Năm 2021, theo một bản tóm tắt mới của hai bộ dữ liệu quốc tế, làn sóng ấm lên trong các đại dương đã đạt mức cao mới, làm lu mờ ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh trong khu vực.
Mặc dù sự ấm lên của đại dương trong năm 2021 là chưa từng có nhưng không phải là ngoại lệ. Đây là năm thứ sáu liên tiếp nhiệt độ các đại dương trên thế giới vượt qua những mức nhiệt đo được trước đây.
Kể từ cuối những năm 1950, khi các ghi chép đáng tin cậy về biến đổi khí hậu đầu tiên bắt đầu được thực hiện, mỗi thập kỷ đều có các đại dương ấm hơn những thập kỷ trước. Từ những năm 1980, các tác giả của bản tóm tắt nói rằng, đã có sự gia tăng "rõ ràng" về nhiệt độ nước biển .
Sự nóng lên đang được cảm nhận trên diện rộng. Năm 2021, Bắc Thái Bình Dương, Bắc Đại Tây Dương và Địa Trung Hải đều hứng chịu nhiệt độ nước biển nóng kỷ lục.
Nhà khoa học khí hậu Michael Mann từ Đại học bang Pennsylvania cho biết: "Các đại dương đang hấp thụ hầu hết lượng nhiệt từ khí thải carbon của con người.
Cho đến khi chúng ta đạt đến mức phát thải ròng bằng 0, việc tăng nhiệt tiếp tục diễn ra và chúng ta sẽ tiếp tục phá vỡ các kỷ lục về hàm lượng nhiệt của đại dương như chúng ta đã làm trong năm qua. Nhận thức và hiểu biết tốt hơn về các đại dương là cơ sở cho những hành động chống lại biến đổi khí hậu".
Nếu không cắt giảm lượng khí thải, ngay cả những biến động về nhiệt độ và lưu thông trong khu vực trong ngắn hạn cũng không thể thay đổi quỹ đạo hiện tại.
(Ảnh: Getty)
Ví dụ, với hiện tượng La Niña, khi gió và dòng hải lưu thay đổi, các phần phía Bắc của Thái Bình Dương có xu hướng trở nên mát hơn, trong khi vùng nước phía Nam trên Australia lại ấm hơn một chút. Bất chấp hiệu ứng làm mát này bắt đầu có hiệu lực vào cuối năm 2021, sự ấm lên ở Bắc Thái Bình Dương vẫn ở mức "rộng và sâu".
Năm 2021, nhiệt độ tăng lên bất thường ở khu vực giữa Bắc Thái Bình Dương với mức nhiệt tăng khoảng 2°C gần bề mặt nước và 1°C ở độ sâu khoảng 300 m.
Các tác giả viết: "Sự gia tăng không ngừng (về hàm lượng nhiệt đại dương) có liên quan trực tiếp đến tần suất, cường độ và mức độ của sóng nhiệt biển và các "điểm nóng" khác trong đại dương".
Các xu hướng dài hạn cho thấy, Đại Tây Dương và Nam Đại Dương đang hấp thụ lượng nhiệt lớn nhất từ việc phát thải khí nhà kính của con người.
Khi đại dương hấp thụ nhiệt, nước biển nở ra, dẫn đến mực nước biển dâng cao. Nếu nhiệt lượng biển ở các đại dương phía Nam làm xói mòn băng ở Nam Cực, nó có thể làm mất ổn định cấu trúc, gia tăng lượng nước đổ vào đại dương và thậm chí còn nhấn chìm nhiều bờ biển hơn nữa.
Nhà khoa học khí quyển Lijing Cheng từ Học viện Khoa học Trung Quốc (CAS) cho biết: "Các đại dương ấm hơn cũng làm tăng những hình thái thời tiết, tạo ra nhiều cơn bão và cuồng phong mạnh hơn, cũng như tăng lượng mưa và nguy cơ lũ lụt".