Không di dời vì cho rằng giá bồi thường bất hợp lý
Chung cư Quang Trung (thuộc phường Quang Trung, TP. Vinh, Nghệ An) được xây dựng từ năm 1976 và hoàn thành vào năm 1982. Toàn bộ chung cư này gồm 20 dãy nhà cao tầng, trong đó có 18 dãy nhà được thiết kế theo kiểu căn hộ khép kín và 3 dãy nhà tập thể.
Riêng khu B chung cư Quang Trung có 6 dãy nhà gồm các nhà từ B1 đến B6. 6 dãy nhà chung cư này có tổng 421 căn hộ với 1.684 nhân khẩu sinh sống.
Chung cư Quang Trung được xây dựng và đưa vào sử dụng gần 40 năm trước. Đến nay, các tòa chung cư đã xuống cấp nặng nề.
Sau gần 40 năm đi vào sử dụng, các dãy nhà chung cư này đã xuống cấp nghiêm trọng. Các bức tường, lan can, trần nhà, cột nhà đều xuất hiện các vết nứt nẻ, rách nát.
Trước tình trạng các tòa nhà khu B chung cư cũ xuống cấp, giữa năm 2019, các khu nhà cũ này được phá dỡ để triển khai xây dựng các công trình và chung cư mới do một tập đoàn lớn đầu tư.
Quá trình giải phóng mặt bằng, có 413/421 hộ đã đồng ý với các phương án bồi thường và di chuyển khỏi các khu nhà. 7 hộ dân còn lại thuộc chủ sở hữu của 8 căn hộ tại nhà chung cư B3, B6 chưa chịu di dời, do chưa thống nhất được phương án bồi thường của chủ đầu tư.
Được biết, 7 hộ dân này đều sinh sống ở các căn hộ tại tầng 1 và tầng 2 của chung cư. Lý do những hộ dân này chưa di dời vì họ thấy việc đền bù là thiệt thòi và không công bằng giữa các tầng.
Trần nhà, cột, cách chung cư đều hư hỏng lộ cả những thanh thép gỉ sét bên trong.
Người dân cho biết, thời điểm họ mua nhà thì giá nhà ở tầng 1 đắt nhất và giảm giần từ tầng 2 đến tầng 5. Tại tầng 1, các hộ dân còn phải chịu 70% tiền đất nên đẩy giá mua nhà lên cao. Tuy giá cao nhưng diện tích nhà ở của các hộ dân tại tầng 1 và tầng 2 lại nhỏ hơn so với những tầng còn lại. Lý do là tường, cột của các nhà tầng dưới được xây dày hơn, to hơn để đáp ứng việc chịu lực cho cả tòa nhà, do đó, diện tích nhà nhỏ hơn.
Ông Võ Ngọc Mão (SN 1938, chủ căn hộ số 314, nhà B3) là một trong 7 hộ dân vẫn quyết tâm bám trụ lại trong các căn hộ đang sinh sống ở chung cư.
Phần ngoài căn hộ chung cư của ông Mão đã hư hỏng nặng nề.
Ông Mão cho biết, ông và các hộ dân khác không đồng tình di dời, vì mức giá bồi thường được cào bằng giữa các tầng với mức 15 triệu đồng/1m2 là bất hợp lý.
"Tôi mua căn hộ này từ năm 1977. Ở tầng 1, tôi phải đóng 70% tiền đất. Giá mua cao mà diện tích nhà thì nhỏ. Các tầng trên thì số tiền mua ít hơn nhưng diện tích nhà thì lớn hơn.
Nay đền bù thì cào bằng, họ lấy giá 15 triệu đồng nhân theo m2 để tính tiền. Vậy là nhà tầng 1 chúng tôi nhỏ hơn phải nhận tiền ít hơn. Nhà tầng 5 mua ít tiền nay lại được đền cao hơn", ông Mão nói về sự bất hợp lý trong việc định giá đền bù dự án.
Ông Mão cho biết, do bất hợp lý trong giá đền bù nên ông sẽ không di dời.
Tham mưu tỉnh Nghệ An để cưỡng chế
Được biết, Sở Xây dựng Nghệ An vừa tiến hành công bố kết luận kiểm định chất lượng công trình nhà B3 và B6, thuộc Khu B - Khu chung cư cũ Quang Trung thuộc mức độ nguy hiểm cấp D.
Với mức độ nguy hiểm cấp D là khả năng chịu lực của kết cấu chịu lực không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể theo tiêu chuẩn TCVN 9381:2012.
Hiện vẫn còn 7 hộ dân của 8 căn hộ đang bám trụ lại tại 2 tòa chung cư B3, B6.
Để đảm bảo an toàn cho người dân, tỉnh Nghệ An mới đây đã có văn bản "hỏa tốc" yêu cầu di dời các hộ dân đang sinh sống tại các tòa nhà B3, B6 chung cư Quang Trung khẩn trương ra khỏi công trình.
Việc di dời hoàn phải thành trước ngày 10/12/2020. Khi di dời, các hộ dân sẽ được phường bố trí nơi ở hợp lý.
Nếu người dân không chấp hành việc di dời, tỉnh Nghệ An yêu cầu sở XD tham mưu UBND tỉnh trong việc cưỡng chế di chuyển, cưỡng chế phá dỡ các dãy nhà B3,B6 này.
Nhìn từ ngoài vào cũng thấy được sự hư hỏng, rách nát của tòa chung cư.
"Chúng tôi vẫn thấy căn nhà này đang tốt nên vẫn đang ở đây. Việc đền bù bất hợp lý nên chúng tôi cũng không di dời đi.
Thời điểm hóa giá, tôi mua nhà là 98 triệu đồng ở tầng 1. Trên tầng 5 họ chỉ mua với giá 25 triệu đồng.
Nay đền bù thì lại cào bằng, nhà tầng 5 được đền bù nhiều hơn nhà ở tầng 1. Chúng tôi sẽ không đi đâu khỏi nhà này khi chưa được đền bù thỏa đáng", chị Nguyễn Thị Hải (SN 1976, trú tại tòa B3) chia sẻ.
Gia đình chị Hải có 8 người của 3 thế hệ vẫn đang bám trụ tại tòa chung cư này.
Chị Hải cho biết thêm, hàng ngày gia đình chị có 8 người gồm 3 thế hệ đang sinh sống trong căn nhà. Trước đây, gia đình chị Hải buôn bán phía dưới trước nhà, nhưng khi có dự án xây mới thì chủ đầu tư rào chắn nên việc buôn bán bị dừng lại.
Liên quan đến vấn đề trên, ông Lê Sỹ Chiến - Phó Chủ tịch UBND thành phố Vinh cho biết, đến ngày 9/12 việc di dời các hộ dân ra khỏi các tòa chung cư vẫn chưa được thực hiện. Hiện thành phố và các cơ quan chức năng vẫn đang tập trung thuyết phục, vận động người dân ra khỏi các tòa nhà để đảm bảo an tòa.
"Về việc đền bù thì các cơ quan chức năng đã làm hết mức tối đa nhất có thể theo quy định cho các hộ dân. Hơn 400 hộ đã đồng tình và chỉ còn 7 hộ", ông Chiến nói và cho biết, thành phố sẽ báo cáo tỉnh về phương án di dời. Theo luật thì phải cưỡng chế và quyền cưỡng chế là của tỉnh.
Video tòa chung cư Quang Trung (TP. Vinh, Nghệ An) xuống cấp nghiêm trọng