Khuyến khích "tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng"
Liên quan đến vấn đề thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022, tại phiên họp Quốc hội ngày 23/5, đại diện Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, công tác này được đẩy mạnh và phát huy trên nhiều lĩnh vực.
Trong đó, theo Chính phủ, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng. Trong năm qua, đã đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý các vụ án kinh tế, tham nhũng và được dư luận đồng tình, ủng hộ; chú trọng xác minh, áp dụng các biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn điều tra, không để tẩu tán, hợp pháp hóa tài sản tham nhũng.
Bên cạnh đó, khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra, như một số vụ án xảy ra tại: Công ty Cổ phần Việt Á; Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam; các Tập đoàn: FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty Cổ phần đầu tư An Đông …
Khuyến khích người phạm tội tự nguyện giao nộp tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra
Công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường, tập trung thanh tra một số lĩnh vực có nguy cơ cao phát sinh tham nhũng, điển hình như công tác quản lý nhà nước về xăng dầu, việc thực hiện Quy hoạch điện VII, việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường…đồng thời xử lý kỷ luật nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm.
Lãng phí sử dụng nhà đất, tài sản công
Về khối đơn vị sự nghiệp công lập, theo Bộ trưởng, đến nay, cả nước đã giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2016. Trong năm 2022, kinh phí từ ngân sách trung ương cấp cho các bộ, cơ quan trung ương thực hiện chính sách tinh giản biên chế hơn 578 tỷ đồng; biên chế trong cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước năm 2021 là 247.722 biên chế, giảm 27.504 biên chế, vượt mục tiêu giảm tối thiểu 10% theo Nghị quyết của Đảng; biên chế sự nghiệp năm 2021 là 1.789.585 người, giảm 236.366 biên chế.
“ Kết quả tiết kiệm do thực hiện cơ chế khoán chi, giao quyền tự chủ tài chính theo chế độ quy định của các bộ ngành, địa phương năm 2022 là 3.494 tỷ đồng, một số đơn vị có kết quả cao như: Bộ GTVT là 157 tỷ đồng, Bộ GD&ĐT 25,1 tỷ đồng, TP. Hà Nội là 1.173 tỷ đồng, TP. HCM là 1.220 tỷ đồng...”, ông Phớc nêu.
Trong quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, ông Phớc cho biết, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà đất theo thẩm quyền đối với 30.708 cơ sở nhà, đất của các bộ, cơ quan trung ương, doanh nghiệp nhà nước.
Trụ sở mới của Bộ Nội vụ trên đường Tôn Thất Thuyết, Hà Nội
Tuy nhiên, công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của một số cơ quan, đơn vị, địa phương và doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Quy hoạch sử dụng đất của địa phương chậm được công bố, gây khó khăn cho việc sắp xếp nhà, đất và thực hiện di dời.
Báo cáo thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã chỉ ra 11 nhóm tồn tại, hạn chế trong công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Đáng lưu ý, theo cơ quan thẩm tra, còn lãng phí trong quản lý, sử dụng trang thiết bị làm việc, nhà đất, tài sản công. Một số bộ ngành, cơ quan Trung ương sau khi được bố trí trụ sở làm việc mới nhưng không bàn giao cơ sở cũ về cho địa phương quản lý, như: Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Thanh tra Chính phủ...
Cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ báo cáo, đánh giá việc bố trí, sử dụng tài sản công là đất đai, trụ sở làm việc của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp, trong đó có việc bàn giao trụ sở cũ của các cơ quan trung ương được bố trí địa điểm, hoàn thành việc xây dựng và đã chuyển đến làm việc tại trụ sở mới.
Ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách. Ảnh: Như Ý
Các bộ, ngành tiết kiệm 9.901 tỷ đồng
Theo Bộ trưởng, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 như: tiết kiệm chi thường xuyên; tiết kiệm chi quản lý hành chính; tiết kiệm trong mua sắm, sửa chữa; tiết kiệm trong đầu tư xây dựng... là 53.887 tỷ đồng. Trong số này, các bộ, ngành tiết kiệm 9.901 tỷ đồng, các địa phương là 38.157 tỷ đồng; các tập đoàn, tổng công ty là 5.837 tỷ đồng.
Cụ thể, một số địa phương có kết quả cao trong tiết kiệm kinh phí ngân sách như: Bộ Quốc phòng (2.556 tỷ đồng), Bộ Công an (1.896 tỷ đồng), Bộ Tài chính (328 tỷ đồng), Hà Nội (5.868 tỷ đồng), Vĩnh Phúc (1.855 tỷ đồng), Bình Dương (338 tỷ đồng)...
Cũng theo Chính phủ, một số địa phương có kết quả tốt trong tiết kiệm dự toán chi thường xuyên theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ được nhắc đến như: Hà Nội (3.140 tỷ đồng), Nghệ An (298 tỷ đồng), Bình Dương (214 tỷ đồng), Hòa Bình (135 tỷ đồng), Lâm Đồng (147 tỷ đồng), Long An (201 tỷ đồng)...
Tuy nhiên, Bộ trưởng Tài chính cũng cho biết, số nợ thuế của doanh nghiệp tiếp tục có xu hướng tăng (tổng số nợ thuế nội địa ước đến thời điểm cuối năm 2022 là 122.918 tỷ đồng, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2021).
“Tình trạng gian lận, trốn thuế, quản lý thu thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số, thương mại điện tử, kinh doanh xuyên biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp”, ông Phớc cho hay.