụ khổng lồ của thị trường Trung Quốc, Apple còn chịu ảnh hưởng bởi cái mác "Made in China" gắn sau mỗi chiếc iPhone. Không chỉ có quy trình lắp ráp, các công ty Trung Quốc còn cung cấp cho Apple một hệ thống cung cấp linh kiện có chất lượng cao và chi phí thấp. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh của quốc gia này, điều mà ở hiện tại không một nước nào trên thế giới có thể so sánh.
Đó là lý do khi nhìn lại quá khứ, Apple đã rất nhiều lần phải nhún nhường. Trong khi Google cứng rắn khi đứng trước quyết định phải xử lý các luồng dữ liệu nhạy cảm, Apple lại chọn thỏa hiệp và cố làm hài long người dùng ở quốc gia này như tung ra các phiên bản sản phẩm đặc biệt. Điều này là đủ để cho thấy Apple phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như thế nào.
Vì vậy, dù tổng thống Donald Trump đã nhiều lần yêu cầu Apple quay trở lại Mỹ để sản xuất, câu trả lời của Tim Cook vẫn luôn chỉ có một. "Điều này gần như là không thể", ông nói. Sau những xích mích thương mại Trung-Mỹ, CEO của Apple đã phải lên tiếng để thuyết phục ông Trump rằng: "Thật là sai lầm khi áp thuế đối với Trung Quốc".
Tạp chí Phố Wall (WSJ) của Mỹ tin rằng Apple đã trở thành một trong những công ty lớn nhất và có lợi nhuận cao nhất trên thế giới, nhưng nó có được điều đó nhờ việc không thể tách rời chiến lược gia công tại Trung Quốc. Bloomberg thì cho rằng việc tăng thuế quan của Mỹ đã tạo ra một mối đe dọa lớn đối với mô hình lợi nhuận của Apple, khiến nó trở thành một trong những công ty bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Apple cần thị trường tiêu dùng khổng lồ của Trung Quốc.
Gần như không còn nghi ngờ gì nữa, Apple nếu để mất thị trường Trung Quốc sẽ phải chịu một cú sốc lớn. Nhưng ngược lại, thị trường Trung Quốc cũng sẽ đau đớn không kém nếu mất đi Apple. Hơn một nửa doanh thu của Foxconn đến từ các xưởng đúc linh kiện cho Apple và gần 80% sản phẩm của Apple được sản xuất tại Trung Quốc được cung cấp cho thị trường toàn cầu. Có lẽ thị trường Trung Quốc không có iPhone thì thị phần còn thiếu sẽ sớm bị lấp đầy bởi các thương hiệu khác. Nhưng các đơn đặt hàng sản xuất toàn cầu nếu thực sự bị mất, việc dựa vào các thương hiệu trong nước để xóa bỏ khó khăn là điều không tưởng.
Chưa kể tới việc các công ty Trung Quốc trong hệ thống chuỗi cung ứng của Apple cũng sẽ trở thành nạn nhân trực tiếp. Nhiều công ty trong số này đã đầu tư một số tiền lớn cho nghiên cứu và phát triển hoặc mua lại công nghệ đặc biệt dựa trên các nhu cầu riêng của Apple. Họ cũng có áp lực tồn kho nhất định đối với công ty Mỹ. Nếu Apple vội vã rời khỏi Trung Quốc thì một loạt các phản ứng dây chuyền sẽ ảnh hưởng đến các công ty Trung Quốc trong việc cung cấp linh kiện, vô hình chung gây tổn thương lên nền kinh tế của cả quốc gia.
Có thể nói, câu chuyện của Apple là minh chứng rõ nhất cho kết quả tất yếu của sự phát triển trong xu hướng hội nhập kinh tế toàn cầu. Nó cũng là mô hình hợp tác cùng có lợi đã được chứng minh là hiệu quả. Apple ngày nay có thể được ví như một cây mọc trên đất Trung Quốc. Phần trên là cành lá xum xuê, phần dưới là rễ cắm sâu và lan tỏa. Mỹ muốn nhổ cái cây này đi đem trồng ở chỗ khác, thì cái cây có thể chết héo hoặc lụi tàn bởi đã bị rời đi khỏi mảnh đất màu mỡ nhất. Còn ở chỗ cái cây biến mất sẽ còn lại một cái hố. Cái hố theo thời gian cuối cùng sẽ bị lấp, nhưng liệu có cái cây khác có thể sinh trưởng lại trên khu vực đó nữa hay không lại là cả một vấn đề.
Tham khảo ZOL