"Không ít người nước ngoài hối tiếc vì năm ngoái đã vội rời khỏi Việt Nam"

Marko Nikolic |

Cha mẹ há hốc miệng khi nghe tôi kể về phương thức truy vết các ca bệnh và các phản ứng phong tỏa thần tốc của chính phủ Việt Nam.

Tôi vẫn nhớ lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 2014. Thời ấy tôi chỉ là một chàng ''Tây ba lô'', mặc áo ba lỗ, đi dép và xách ba lô lên, đi du lịch bụi khắp Đông Nam Á. Ấn tượng đầu tiên về Việt Nam là cảm giác choáng ngợp: một nước rất sinh động, trẻ trung, lạc quan, một nơi đáng sống. Sau đó tôi quyết định rời châu Âu, mua vé máy bay một chiều sang Việt Nam để sống thử một thời gian, thay đổi không khí và thử sức bản thân. Và tôi chẳng ngờ rằng 7 năm sau tôi vẫn sinh sống ở đây, coi đất nước hình chữ S là nhà, là quê thứ hai. Số phận đã định đoạt thế.

Sống ở một đất nước có hạnh phúc hay không thì tùy mỗi người, mỗi hoàn cảnh, mỗi sở thích. Người thì thích ở Việt Nam vì việc đi lại rất thuận tiện, có thể lái xe máy thoải mái, nhưng người thì nhìn giao thông tại đây chỉ thấy sợ và mệt mỏi. Người Việt cũng thế, người thì di cư sang Nhật, Pháp hay Mỹ thấy rất hạnh phúc, còn người thì nhớ cơm phở, nhớ quê hương, gia đình bạn bè, chỉ muốn trở về nước.

Tôi có nhiều bạn bè sống tại đây một vài năm rồi chuyển sang nước khác, tiếp tục hành trình tìm kiếm hạnh phúc. Họ mong ở nước ABC sẽ có không khí trong lành hơn, nhiều công viên hơn hay dịch vụ y tế, hệ thống giáo dục hiện đại hơn. Có lẽ vì cỏ luôn có vẻ xanh hơn ở phía bên kia ngọn đồi. Vì hạnh phúc ít nhiều là một sự cảm nhận chủ quan, chúng ta không thể lấy số liệu kinh tế này nọ làm thước đo.

Khi người ta hỏi tôi tại sao tôi chọn Việt Nam, tôi trả lời: ''Bởi vì Việt Nam đã giúp tôi tìm ra và theo đuổi những ước mơ và đam mê của mình''. Ở Việt Nam tôi làm nghề giáo, một nghề nghiệp cao quý mà tôi thấy say mê từ khi còn bé. Tôi cũng học tiếng Việt, miệt mài đọc nhiều sách Việt Nam, thu lượm vốn từ vô cùng phong phú. Tôi đã thỏa mãn một ước mơ xưa cũ của mình là viết văn viết báo. Và không chỉ thế, Việt Nam đã khuyến khích tôi thử thách mình trong nhiều lĩnh vực, từ việc làm truyền hình đến đầu tư chứng khoán. Mỗi ngày Việt Nam tăng trưởng, phát triển thêm, và tôi cũng thế, mỗi ngày tôi khám phá, học hỏi và tìm hiểu thêm.

Không ít người nước ngoài hối tiếc vì năm ngoái đã vội rời khỏi Việt Nam - Ảnh 1.

Tôi biết tôi chẳng phải người duy nhất như vậy. Tôi có nhiều bạn bè nước ngoài ở Việt Nam gắn bó và say mê văn hóa, yêu vùng đất này một cách chân thành và muốn đóng góp cho cộng đồng. Họ làm từ thiện, làm tình nguyện, làm kinh doanh hay nghệ thuật điện ảnh. Họ muốn truyền lại kiến thức và cảm hứng cho người bản địa.

Thế nhưng, không phải ai cũng có khát vọng cao đẹp như vậy và một số người nước ngoài chọn sống ở Việt Nam để phục vụ những nhu cầu cá nhân: cuộc sống thoải mái thảnh thơi, thu nhập tương đối cao, chi phí sinh hoạt thấp. Việt Nam là quốc gia đang phát triển nên được coi là vùng đất của cơ hội, là xứ sở của tự do. Một nhóm người nước ngoài không ngại lợi dụng tình thế để sống một cách không chính đáng: họ làm việc chui, không nộp thuế, không có visa lao động hay bằng lái xe máy, vân vân. Họ sống ở Việt Nam nhiều năm nhưng vẫn chưa chấp nhận phong tục tập quán, vẫn chưa biết cầm đũa đúng cách hay trả lời bằng tiếng Việt những câu hỏi đơn giản như ''bạn là người nước nào?''

Đầu năm 2020 đại dịch Covid-19 đột ngột bùng phát khiến nhiều người hoang mang, thất nghiệp. Do tình hình diễn biến khó lường, nhiều người nước ngoài ở Việt Nam hoảng sợ, vội dọn đồ trở về nước. Việt Nam quyết định hạn chế nhập cảnh nên họ không thể quay lại nữa vì hiện tại chỉ chuyên gia và nhà đầu tư ngoại được cho phép vào Việt Nam.

Bây giờ không ít người trong số họ cũng thấy tiếc đã vội rời khỏi Việt Nam vào năm ngoái, vì so với phần lớn nước phương Tây, đại dịch ở Việt Nam được kiểm soát tốt hơn nhiều. Trong khi nhiều nước phải liên tục đối mặt với nguy cơ phong tỏa, giãn cách xã hội thì chúng ta ở Việt Nam được hưởng một cuộc sống tương đối bình yên, an toàn. Dù Việt Nam cũng đối mặt với những đợt dịch bùng phát mạnh, nhưng mỗi đợt đều được dập kịp thời.

Không ít người nước ngoài hối tiếc vì năm ngoái đã vội rời khỏi Việt Nam - Ảnh 3.

Gia đình của tôi bên châu Âu tròn mắt kinh ngạc khi tôi kể rằng ở Việt Nam đôi khi không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong nhiều tháng liền. Người ta sinh hoạt bình thường, thậm chí đi du lịch trong nước. Cha mẹ há hốc miệng khi nghe tôi kể về phương thức truy vết các ca bệnh và các phản ứng phong tỏa thần tốc của chính phủ. Ở Việt Nam, cả một đoạn phố, khu dân cư có thể bị phong tỏa vì ''duy nhất'' một ca F1. Người dân thì đồng lòng tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của cộng đồng.

Ý thức này xa lạ với nhiều nước. Chẳng hạn, nhiều người ở phương Tây vẫn từ chối đeo khẩu trang, tin rằng Covid-19 chẳng nguy hiểm hơn gì cảm cúm, thậm chí có người tham gia biểu tình chống vắc xin hay phản đối lệnh giãn cách xã hội. Tôi cảm thấy buồn khi thấy đồng bào châu Âu bị rạn nứt và chia rẽ như vậy. Và cùng lúc, tôi đặt niềm tin vào Việt Nam vì theo tôi, một quốc gia có sự đồng lòng đoàn kết thì mới phát triển ổn định bền vững được.

Đại dịch sẽ sớm muộn qua đi. Nhưng nhiều thách thức kinh tế xã hội môi trường sẽ vẫn còn tồn tại. Và tôi hy vọng rằng dân tộc Việt sẽ biết nhìn xa trông rộng và giữ được tinh thần trách nhiệm đoàn kết để giải quyết các vấn đề quan trọng trong tương lai.

(Nguyên tác tiếng Việt – Tiêu đề do tòa soạn đặt)

''Lúc đầu, Hà Nội trông như một chốn xô bồ xa lạ, một khu rừng bê tông bẩn thỉu, ầm ĩ gây cảm giác bối rối, khó chịu.

Còn bây giờ nó trông hết sức quen thuộc, thân thiết, đến nỗi tôi cảm thấy một sự gắn bó vô hình nhưng đậm đà với thành phố này, tôi thấy mình gần gũi, đồng điệu với nó, như một bạn lâu năm mà ta không cần còn giấu giếm gì nữa vì đã hiểu hết nhau rồi.''

- Marko Nikolic, Phố Nhà Thờ

Về tác giả: Marko Nikolic là người Serbia, có bằng thạc sỹ trong lĩnh vực giảng dạy của Đại học Belgrade, Serbia và Đại học Latvia, sử dụng thành thạo 4 ngoại ngữ : Anh, Pháp, Nga, Việt. Marko là tác giả cuốn tiểu thuyết viết bằng tiếng Việt Phố Nhà Thờ (Nhã Nam, 2019). Đây là cuốn sách thứ ba của anh. Marko hiện đang sống và làm việc tại Hà Nội.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại