Ngày 30/5, nhiều nhà lãnh đạo và quan chức cao cấp của các nước châu Á tham dự Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 25 ở Tokyo đã bày tỏ lo ngại về những căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế hàng đầu thế giới và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ ở một số nền kinh tế lớn.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Campuchia Samdec Techo Hun Sen nói: “Châu Á cũng như thế giới đang phải đối mặt với các thách thức phức tạp và cuộc khủng hoảng chưa từng có, cả truyền thống và phi truyền thống trong ngắn hạn và dài hạn. Các thách thức này có thể làm suy yếu các tiến bộ và phá hủy các thành quả mà các nước đã đạt được trong các thập kỷ qua và suy yếu tiềm năng phát triển hơn nữa.”
Đáng chú ý, theo ông Hun Sen, xu hướng chống toàn cầu hóa đang tồn tại do khoảng cách phát triển, khoảng cách thu nhập và sự gia tăng bất bình đẳng xã hội trong nội bô các quốc gia cũng như giữa các quốc gia, làm mất niềm tin giữa con người và tạo ra sự lo ngại về toàn cầu hóa.
Ông cũng cho biết là một nước kém phát triển, Campuchia đặc biệt lo lắng về các quyết định đơn phương chống lại các nguyên tắc và quy định của luật pháp quốc tế, cũng như sự lảng tránh trách nhiệm thực hiện các hiệp ước và hiệp định quốc tế.
Chính vì vậy, ông Hun Sen kêu gọi các nhà lãnh đạo trong khu vực cần suy ngẫm và có một quan điểm chung hướng tới các giải pháp cho những thách thức đang nổi lên đe dọa thế giới và khu vực hiện nay, nhất là chủ nghĩa bảo hộ , cuộc chiến thương mại giữa các cường quốc lớn và các cuộc khủng hoảng địa chính trị.
Cùng chung quan điểm đó, Thủ tướng Bangladesh, bà Sheikh Hasina cho rằng trong những năm gần đây, thế giới chứng kiến xu hướng bảo hộ thương mại ngày càng gia tăng. Động thái bảo hộ thương mại của nhiều nước có thể sẽ dẫn tới căng thẳng thương mại trên toàn cầu.
Về mặt kinh tế học, tăng thuế sẽ dẫn tới tốc độ tăng trưởng GDP sụt giảm. Trong bối cảnh đó, bà Sheikh Hasina kêu gọi các quốc gia châu Á cần hợp tác với nhau trên tinh thần cởi mở, bao trùm, công bằng, chia sẻ lợi ích và cùng nhau đóng góp.
Về phần mình, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia, ông Airlangga Hartarto nói: “Trong kỷ nguyên của những thách thức thương mại toàn cầu mới, chúng ta cần tạo ra môi trường hợp tác giữa các nước. Và tôi chắc chắn rằng ASEAN có thể đóng vai trò quan trọng.”
Trong khi đó, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad bày tỏ lo ngại về tình trạng bất ổn trên toàn cầu khi xung đột xảy ra ở khắp nơi, từ Mỹ Latinh, Bắc Mỹ, châu Âu, châu Á và Trung Đông, tác động tiêu cực đến toàn thế giới.
Liên quan đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc, nhà lãnh đạo Malaysia cho rằng hai nước này cần phải ngồi lại với nhau để thảo luận về những khác biệt. Mặc dù đối thoại có thể không giúp giải quyết ngay bất đồng giữa hai nước nhưng ít nhất sẽ giúp hai bên có thể hiểu nhau hơn.
Hội nghị Tương lai châu Á là một sự kiện thường niên do Nikkei Inc. tổ chức từ năm 1995, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế cũng như các học giả đến từ các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Hội nghị năm nay có chủ đề “Đi tìm trật tự toàn cầu mới-Vượt qua bất ổn,” với sự tham dự của các nhà lãnh đạo và quan chức cấp cao của nhiều nước châu Á như Tổng thống Philippines, Thủ tướng Malaysia, Thủ tướng Bangladesh, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Lào, Chủ tịch Quốc hội Mongolia cùng ãnh đạo nhiều viện nghiên cứu, tập đoàn lớn trên thế giới.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh tham dự hội nghị./.