Mùa đại hội cổ đông của các ngân hàng đã đi được hơn nửa chặng đường. Cho đến nay, hầu hết các ngân hàng đã tiến hành đại hội xong, chỉ còn một số ít trường hợp chưa tiến hành cuộc họp thường niên vì lý do riêng. Và ghi nhận tại mùa đại hội năm nay, làn sóng thay đổi nhân sự ngân hàng đã biến động rất mạnh, song sự biến động ấy lại không như dự báo.
Sếp ngân hàng… không chọn ngân hàng
Theo luật các Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ 15/1/2018 thì các lãnh đạo ngân hàng sẽ phải lựa chọn một là làm chủ ngân hàng, hai là làm chủ doanh nghiệp.
Trước khi có quyết định chính thức, hầu hết các dự đoán đều cho rằng sẽ chẳng có ông chủ ngân hàng nào chịu bỏ ghế để sang doanh nghiệp, vì làm quản trị điều hành ngân hàng mới khó, chứ quản trị doanh nghiệp thì có nhiều cách để vẫn vừa làm ngân hàng lại vẫn theo đuổi được đam mê ở doanh nghiệp.
Nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy. Bên cạnh những ông chủ ngân hàng như Dương Công Minh, Đỗ Quang Hiển, Đỗ Minh Phú thì vẫn có những người không chọn ngân hàng như ông Võ Quốc Thắng ở Kienlongbank hay ông Vũ Văn Tiền ở ABBank.
Tại Kienlongbank, ông Võ Quốc Thắng là chủ tịch của ngân hàng này trong một nhiệm kỳ.
Thời gian đầu mới gia nhập Kiên Long năm 2013, người ta tin rằng ông Thắng – vốn vẫn hay được gọi là Bầu Thắng và gắn với thương hiệu Đồng Tâm Group – sẽ lấn sâu vào lĩnh vực ngân hàng hơn khi đây luôn là "mốt" làm ăn của các đại gia.
Tuy nhiên chỉ sau 5 năm, sau khi Quốc hội chính thức sửa đổi Luật TCTD 2010 với nội dung bổ sung liên quan đến lãnh đạo các ngân hàng, thì ông Thắng đã lựa chọn từ bỏ ngân hàng để trọn tâm với doanh nghiệp.
Bất ngờ nữa ở Kienlongbank không phải chỉ là bầu Thắng, mà còn là người kế nhiệm cho ông khi trước đó thị trường được tin rằng sẽ gọi tên ông Võ Văn Châu – người trước đó là Tổng giám đốc nhưng bất ngờ từ nhiệm để tập trung công việc trong Hội đồng quản trị.
Song, ghế nóng ở Kienlongbank lại dành cho một vị lãnh đạo tuổi chưa đầy 40 là Lê Khắc Gia Bảo – trưởng ban kiểm soát của ngân hàng nhiệm kỳ trước đó.
Tại ABBank, ông Vũ Văn Tiền gắn bó với thương hiệu An Bình và ghế chủ tịch đã 15 năm, tức hơn một nửa chặng đường kể từ khi thành lập đến nay. Tuy nhiên trong mùa đại hội cổ đông năm nay, ông Tiền lại bất ngờ lựa chọn rời ghế chủ tịch, để ông Đào Mạnh Kháng lên nắm quyền thay.
Ở ABBank, sự việc cũng dễ hiểu hơn đôi chút khi ông Đào Mạnh Kháng không phải người xa lạ, mà chính là em rể của ông Tiền.
Khác với hai trường hợp trên, ở VietABank cũng có sự biến động khá bất ngờ song không phải ở ghế chủ tịch.
Đó là sự rút lui của bà Phương Thanh Nhung, người từng là Tổng giám đốc của ngân hàng, sau đó thôi làm Tổng giám đốc và được bầu làm phó chủ tịch Hội đồng quản trị. Tại mùa đại hội năm nay, bà Nhung – là cháu của ông Phương Hữu Việt, chủ tịch VietABank, không còn có tên trong Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới.
Những cái tên mới được "điểm danh"
Bất ngờ tiếp theo là những cái tên lạ bước chân vào ngân hàng.
Tại Vietcombank, ông Trương Gia Bình ứng cử và được bầu vào làm thành viên Hội đồng quản trị Vietcombank. Nếu như ở TPBank thì sẽ không có gì lạ bởi ông Trương Gia Bình là một trong những thành viên sáng lập và còn sở hữu lượng cổ phiếu không nhỏ của nhà băng này. Song với Vietcombank thì dường như rất ít người dự đoán được.
Tiếp theo là ở Eximbank. Câu chuyện nhân sự cấp cao của ngân hàng này vốn đã làm tốn nhiều giấy mực của truyền thống suốt 3 năm qua, đặc biệt là những nhân sự liên quan đến nhóm cổ đông từ phía Ngân hàng Nam Á.
Từng có 2 ứng viên là người cũ của Nam A Bank có tên trong danh sách ứng cử vào HĐQT ngân hàng Eximbank hồi năm 2015 song cuối cùng lại rút lui.
Và đến lần này, thay vì công bố 4 người ngân hàng đã nhận được hồ sơ từ trước đó, đến đúng ngày tổ chức đại hội mới công bố cụ thể. Và cũng khá bất ngờ với không ít người, là nguyên Tổng giám đốc của Nam A Bank bà Lương Thị Cẩm Tú lại được đề cử và trúng cử vào nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Thêm nữa, chiếc ghế Tổng giám đốc ở Eximbank có lẽ cũng sắp thay đổi khi mới đây vị CEO của ngân hàng này là ông Lê Văn Quyết đã nói với cổ đông rằng, bản thân ông có báo cáo với HĐQT về việc tìm một người khác để thay thế cho phù hợp với chủ trương của HĐQT, và ông đã làm xong nhiệm vụ của mình như đã nhận cách đây 3 năm.
Có tin rằng, sau khi rời Eximbank, vị tổng giám đốc ngân hàng này – trước đó là giám đốc chi nhánh của Vietcombank – sẽ trở lại chốn cũ.
Cũng liên quan đến người điều hành Eximbank, cách đây ít lâu ngân hàng đã tuyển dụng và bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh- nguyên Tổng giám đốc SeABank (được hơn 4 tháng), nguyên Phó Tổng giám đốc Techcombank - về làm Phó Tổng giám đốc thường trực.
"Chuộng" cán bộ về hưu
Thêm một câu chuyện thú vị nữa của mùa đại hội cổ đông năm nay về nhân sự cấp cao ngân hàng đó là sự thay đổi từ ngân hàng này sang ngân hàng khác và "khẩu vị mới" của các ông chủ ngân hàng là lựa chọn những người đã về hưu.
Chẳng hạn, ở ABBank, ngoài ghế nóng chủ tịch HĐQT thay đổi như đã đề cập ở trên, thì còn có thêm hai sự biến đổi mới mẻ đó là sự gia nhập của hai vị cán bộ đã về hưu vào Hội đồng quản trị của nhà băng này, đó là ông Nguyễn Danh Lương (là thành viên HĐQT Vietcombank trước khi về hưu) và ông Lưu Văn Sáu (nguyên Vụ phó Hàm Vụ Trưởng, Vụ Kinh tế Tổng hợp – Văn phòng Chính phủ, đã nghỉ hưu từ năm 2015).
Trong khi đó tại SHB, ông Trịnh Thanh Hải, người vừa hết nhiệm kỳ tại ABBank lại được giới thiệu và bầu vào Hội đồng quản trị SHB ở vị trí thành viên độc lập.
Hay như ở Sacombank, ông Nguyễn Văn Huynh vừa được bầu cử bổ sung vào HĐQT ngân hàng tại kỳ đại hội thường niên 2018 lại chính là người vừa thôi nhiệm ở LienVietPostBank trước đó.
Sẽ không có gì để bàn nếu như trước đó ở Liên Việt, ông tân chủ tịch ngân hàng là Nguyễn Đình Thắng vẫn nói về ông Huynh như một vị cán bộ đã có tuổi và cần có sự nghỉ ngơi, cần có "tre già măng mọc" nên xin không tiếp tục tham gia quản trị.
Ngoài những ví dụ kể trên thì câu chuyện nhân sự cấp cao của ngành ngân hàng vẫn còn rất nhiều điều thú vị nữa. Sự biến động tất nhiên là chuyện thường tình bởi các ông chủ ngân hàng vẫn phải chọn người cho mình phù hợp với "khẩu vị kinh doanh" nhất của họ trong mỗi một giai đoạn khác nhau, song điều đó ít nhiều cũng đem lại "cảm xúc" cho thị trường.