Sáng 14/12, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I (Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, Bộ Nội vụ) và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội phối hợp tổ chức khai mạc triển lãm “Cầu Long Biên - Chứng nhân lịch sử” qua tài liệu lưu trữ.
Sự kiện diễn ra nhân dịp 120 năm kỷ niệm ngày khánh thành cầu Long Biên (1902-2022), mở màn cho các hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp (1973-2023).
Việt Nam và Pháp có lịch sử quan hệ bang giao từ rất sớm. Hơn thế, hai quốc gia còn có những ký ức chung trong lịch sử. Gần 50 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp (1973-2023), quan hệ hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển, toàn diện, phong phú và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước, ông Đặng Thanh Tùng cho biết: “Triển lãm giới thiệu tới đông đảo công chúng hơn 100 bản vẽ, tài liệu lưu trữ và hình ảnh về cây cầu từ năm 1898 đến năm 1975, trong đó rất nhiều tài liệu lần đầu tiên được công bố rộng rãi”.
Ông Philippe Le Failler - Trưởng đại diện Viện Viễn đông Bác cổ Pháp tại Hà Nội phát biểu tại sự kiện: “Cầu Long Biên tuy được xây dựng cách đây 120 năm nhưng vẫn là một "công trình hiện đại". Những chuyên gia, những chuyên viên ngành xây dựng có trách nhiệm gìn giữ để cầu Long Biên vững vàng trong nhiều thập kỷ nữa.
Viện Viễn đông Bác cổ Pháp được thành lập tại Việt Nam vào năm 1900 và từ đó đến nay, Viện đã triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh việc nghiên cứu, phát huy các di sản của Việt Nam.
Từ khi trở lại Hà Nội vào năm 1995, Viện Viễn đông Bác cổ Pháp liên tục hợp tác với các cơ quan lưu trữ, hai bên đã phối hợp thực hiện nhiều hoạt động nhằm đưa tài liệu lưu trữ đến với công chúng, bao gồm xuất bản sách chỉ dẫn, sách nghiên cứu và trưng bày triển lãm. Nhiều dự án hợp tác khác với Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt cũng đang được tiến hành”.
”Cầu Doumer” là tên gọi đầu tiên của cầu Long Biên từ năm 1898 - 1902
Ngày 12/09/1898 đánh dấu mốc đầu tiên khởi công xây dựng cầu Long Biên
Triển lãm được bố cục theo dòng thời gian thành 3 phần, gồm: “Cây cầu sinh ra từ ý tưởng điên rồ!”; “Bên cầu Long Biên” và “Ký ức cầu Long Biên trong chúng ta”. Triển lãm tập trung giới thiệu tài liệu và hình ảnh về việc xây dựng, mở rộng, sửa chữa cùng những ký ức về cây cầu trong suốt chiều dài lịch sử.
Cây cầu đầu tiên bắc qua sông Hồng là một công trình kết cấu thép dài 1.682 m. Vào thời điểm đó, nhiều người nghĩ rằng dự án chắc chắn thất bại, coi đó là một "ý tưởng điên rồ" bởi vì sông Hồng rất rộng và nổi tiếng lũ lụt thất thường.
Ông Paul Doumer, người sáng lập Liên bang Đông Dương và cây cầu Long Biên ngày nay cũng được lấy tên theo tên của ông là “Cầu Doumer”.
Bản vẽ mặt đứng và mặt cắt dọc nhịp cầu dài 51,2m của cầu do công ty Daydé & Pillé thiết kế năm 1897.
Không gian trưng bày triển lãm
“Cầu Long Biên là công trình mang tính biểu tượng cho Việt Nam, cũng như cho quan hệ giữa Pháp và Việt Nam. Triển lãm là dịp tuyệt vời giới thiệu tới công chúng những hình ảnh, tư liệu về cây cầu lịch này”, Đại sứ Nicolas Warnery nói.
Cầu Long Biên đã tròn 120 tuổi. Việc xây dựng cây cầu với các mục đích chính trị và kinh tế hay những trận bom đạn dội xuống cây cầu trong quá khứ, đến nay đã trở thành những câu chuyện lịch sử. Ngày nay, bên cạnh chức năng phục vụ giao thông, cầu Long Biên được coi là một trong những biểu tượng của Hà Nội. Cây cầu tồn tại qua 3 thế kỉ đã trở thành nhân chứng lịch sử của Thủ đô Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Một số hình ảnh khác tại triển lãm:
Phim tài liệu về quá trình xây dựng và hình thành nên cây cầu Long Biên từ xưa tới nay.
2 vị khách người Pháp tham quan tại triển lãm.
Hoạt động sáng tạo vẽ tranh, tô màu nghệ thuật về cây cầu Long Biên.
Hình ảnh tư liệu sống động năm 1972 khi cầu Long Biên bị hư hỏng nặng do Hà Nội phải chịu bom đạn của Mỹ suốt 12 ngày đêm.
Một số những nghị định của Toàn quyền Đông Dương quy định về giao thông trên cầu Doumer.
Triển lãm còn được tô điểm thêm bằng các bức tranh, ảnh và hiện vật do các nhiếp ảnh gia, các cá nhân trong và ngoài nước đóng góp, góp phần phác họa bức tranh đa sắc về cây cầu cho đến ngày nay. (Tranh của họa sĩ Trần Anh Tuấn).
Ảnh của nghệ sĩ Trần Quốc Dũng
Ảnh của tác giả Lê Huy
Ảnh của Amachau
Triển lãm mở cửa tự do từ ngày 14/12/2022 đến 15/6/2023 tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.