Nhiều công ty Nga phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ

Phương Anh/VTC News |

Ngày càng nhiều công ty Nga phát hành trái phiếu bằng tiền Trung Quốc, khi giao dịch bằng đồng này gia tăng trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo Nikkei Asia, Tổng thống Nga Vladimir Putin dự kiến ​​gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh khu vực trong tuần này. Vấn đề hợp tác tài chính chặt chẽ hơn có thể nằm trong các chương trình nghị sự của họ, bao gồm khả năng Moskva phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng nhân dân tệ.

Nhiều công ty Nga phát hành trái phiếu bằng nhân dân tệ - Ảnh 1.

Nhà máy của Rosneft ở Nga. (Ảnh: Reuters)

Công ty dầu khí quốc doanh Nga Rosneft hôm 13/9 đã phát hành trái phiếu trị giá 10 tỷ nhân dân tệ (1,44 tỷ USD). Trước đó, cuối tháng 8, công ty khai thác vàng lớn nhất của Nga, Polyrus, chào bán 4,6 tỷ nhân dân tệ trái phiếu.

Nhà sản xuất nhôm lớn Rusal hồi tháng 7 trở thành công ty Nga đầu tiên phát hành trái phiếu bằng đồng nhân dân tệ trong nước này. Số trái phiếu này, có hai đợt trị giá 2 tỷ nhân dân tệ mỗi đợt và có thời hạn 5 năm, được cho là đã được đăng ký vượt mức (nhu cầu cao hơn số phát hành).

Alexei Grenkov, người đứng đầu bộ phận tài chính doanh nghiệp của Rusal, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu đáng kể đối với các công cụ tài chính như thế này, cả từ các ngân hàng Nga và từ các nhà đầu tư tư nhân. Với họ, việc chuyển đổi sang đồng nhân dân tệ là một sự thay thế tốt cho các khoản đầu tư ngoại hối truyền thống”.

Nga đã mở rộng quan hệ thương mại với Trung Quốc ngay cả trước chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo báo cáo của cơ quan hải quan Nga, Trung Quốc chiếm 18% tổng kim ngạch thương mại của Nga vào năm 2021, tăng so với 10% vào năm 2012.

Ở Nga, trái phiếu doanh nghiệp đang thu hút sự quan tâm như một cách để đầu tư đồng nhân dân tệ tích lũy được. Nếu nhu cầu cao, các công ty Nga có thể huy động vốn với những điều kiện có lợi.

Kể từ khi Moskva triển khai chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2, Nga đã giảm thanh toán các hoạt động thương mại bằng đồng USD cũng như euro do các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Trong khi đó, các khoản thanh toán bằng đồng nhân dân tệ với Trung Quốc tăng lên.

Theo Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT), Nga đã vươn lên vị trí thứ ba về tỷ trọng thanh toán bằng đồng nhân dân tệ, trong các khu vực tài phán bên ngoài Trung Quốc đại lục. Khối lượng giao dịch nhân dân tệ hàng ngày trên thị trường Moskva đã tăng lên nhiều lần trong giai đoạn tháng 1 đến tháng 6, so với cùng kỳ năm ngoái.

Các khoản giao dịch bằng nhân dân tệ đặc biệt nổi bật trong lĩnh vực năng lượng. Gazprom trong tháng này đã quyết định chuyển sang thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và rúp để xuất khẩu khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc. Các giao dịch trước đó được cho là thực hiện bằng USD. Điều này áp dụng cho các hợp đồng với Công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, với khí đốt xuất khẩu qua đường ống.

Các nhà chức trách Nga không công bố số liệu thống kê thương mại kể từ cuộc xung đột quân sự. Nhưng Trung Quốc báo cáo rằng nhập khẩu dầu thô Nga của họ đã vượt qua nhập khẩu từ Ả Rập Xê-út trong tháng 5. Các khoản thanh toán bằng nhân dân tệ cũng có thể lan rộng trong giao dịch dầu mỏ.

Việc Nga rút lui khỏi đồng USD cũng đã gây chú ý từ trước chiến sự. Ngân hàng Trung ương Nga báo cáo rằng tỷ lệ thanh toán bằng USD với hàng nhập khẩu của Trung Quốc đã đứng đầu ở mức 90% vào năm 2013, nhưng giảm xuống dưới 60% vào năm 2021. Trong khi đó, tỷ lệ của các loại "tiền tệ khác" - bao gồm đồng nhân dân tệ nhưng không có đồng rúp hoặc đồng euro - tăng từ hơn 2% vào năm 2013 lên 27% vào năm 2021.

Moskva cũng đã sẵn sàng huy động quỹ đầu tư quốc gia bằng đồng nhân dân tệ. Tờ báo Nga Vedomosti hồi tháng 8 đưa tin bộ tài chính nước này đang xem xét phát hành trái phiếu chính phủ bằng đồng nhân dân tệ, nhằm thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc cũng như người mua trong nước.

Việc chuẩn bị có thể mất từ ​​một đến hai năm. Nga đang gặp khó khăn trong việc thanh toán trái phiếu chính phủ bằng USD do lệnh trừng phạt.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã loại trừ nhiều ngân hàng lớn nhất của Nga khỏi SWIFT, thúc đẩy các động thái tham gia vào mạng lưới thay thế của Trung Quốc.

Theo truyền thông Nga, hơn 20 tổ chức tài chính Nga đã kết nối với Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS) tính đến giữa tháng 7. CIPS được Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ngân hàng trung ương của nước này, giới thiệu vào năm 2015 với mục đích quốc tế hóa đồng nhân dân tệ. Hệ thống có thể được sử dụng để thanh toán xuyên biên giới bằng đồng nhân dân tệ.

Nga đang tìm cách tăng cường hợp tác với các nước như Trung Quốc - không tham gia các lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu. Hội nghị thượng đỉnh kéo dài hai ngày của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải do Nga và Trung Quốc dẫn đầu sẽ bắt đầu vào 15/9 tại Uzbekistan. Ngoài ông Tập, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ tham dự. Mỹ và châu Âu đang hạn chế nhập khẩu dầu thô của Nga, nhưng Ấn Độ được cho là đang mua dầu với giá chiết khấu so với các tiêu chuẩn quốc tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại