Nỗ lực của Moscow
Nỗ lực làm trung gian hòa giải của Nga trong vụ tranh chấp biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy điều gì là quan trọng với Moscow nếu xích mích trở nên tồi tệ hơn, SCMP dẫn nguồn quan sát viên cho hay.
Bắc Kinh và New Delhi đã tiến hành 2 cuộc gặp cấp cao trong tháng này, đều tại Moscow, bên lề hội nghị Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), trong một nỗ lực nhằm hóa giải căng thẳng liên quan tới cuộc đối đầu quân sự dọc biên giới Trung - Ấn ở khu vực Himalaya, vốn bùng phát từ hồi đầu tháng 5.
Cuộc gặp mới nhất là vào 10/9, trong đó Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và người đồng cấp Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar nhất trí cải thiện lòng tin lẫn nhau để đảm bảo hòa bình dọc theo biên giới tranh chấp, và tránh bất cứ hành động nào có thể khiến tình hình leo thang - mặc dù không đề cập tới thời điểm rút binh lính khỏi đó.
Trước đó, bộ trưởng quốc phòng hai nước, ông Ngụy Phượng Hòa và ông Rajinath Singh đã thất bại trong việc phá vỡ bất đồng tại Moscow.
Các bộ trưởng ngoại giao càng cảm thấy sự thôi thúc phải hạ nhiệt căng thẳng và giải quyết tình trạng tập trung lực lượng của cả hai bên ở vùng biên sau vụ việc mới xảy ra hồi đầu tuần, khi hai bên cáo buộc lẫn nhau nổ súng gần hồ Pangong ở Ladakh. Đây là những phát súng đầu tiên nổ ở biên giới hai nước kể từ 1975.
Theo giới quan sát, mặc dù Nga giữ quan điểm trung lập trong vụ tranh chấp kéo dài - kể cả trong suốt cuộc chiến tranh biên giới ngắn nhưng đẫm máu năm 1962, nhưng những nỗ lực điều phối đàm phán giữa Bắc Kinh và New Delhi tới từ phía Nga cho thấy vấn đề này cũng quan trọng đối với Moscow.
Né tránh viễn cảnh không mong muốn
Artyom Lukin, phó giáo sư Đại học Liên bang Viễn Đông (Nga), lưu ý rằng: Từ cuối những năm 1990, Moscow đã thúc đẩy cơ chế phối hợp ba bên Nga - Ấn Độ - Trung Quốc (RIC). Đây là ý tưởng do Ngoại trưởng Nga ở thời điểm ấy Yevgeny Primakov đưa ra để làm đối trọng với liên minh do Mỹ dẫn đầu.
"Moscow cũng hy vọng giữ vai trò trung gian ngoại giao chính trong RIC, từ đó nâng tầm ảnh hưởng của mình vượt xa khỏi những gì mà năng lực kinh tế của Nga cho phép", Lukin nói.
Tuy nhiên, những nỗ lực ấy có thể bị cản trở nếu bất đồng giữa hai người khổng lồ châu Á trở nên sâu sắc hơn, và bối cảnh an ninh Á-Âu cũng có khả năng bị ảnh hưởng - nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Nga Aleksei Zakharov nhận định.
Ông Zakharov cho rằng, bất đồng nêu trên thậm chí còn có thể làm tê liệt các nhóm đa phương như SCO và BRICS (nhóm 5 nền kinh tế mới nổi Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi).
Năm nay, Nga giữ chức chủ tịch của cả SCO, lẫn BRICS, một chương trình nghị sự ngoại giao chủ chốt đối với Điện Kremlin giữa bối cảnh áp lực ngày càng gia tăng từ phương Tây. Nghi án đầu độc chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny mới xảy ra gần đây càng khiến áp lực này thêm nặng gánh.
Zakharov cho rằng, việc đối đầu với Trung Quốc ở biên giới có thể đẩy Ấn Độ tới gần Mỹ hơn, một viễn cảnh mà Moscow có lẽ không mong muốn.
"Rạn nứt trong quan hệ Trung-Ấn có thể dẫn tới sự chuyển đổi trong chính sách của New Delhi, đặc biệt là tiếp xúc gần gũi hơn với Mỹ, cũng như các nước Ấn Độ - Thái Bình Dương khác, bao gồm cả khả năng phát triển của QUAD", ông Zakharov đề cập tới Đối thoại An ninh Bốn bên (nhóm Bộ Tứ Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ).
"Đó chắc chắn không phải là điều mà Moscow muốn xảy ra bởi nước này vẫn luôn đánh giá cao lộ trình đặc trưng của Ấn Độ tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho biết, Nga không muốn trực tiếp can dự vào vụ khúc mắc giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
"Nga không muốn đứng giữa cuộc xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc bởi với Moscow, việc chọn phe giữa bằng hữu lâu năm Ấn Độ và người bạn mới Trung Quốc là một điều phức tạp", học giả Rajeswari Pillai Rajagopalan đánh giá.
"Nga không muốn Ấn Độ gần gũi với các nước phương Tây. Vì vậy đây có thể là nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề của Moscow".