Phiên toà xét xử diễn ra ngày 17/7. Ảnh Như Ý
Sáng nay (18/7), phiên xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu" tiếp tục với phần bào chữa cho 54 bị cáo của 105 luật sư.
Trong vụ án, có 21 bị cáo bị xét xử về tội danh "Nhận hối lộ", trong đó, Viện kiểm sát đã đề nghị mức án từ 2 đến 20 năm tù đối với 20 người. Riêng bị cáo Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký một thứ trưởng Bộ Y tế bị đề nghị mức án tử hình.
21 bị cáo nêu trên đã nhận hối lộ trên 500 lần từ đại diện các doanh nghiệp với tổng số tiền hơn 162 tỷ đồng, đến nay nhóm bị cáo này đã nộp lại khoảng 80 tỷ đồng.
Ngay khi mở đầu phiên xét xử sáng hôm qua (17/7), HĐXX đã cho tạm dừng phiên tòa để luật sư của các bị cáo xuất trình chứng từ nộp tiền khắc phục hậu quả.
Đến nay, một số bị cáo và gia đình đã nộp tiền khắc phục hậu quả và được giải toả kê biên một số tài sản, tuy nhiên, đối với bị cáo chưa khắc phục xong hậu quả tiếp tục bị truy thu và kê biên nhà đất, căn hộ chung cư, tài khoản ngân hàng, cổ phiếu…
Đại diện VKS trách nói về nhiệm dân sự đối với bị cáo. CLIP: Như Ý
Điển hình, bị cáo Phạm Trung Kiên (nguyên Thư ký một lãnh đạo Bộ Y tế) bị cáo buộc nhận hối 253 lần với tổng số tiền 42,6 tỷ đồng. Khi vụ án bị phát lộ, bị cáo này trả lại doanh nghiệp hơn 12 tỷ đồng, còn hưởng lợi hơn 30 tỷ đồng. Hiện gia đình bị cáo nộp khắc phục 15 tỷ đồng và còn phải truy thu hơn 15 tỷ đồng.
Do đó, cơ quan chức năng tiếp tục kê biên tài sản của bị cáo Kiên là căn hộ tại phố Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội; tạm dừng giao dịch thửa đất ở Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận; tịch thu xung vào công quỹ Nhà nước 1 điện thoại.
Đối với bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, nguyên Cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao bị cáo buộc nhận hối lộ 32 lần với tổng tiền hơn 25 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, bị cáo và gia đình đã nộp 900 triệu đồng khắc phục. Viện kiểm sát đề nghị tiếp tục truy thu số tiền hơn 24 tỷ đồng, kê biên, phong toả số tiền hàng trăm triệu đồng trong ngân hàng.
Các tài sản của bị cáo Lan bị đề nghị tiếp tục phong tỏa gồm: 10.000 cổ phiếu FLC, 22.000 cổ phiếu HHB, hàng chục nghìn mã trái phiếu MSL, 1.500 cổ phiếu VIC, 3.800 cổ phiếu VPB, 3.500 cổ phiếu VSC…; đồng thời tiếp tục kê biên 1 căn hộ chung cư ở Giảng Võ, 1 căn hộ chung cư ở Mễ Trì, 1 xe ô tô 5 chỗ Lexus RX300 màu trắng, tịch thu nhiều điện thoại; hơn 13.500 USD và hơn 800 triệu đồng thu giữ trong quá trình khám xét.
Bị cáo Tô Anh Dũng
Bị cáo Tô Anh Dũng, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 37 lần với số tiền 21,5 tỷ đồng, gia đình khắc phục hơn 16 tỷ đồng. Hiện cơ quan chức năng đang phong toả, dừng giao dịch các tài sản là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở gắn liền với đất mang tên ông Dũng; tiếp tục tạm dừng mua bán chuyển nhượng căn hộ chung cư KĐT Tây Hồ Tây phường Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội và Phong toả 877 cổ phiếu VCG…
Cũng bị truy tố về hành vi nhận hối lộ, bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, bị cáo buộc nhận hơn 12 tỷ đồng, hiện đã nộp 200 triệu đồng, tiếp tục tạm giữ kê biên 5 sổ tiết kiệm tại ngân hàng, 1 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở… tạm dừng mua bán giao dịch căn hộ chung cư KĐT Nam Thăng Long và căn hộ 88 Láng Hạ.
Tương tự, bị cáo Vũ Hồng Quang, nguyên Phó Trưởng phòng Vận tải Hàng không Cục Hàng không Việt Nam, Bộ GTVT, 9 lần nhận hơn 1,9 tỷ đồng, bị đề nghị 5 - 6 năm tù. Hiện bị cáo đã nộp hơn 1,7 tỷ đồng khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng tiếp tục kê biên tài sản của bị cáo là nhà đất tại phố Đào Tấn, Cống Vị, Hà Nội; nhà đất tại xã Hiệp Lực, Hải Dương; phong toả tài khoản hơn 100 triệu tại ngân hàng, 5.422 cổ phiếu MSB…