Nhật xin duyệt ngân sách quốc phòng kỷ lục vì mối đe dọa Triều Tiên

Bảo Vĩnh |

Báo Guardian ngày 31.8 đưa tin Bộ Quốc phòng Nhật Bản xin khoản chi quốc phòng kỷ lục với lý do từ việc CHDCND Triều Tiên hù dọa bằng tên lửa, trong khi không-hải quân Trung Quốc tăng hoạt động ở khu vực Bắc Á.

Nếu được Quốc hội Nhật và chính phủ Thủ tướng Shinzo Abe thông qua vào cuối năm nay, khoản ngân sách quốc phòng 5,3 ngàn tỉ Yen (37 tỉ bảng Anh) tăng 2,1% so với năm 2017, và sẽ là lần tăng chi thứ bảy liên tiếp dưới thời ông Abe.

Bộ Quốc phòng Nhật công bố đề xuất chi quốc phòng hôm 31.8, gồm 424 tỉ Yen cho hệ thống phòng thủ tên lửa, tăng cao so với 180 tỉ Yen được duyệt chi năm 2017.

Trong khoản tiền trên, một khoản lớn 234,3 tỉ Yen sẽ để mua hai hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis do Mỹ sản xuất. Hệ thống này sẽ được dàn trên bộ, chuyên truy vết và đánh chặn tên lửa phóng từ Triều Tiên.

Cục Phòng vệ Nhật Bản (SDF) cũng muốn có tiền mua tên lửa đánh chặn hạm đối không SM-3 Block IIA có tầm bắn xa và độ chính xác cao (do Mỹ-Nhật đồng phát triển) cũng như nâng cấp các chiến đấu cơ, khu trục hạm để chúng tương thích với các hệ thống đánh chặn hiện đại.

Trong tuần này, các quan chức Bộ Quốc phòng tuyên bố Nhật sẽ duy trì quan điểm cứng rắn đối với Bình Nhưỡng, dù căng thẳng đã giảm nhẹ sau cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore ngày 12.6.

Trong Sách Trắng Quốc phòng hàng năm, Nhật khẳng định Triều Tiên tiếp tục là “mối đe dọa nghiêm trọng và tức thời”, gồm đã 3 lần thử hạt nhân và phóng thử 40 tên lửa đạn đạo kể từ năm 2016.

Bình Nhưỡng đã có tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể tấn công hạt nhân (hoặc tên lửa thông thường) xuống Tokyo cùng các thành phố lớn của Nhật, cùng các căn cứ có hàng chục ngàn quân Mỹ trải khắp Nhật.

Năm 2017, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo qua phía bắc Nhật, buộc nước này phải kích hoạt báo động để người dân tìm chỗ trú ẩn.

Trong khi đó, ông Trump mượn chuyện Triều Tiên phóng tên lửa và thử hạt nhân để khuyến khích Nhật và Hàn Quốc mua khí tài quân sự hiện đại của Mỹ.

Thủ tướng Abe nói việc Bình Nhưỡng chạy đua phát triển vũ khí hạt nhân (VKHN) và tên lửa đạn đạo là chứng cứ để Nhật phải tăng cường khả năng phòng thủ, và nới lỏng Hiến pháp yêu chuộng hòa bình để tăng cường sức mạnh cho SDF.

Hiến pháp yêu chuộng hòa bình (do Mỹ soạn sau khi Nhật đầu hàng vô điều kiện hồi 1945) có Điều khoản 9 cấm Nhật duy trì quân đội, chỉ được phép lập SDF nhằm bảo vệ đất nước Nhật, không được tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế.

Theo ông Abe, nội dung Điều khoản 9 phải được làm rõ, để hợp thức hóa sự hiện hữu của SDF, nhưng ông cam kết sẽ không thay đổi chính sách thiên về phòng thủ của Nhật.

Năm 2015, ông Abe thúc đẩy một luật, cho phép Nhật thực hiện công tác phòng thủ tập thể (giúp một đồng minh bị tấn công) mà về lý thuyết, sẽ cho phép SDF chiến đấu ở nước ngoài.

Ngày 20.9 tới sẽ diễn ra cuộc bầu cử chức thủ lĩnh đảng Dân chủ tự do (LDP) và Thủ tướng Abe có đối thủ là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba.

Người thắng cử sẽ là Thủ tướng do LDP nắm quyền kiểm soát Quốc hội Nhật, và nếu thắng, ông Abe sẽ trở thành Thủ tướng phục vụ lâu nhất, dù đang có nghi ngờ vào nỗ lực sửa đổi Hiến pháp yêu chuộng hòa bình, trong khi không có nhiều sự kỳ vọng vào các chủ trương kinh tế của ông Abe.

Tuần này, ông Abe nói môi trường an ninh quanh Nhật đã trở nên “bất ổn, nghiêm trọng hơn” trong các năm gần đây.

Nhật cũng cảnh giác với việc Trung Quốc tăng chi quân sự, xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo trên Biển Đông, hoạt động không-hải quân gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và ở biển Hoa Đông.

Để đề phòng khả năng ngày càng mạnh của không quân Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Nhật xin 54 tỉ Yen để nâng cấp số chiến đấu cơ F-15 và 92 tỉ Yen để mua 6 chiến đấu cơ tàng hình F-35.

Hồi tháng 3, Bắc Kinh công bố tăng chi quốc phòng 8,1%, lên tới 1,11 ngàn tỉ Nhân dân tệ (125 tỉ bảng Anh) nhằm hiện đại hóa quân đội Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại