Nhiều hệ lụy khi hủy V-League 2021

V.P |

Ngày 24/8, tại cuộc họp trực tuyến do VPF tổ chức, 27/27 đội bóng (14 đội V-League, 13 đội hạng Nhất) đã biểu quyết huỷ các giải bóng đá chuyên nghiệp VĐQG, bao gồm LS V-League 2021.

V-League 2021 bị huỷ, HAGL lỡ cơ hội lớn nhất để đoạt cúp vô địch cùng với lứa Công Phượng ảnh: Anh Tú

V-League 2021 bị huỷ, HAGL lỡ cơ hội lớn nhất để đoạt cúp vô địch cùng với lứa Công Phượng ảnh: Anh Tú

Trước đó hôm 21/8, Thường trực và BCH Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) thông qua chủ trương dừng V-League với lý do diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, lan rộng trên toàn quốc. VFF đồng thời giao VPF họp bàn với các đội bóng để xem xét phương án trên.

Tại cuộc họp trực tuyến diễn ra hôm qua, 27/27 đội bóng (14 đội V-League, 13 đội hạng Nhất) đã thống nhất huỷ V-League. Tuy nhiên, rất nhiều vấn đề khác cần xử lý đi liền với quyết định trên chưa được chốt, do các ý kiến chưa thống nhất. Đơn cử như nếu huỷ giải, kết quả 12 vòng đấu có được công nhận hay không?

Kết thúc vòng 12, HAGL đang dẫn đầu với 29 điểm, hơn hai đội xếp sau là Viettel, Quảng Ninh lần lượt 3 và 10 điểm. Ba đội cuối bảng là Hải Phòng (14 điểm), Sài Gòn FC (13 điểm) và SLNA (10 điểm). Một số quan điểm cho rằng nếu công nhận chức vô địch cho HAGL thì phải có đội xuống hạng.

Tuy nhiên, phương án này không được SLNA chấp nhận. Đa số các ý kiến thiên về phương án công nhận vị trí hiện tại, không có đội xuống hạng. Ba đội đứng đầu gồm HAGL, Viettel và Quảng Ninh sẽ đại diện Việt Nam tham dự AFC Champions League và AFC Cup 2022.

Dù là đội chịu thiệt hại lớn nhất nếu V-League dừng hoặc huỷ, HAGL cũng ủng hộ phương án trên. Trước đó, trong phiếu ý kiến gửi VPF, đội bóng phố núi đồng ý với kế hoạch dừng giải tới tháng 2/2022. Chủ tịch HAGL, ông bầu Đoàn Nguyên Đức cho biết HAGL không quan tâm đến việc được công nhận vô địch hay không.

Ngoài ra, cùng với việc huỷ giải, VPF sẽ phải đàm phán lại với các đối tác tài trợ, trong đó có nhà tài trợ chính LS của Hàn Quốc về quyền lợi, trách nhiệm tài chính của đôi bên. Những vấn đề này nếu giải quyết không tốt có thể ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh bóng đá Việt Nam, gây khó khăn cho công tác vận động tài trợ sau này.

Ông Trần Anh Tú, Chủ tịch HĐQT VPF cho biết: “Cuộc họp sơ bộ thống nhất ý kiến của các CLB về việc huỷ các giải bóng đá VĐQG. Tuy nhiên các vấn đề chi tiết VPF sẽ phải lên phương án trình HĐQT thông qua và sau đó báo cáo BCH VFF quyết định. Đối với các suất tham dự cúp châu lục, VFF sẽ phải thông qua AFC”.

Trong cuộc họp hôm qua, một số lãnh đạo đội bóng mới vào làm bóng đá như Chủ tịch Văn Trần Hoàn (Hải Phòng) hay đại diện Phố Hiến, ông Vũ Tiến Thành đã lên tiếng yêu cầu "cải tổ" VPF. Tuy nhiên, các ý kiến này dù gay gắt nhưng không nhận được nhiều sự ủng hộ.

Phó chủ tịch VFF Lê Văn Thành cho biết nhiệm kỳ mới của VPF từ năm 2018 đã có nhiều đóng góp trong bối cảnh bóng đá Việt Nam gặp khó khăn, công tác vận động tài trợ nan giải. Các mùa giải gần đây V-League cũng diễn ra thành công, gần nhất là mùa giải 2020.

Một vấn đề phát sinh khi trong Quy chế bóng đá chuyên nghiệp của VFF và Điều lệ giải của VPF đều không có quy định về việc huỷ hay dừng giải đấu, cũng như thẩm quyền huỷ và dừng giải thuộc về ai.

 Vì điều này, VPF cũng chưa có cơ sở pháp lý để đưa ra các quyết định liên quan những vấn đề kỹ thuật nói trên, ngoài việc tổng hợp ý kiến các CLB.

Đối với vấn đề này, Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn hôm qua cho biết: “Đây đúng là sự kiện chưa có tiền lệ, chính vì vậy quy chế bóng đá chuyên nghiệp cũng không có quy định.

 Tuy nhiên sau khi HĐQT VPF thông qua quyết định huỷ giải đấu và báo cáo VFF, thẩm quyền quyết định sẽ thuộc về BCH VFF”. Ông Trần Quốc Tuấn cũng khẳng định ý kiến của các CLB chưa phải quyết định cuối cùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại