1. Chuyện quái gì đang diễn ra ở vòng khai mạc Premier League thế? Phải chăng những "đại gia" làm mưa làm gió mùa giải trước đang yếu đi, còn những đội "tý hon" đang mạnh lên và đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với những tên tuổi lớn nhất của nước Anh? Không có lý.
Điểm chung dễ thấy nhất là các "đại gia" đến từ London và Liverpool đột nhiên dễ tính đến bất ngờ trước các chân sút chưa có tên tuổi. Cả 3 đội bóng xếp trong top 6, thậm chí là cả nhà đương kim vô địch Premier League đều bị "giã" đến 3 bàn từ các đội bóng có hiệu số lần lượt là -15, -16 và -28 bàn mùa giải trước.
Thê thảm nhất là Chelsea, khi chiếc thẻ đỏ đầu tiên của đội trưởng Gary Cahill mở ra một hiệp 1 thảm họa, với 2 bàn thắng đến từ tình huống treo thẳng bóng vào vòng cấm cho cầu thủ tấn công dễ dàng kết thúc, và bàn còn lại đến từ một pha tấn công biên tưởng chừng vô hại. Rồi tấm thẻ đỏ thứ 2 đặt dấu chấm hết cho nỗ lực san bằng tỷ số, dù tân binh Morata chơi cực kỳ ấn tượng.
Premier League vòng 1: Chelsea 2-3 Burnley
Không phải hàng công không ghi được bàn, mà là hàng thủ mở toang cánh cửa cho đối phương tìm đường vào khung thành dễ dành đang là vấn nạn của cả Arsenal, Liverpool lẫn Chelsea. Đây là điều không thường thấy ở Premier League trong những cặp đấu chênh lệch, và rõ ràng hàng thủ đang là nỗi đau đầu của các "ông lớn".
Mùa bóng trước, điểm nhấn của Premier League là những HLV hàng đầu thế giới, tạo nên những bản sắc khác nhau, thổi những chiến thuật thời thượng, những toan tính đỉnh cao vào giải đấu vốn phải nhận không ít lời chê bai về tính cống hiến đi đôi với sự ngây thơ và quả tình bước đầu đã chứng minh được chỗ đứng của mình trong việc vực dậy vị thế của Premier League.
Còn năm nay, điểm nhấn lớn nhất là những bản hợp đồng bom tấn, đem về Anh những cầu thủ với mức giá "trên trời". Premier League không thiếu tiền, thậm chí đang có rất nhiều tiền, đủ để phần còn lại của thế giới phải "thèm nhỏ dãi", nhưng đi đôi với nó, giống hệt cách mà Man United thất bại mùa trước, là sự mất cân đối và gắn kết trong đội hình.
Tấm thẻ đỏ dành cho đội trưởng Gary Cahill đẩy Chelsea vào màn mở đầu mùa giải mới đầy thảm họa.
Người ta chẳng còn nhận ra nổi một Chelsea đầy tính gắn kết, chắc chắn, đầy bản lĩnh và già dặn, có thể chưa thắng, chứ nhất định không để đối phương có cơ hội vươn lên dẫn trước và luôn biết cách lấy trọn 3 điểm. Chelsea của Conte mùa bóng trước thắng đến 17/19 trận sân nhà, và 13 trận sân khách.
2. Tiền đang khiến bóng đá Anh biến chất. Hết rồi thời kỳ mà những Man United, Chelsea, Liverpool hay Arsenal được chèo chống một cách kiêu hãnh và vững chãi bởi những cầu thủ mà gương mặt của họ chính là sự đại diện cho CLB. Sau lời chia tay với John Terry của Chelsea, những "đại gia" Premier League sạch bóng những gương mặt như thế.
Những tượng đài lần lượt bị giật sập, thay vào đó là những tên tuổi mới nổi, đến với các "đại gia" bằng những bản hợp đồng bom tấn, cùng mức lương và những khoản lót tay khổng lồ, với mục tiêu lớn nhất là sự nghiệp bản thân và sẵn sàng "đứng núi này trông núi nọ" cùng những lời xúi bẩy đầy ngon ngọt của những tay "siêu cò" sau lưng.
Hàng thủ non nớt của Man United trở thành "miếng mồi ngon" cho các chân sút Real Madrid.
Mỉa mai thay, điều này lại được thấy rõ nhất ở Man United. Mùa giải trước, có đến 4 vị trí quan trọng được "dọn chỗ" cho những bản hợp đồng mới. Mùa giải này, trừ trường hợp Lukaku thay thế Ibrahimovic, cũng có đến 2 vị trí quan trọng nữa được thay thế bằng những người mới.
Nỗi thất vọng của những Arsenal, Liverpool hay Chelsea cũng chính là nỗi sợ của Mourinho hiện tại. Hai bàn thua trước Real Madrid ở trận tranh Siêu cúp châu Âu hồi đầu tuần chỉ ra rằng hàng thủ Man United mong manh đến thế nào, dù vẫn may mắn giữ được David de Gea.
Không còn bất cứ trung vệ nào "đủ trình" để so sánh được với Rio Ferdinand và Vidic ngày nào, vị trí trung vệ của Quỷ đỏ đang là tử huyệt cho những pha treo bóng bổng vào - màn tấn công yêu thích của các đội bóng "cửa dưới" ở Premier League.
Sự tỏa sáng hiếm hoi của Lukaku là chưa đủ.
Trên hàng công, sự gắn kết Matic - Pogba - Lukaku hầu như là chưa có. Những bàn thắng của Man United suốt mùa hè vừa qua đến phần lớn từ sự bùng nổ của những cá nhân. Mùa bóng trước, Man United có thành tích ghi bàn tệ hại thứ nhì trong lịch sử Premier League của mình.
Lại phải trông chờ vào "cây sào" cao lêu nghêu với mái tóc xù Fellaini sao, Man United?