Vụ việc nam thanh niên nhảy cầu tự tử khiến lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM phải lặn dưới kênh Thanh Đa, tìm kiếm đến rạng sáng hôm sau
Khoảng 22h30 ngày 28/3, người dân thấy nam thanh niên khoảng 27 tuổi đứng cãi nhau với một cô gái tại khu vực cầu Kinh Thanh Đa (phường 27, quận Bình Thạnh, TP.HCM). 20 phút sau, người này bất ngờ leo qua lan can, nhảy xuống kênh Thanh Đa.
Cô gái đứng trên cầu hô hoán, kêu cứu nhưng anh này đã chìm dưới dòng nước. Sau đó, cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Công an TP.HCM có mặt tại hiện trường tổ chức tìm kiếm nam thanh niên.
Tuy nhiên, sau khi nhảy cầu, anh này thả trôi theo dòng nước và bơi vào bờ phía phường 25 quận Bình Thạnh nhưng không đến cơ quan chức năng trình báo khiến lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ Côn gan TP.HCM phải lặn dưới kênh Thanh Đa tìm kiếm đến rạng sáng hôm sau.
Theo lãnh đạo phường 27, sáng ngày 29/3, nam thanh niên này đã được bàn giao cho Công an phường 25 làm việc và xử lý.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Doãn Hùng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, đối với trường hợp nam thanh niên này có hai tình huống xảy ra.
Trường hợp đầu tiên, nếu nam thanh niên này chứng minh được với cơ quan chức năng không biết có chuyện lực lượng cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ tìm kiếm mình thì anh này có thể không bị xử phạt.
Trong trường hợp người nhảy cầu biết việc lực lượng chức năng đang tìm kiếm nhưng vẫn không thông báo cho cơ quan chức năng thì anh ta có thể bị xử phạt về hành vi "Tụ tập nhiều người ở nơi công cộng gây mất trật tự công cộng".
“Hành vi của người nhảy cầu gây tụ tập nhiều người ở nơi công cộng, gây mất trật tự công cộng. Mặc dù anh ta có điều kiện để khắc phục điều này nhưng không thực hiện.
Do đó, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng theo khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP”, luật sư Nguyễn Doãn Hùng phân tích.
Đối với người báo tin cho cảnh sát PCCC, theo luật sư Nguyễn Doãn Hùng, nếu người báo tin không biết và thuộc trường hợp không biết về việc người nhảy cầu bỏ về nhà sau khi nhảy cầu thì có lỗi vô ý khi báo tin cho cảnh sát.
Còn đối với tội báo tin giả cho cơ quan chức năng, yếu tố lỗi trong cấu thành tội này là lỗi cố ý.
Vì vậy, trong trường hợp người báo tin có lỗi vô ý như vụ việc này sẽ không phải chịu trách nhiệm về tội báo tin giả cho cơ quan chức năng theo điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.