Nhiều tài xế Vinasun kêu gọi gỡ bỏ decal vì không đồng tình với khẩu hiệu phản đối Uber và Grab

Minh Nhân |

Không đồng tình với quan điểm của công ty về việc dán decal phản đối Uber, Grab, rất nhiều tài xế Vinasun đã gọi nhau tự tay xé bỏ khẩu hiệu gây phản cảm này.

Vào ngày 8/10, nhiều người đi đường ở khắp các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM tỏ ra bất ngờ trước những decal, khẩu hiệu phía sau những chiếc xe của hãng taxi Vinasun. Theo ghi nhận, trên decal nêu rõ: "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam", "Đề nghị dừng Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh".

Nhiều người đã chụp lại và đăng tải những hình ảnh này lên facebook cá nhân với nhiều ý kiến khác nhau, đa phần đều bày tỏ sự phản đối về hành động này.

Trước sự việc này, cũng trong ngày 8/10 rất nhiều tài xế của hãng Vinasun đã kêu gọi nhau cùng xé bỏ khẩu hiệu. Trên một diễn đàn của các tài xế Vinasun, đông đảo anh em đã chia sẻ hình ảnh này vì cho rằng nó gây phản cảm.

Nhiều tài xế Vinasun kêu gọi gỡ bỏ decal vì không đồng tình với khẩu hiệu phản đối Uber và Grab - Ảnh 1.

Nhiều tài xế Vinasun kêu gọi gỡ bỏ decal vì không đồng tình với khẩu hiệu phản đối Uber và Grab - Ảnh 2.

Những câu khẩu hiệu được dán phía sau xe taxi đi khắp thành phố. Ảnh: Facebook.

Anh T.H., một tài xế Vinasun cho biết việc những tấm decal này dán phía sau xe khiến dư luận nảy sinh nhiều ý kiến trái chiều. Anh H. cho rằng hành động này xuất phát từ chỉ đạo của phía hãng xe, chứ không phải do bản thân cánh tài xế các anh tự phát.

Nhiều tài xế Vinasun kêu gọi gỡ bỏ decal vì không đồng tình với khẩu hiệu phản đối Uber và Grab - Ảnh 3.

Cánh tài xế Vinasun kêu gọi nhau xé decal gây tranh cãi. Ảnh chụp màn hình.

Liên quan đến vấn đề này, chiều 8/10, trả lời báo chí ông Tạ Long Hỷ - Phó Tổng giám đốc Vinasun xác nhận vụ việc và nhận định nội dung của khẩu hiệu "không đến nỗi quá đáng". Bên cạnh đó, ông Hỷ còn cho biết việc dán decal phản đối Uber và Grab là do các tài xế thực hiện nên ông sẽ cho rà soát lại vấn đề này.

Tuy nhiên, theo một số tài xế thì hành động này là kế hoạch của hãng, xe nào cũng được đưa về xưởng để dán, vì làm thuê nên không tài xế nào dám tự dán. Anh Đào Duy H. (35 tuổi) cho hay, việc dán biểu ngữ ở phần đuôi xe là do phía quản lý đội của mình thực hiện. Khi anh nhận xe đi đưa đón khách thì đã thấy xuất hiện.

Nhiều tài xế Vinasun kêu gọi gỡ bỏ decal vì không đồng tình với khẩu hiệu phản đối Uber và Grab - Ảnh 4.

Nhiều tài xế tự tay xé bỏ decal. Ảnh: Facebook.

Nhiều tài xế Vinasun kêu gọi gỡ bỏ decal vì không đồng tình với khẩu hiệu phản đối Uber và Grab - Ảnh 5.

Nhiều tài xế Vinasun kêu gọi gỡ bỏ decal vì không đồng tình với khẩu hiệu phản đối Uber và Grab - Ảnh 6.

Theo nhiều tài xế, những tấm decal như này được phía hãng xe chuẩn bị sẵn chứ không phải các anh tự dán vào. Ảnh: Facebook.

"Tài xế không được phép làm như vậy nếu không có sự đồng ý của hãng. Việc đổ trách nhiệm cho tài xế là không công bằng", một tài xế khác chia sẻ.

Một vài tài xế khác của hãng cũng nhận định, dán decal khẩu hiệu như này đang vô tình làm xấu hình ảnh của Vinasun, nhiều khách hàng sẽ thấy rằng hãng đang cạnh tranh không công bằng với Uber hay Grab.

Trao đổi với chúng tôi, luật sư Trần Minh Hùng – Trưởng Phòng luật sư Gia Đình (Đoàn LS TP. HCM) nhận định: "Theo thông tin từ hãng thì đây là hành vi tự phát của các tài xế, nếu như vậy thì có thể bị xử về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân".

Theo luật sư, đối với những hành vi trên thì tùy tính chất có thể bị xử lý về mặt hành chính, hoặc có thể bị xử lý hình sự tùy tính chất hành vi, hậu quả... Nếu các chủ hãng xe có sự chủ mưu, chỉ đạo thì họ phải chịu trách nhiệm về hành vi trên, nếu là đồng phạm thì chịu trách nhiệm về hành vi đồng phạm.

"Quan trọng hơn, đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh và các cơ quan quản lý cạnh tranh có thể xử lý về các hành vi trên theo Luật cạnh tranh. Cụ thể, Điều 43 Luật cạnh tranh quy định: "Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó", Luật sư Hùng phân tích rõ.

Căn cứ vào tính chất mức độ vi phạm sẽ có thể bị xử lý theo Điều 177 Luật cạnh tranh về các hình thức xử phạt vi phạm pháp luật về cạnh tranh và các biện pháp khắc phục hậu quả.

Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây: Cảnh cáo; phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây: Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề; Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Đây là hành vi pháp luật không cho phép, việc hãng taxi dán khẩu hiệu trên xe như vậy là không thể chấp nhận. Cơ quan chức năng sớm vào cuộc xử lý theo quy định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại