Các bể chứa nước thải tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Ảnh Kyodo
Công ty Điện lực Tokyo (Tepco) đang thúc đẩy kế hoạch xả hơn 1 triệu tấn nước thải từ nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1. Kế hoạch đã vấp phải những ý kiến trái chiều từ các quốc gia trong khu vực, các khu dân cư lân cận và các nhóm hoạt động môi trường.
Các ý kiến không đồng tình với kế hoạch của Tepco cho rằng công ty này chưa cho phép các tổ chức tư nhân kiểm định chất lượng nước thải cũng như thất bại trong việc bảo đảm an toàn tại 6 lò phản ứng của nhà máy.
Trong khi đó, theo nhóm hoạt động môi trường Greenpeace, việc xả 1,3 triệu tấn nước thải là vi phạm quyền con người và Luật Hàng hải Quốc tế.
Kazue Suzuki – thành viên của tổ chức Hoà bình Xanh (Greenpeace) - nói rằng:“Chính phủ Nhật Bản đã phớt lờ rủi ro phóng xạ và có những bằng chứng cho thấy các bể chứa nước vẫn đủ đáp ứng dung tích”. Bà Kazue chỉ trích thay vì sử dụng công nghệ sẵn có để giảm thiểu rủi ro về phóng xạ thì chính phủ đã chọn phương án rẻ nhất là thải ra Thái Bình Dương.
Tống thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã yêu cầu Nhật Bản công bố bản phân tích khoa học về nước thải phóng xạ tại các bể chứa trước khi được xả ra biển.
Phát biểu tại một cuộc họp Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) vào tháng 2, Phó đại diện thường trực của Nga tại LHQ Dmitry Chumakov cho rằng Nhật Bản đang đẩy nhanh kế hoạch xả nước phóng xạ mà chưa nhận được sự đồng thuận từ các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực. Đài Loan (Trung Quốc) và Liên bang Micronesia (một đảo quốc nằm ở Thái Bình Dương) cũng bày tỏ những quan ngại về kế hoạch nêu trên.
Theo Hajime Matsukubo, Tổng Giám đốc Trung tâm Thông tin hạt nhân dân sự, dù lượng nước có được lọc và làm loãng, nhưng sẽ vẫn chứa các nguyên tử phóng xạ như là carbon-14 và tritium.
Chính phủ Nhật Bản khẳng định Hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) đã loại bỏ hoàn toàn chất phóng xạ trong lượng nước thải dự định xả ra Thái Bình Dương qua một đường ông dài 1km lắp đặt tại nhà máy. Các chuyên gia năng lượng hạt nhân trên thế giới cho rằng xả nước thải đã qua xử lý là phương án tối ưu nhất do nguyên tố tritium là vô hại đối với con người.
Jim Smith, Giáo sư chuyên về khoa học môi trường tại Đại học Portsmouth ở Anh, cho biết: “Nước đã được loại bỏ gần như toàn bộ phóng xạ bằng phương pháp xử lý ALPS nhưng có một lượng tritium phóng xạ nhất định, ở dạng nước triti hóa, gần như không thể tách khỏi nước bình thường. Loại bỏ hoàn toàn lượng tritium trong nước thải là rất tốn kém và sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường do phát thải khí CO2”.
Chuyên gia này chỉ ra lượng tritium được thải ra ngoài sẽ ít hơn 45 lần so với lượng phát thải hàng năm của nhà máy điện hạt nhân Sellafield ở Anh hay chỉ bằng 1/450 lượng phát thải của nhà máy Cap de la Hague (Pháp).
Tiến sĩ Vincent Gorgues, cố vấn cấp cao của Ủy ban Năng lượng thay thế và Năng lượng hạt nhân Pháp cho rằng Tepco không còn nhiều phương án lựa chọn để xử lý nước thải. Các bồn chứa nước thải tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima đang dần cạn kiệt dung tích và việc làm bay hơi nước thải sẽ tốn rất nhiều thời gian cũng như tritium sẽ vẫn bị thải ra ngoài môi trường. Ông nhấn mạnh trong vài thập kỳ gần đây, Pháp vẫn liên tục thải tritium ra biển và không tìm thấy ảnh hưởng nào đến môi trường tự nhiên hay con người.