Nhật tiến thoái lưỡng nan: Obama sắp nghỉ, Putin hờ hững, Trump "cần 1 bài học đại cương"

Ngọc Anh |

Sự đoàn kết Mỹ - Nhật dưới thời tổng thống Obama có tiếp tục khi chính quyền của Trump chính thức điều hành đất nước? Thủ tướng Shinzo Abe sẽ phải vất vả để đảm bảo điều này.

Chỉ có Mỹ mới đảm bảo được an ninh của Nhật Bản trong các tranh chấp trên biển

Theo New York Times, kể từ khi trở thành thủ tướng Nhật Bản lần thứ hai vào năm 2012, ông Shinzo Abe đã duy trì một chính sách đối ngoại với trung tâm là tăng cường quan hệ Mỹ - Nhật, hướng Nhật Bản lại gần hơn với Mỹ.

Ngay cả khi Washington đã bị mất đi ít nhiều ảnh hưởng trong khu vực - do Trung Quốc mở rộng sự hiện diện tại Biển Đông, CHDCND Triều Tiên bất chấp nỗ lực kiềm chế của Mỹ để phát triển chương trình hạt nhân, ông Abe đã luôn thể hiện sự gần gũi với chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Liên minh Mỹ - Nhật tuy đã trải qua nhiều thăng trầm kể từ Thế chiến II, nhưng các nhà phân tích cho rằng ông Abe (một người xu hướng dân tộc bảo thủ) và ông Obama (một người dân chủ tự do có tham vọng thay đổi thế giới) đã góp phần thúc đẩy mối quan hệ đối tác giữa hai nước trở nên khăng khít, ổn định và đáng tin cậy nhất trong vòng 40 năm qua.

Động lực lớn nhất để Shinzo Abe chủ trương tăng cường mối quan hệ với Mỹ chính là nhu cầu tìm kiếm một đối tác bảo vệ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.

"Xét về mặt địa chính trị trong khu vực, tôi nghĩ chính Trung Quốc đã khiến Nhật Bản và Mỹ đã xích lại gần nhau hơn. Không một nước nào có thể đảm bảo an ninh cho Nhật Bản, ngoài Mỹ ra", ông Takatoshi Ito, giáo sư tài chính và thương mại quốc tế tại Đại học Columbia (Mỹ) cho biết.

Nhật tiến thoái lưỡng nan: Obama sắp nghỉ, Putin hờ hững, Trump cần 1 bài học đại cương - Ảnh 1.

Ông Abe và Tổng thống Obama ở Washington năm 2015. (Ảnh: Doug Mills/New York Times)

Năm 2014, ông Obama trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tuyên bố lập trường đứng về phía Nhật Bản trong các tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc về chủ quyền của quần đảo Senkaku (phía Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Trong những nhiệm kỳ của mình, ông Abe đã có những động thái ủng hộ các chính sách của ông Obama, như tăng cường hỗ trợ các căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa bất chấp làn sóng phản đối trong nước;  thông qua luật an ninh gây tranh cãi cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia các nhiệm vụ chiến đấu ở nước ngoài; hay hỗ trợ phi quân sự cho các nước chống lại IS.

Tuy nhiên, cách tiếp cận mối quan hệ Mỹ - Nhật của ông Abe như vậy lại đang bị thử thách hơn bao giờ hết.

Tổng thống mới của Mỹ chưa chắc hiểu ý nghĩa mối quan hệ Mỹ - Nhật

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), được cả Abe và Obama hậu thuẫn, giờ đang bị tổng thống đắc cử Donald Trump hứa làm cho "tơi tả". Triều Tiên dường như sắp đạt được những bước tiến đột phá trong chương trình hạt nhân. Trung Quốc gần đây đã có những động thái cứng rắn hơn trên Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Riêng Trump đã là một nhân tố khó đoán, mang tới những điều không thể ngờ cho khu vực khi ông thường xuyên phàn nàn về các rào cản thương mại của Nhật Bản, kêu ca về chi phí cho sự hỗ trợ quân sự tại Nhật, và giữ cách tiếp cận có phần đối đầu Trung Quốc.

"Nhật Bản đang ở trong một tình thế giống như bị khủng hoảng, không biết nên đi theo hướng nào", ông Kyoji Fukao, Giáo sư ngành Kinh tế Quốc tế tại ĐH Hitotsubashi nói.

Giờ đây, các lãnh đạo Nhật Bản đang theo dõi một cách thận trọng các động thái của tổng thống đắc cử Trump đối với Trung Quốc.

Tokyo có thể thích cách tiếp cận có phần cứng rắn của Trump đối với Bắc Kinh, đặc biệt là trong các vấn đề như thương mại, Đài Loan hay Biển Đông. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số rủi ro cho Nhật nếu cách tiếp cận đó châm ngòi cho những phản ứng thù địch.

Nhật tiến thoái lưỡng nan: Obama sắp nghỉ, Putin hờ hững, Trump cần 1 bài học đại cương - Ảnh 2.

Ông Abe là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gặp gỡ ông Donald Trump sau bầu cử. (Ảnh: AFP)

Trong quá trình đi tìm một đối trọng khác đối với Trung Quốc, ông Abe đã dành ra nhiều tháng để phát triển mối quan hệ với Nga, cố gắng giải quyết tranh chấp với Nga trên quần đảo tranh chấp giữa hai nước. Tuy nhiên, cuộc họp cấp cao giữa Thủ tướng Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 15/12 vừa qua đã không mang lại kết quả khả quan.

Nhưng có lẽ, điều thất vọng lớn hơn đối với ông Abe chính là lời thề rút Mỹ ra khỏi TPP của ông Trump. Đối với ông Abe, Hiệp định TPP phần nào là động lực thúc đẩy các thay đổi trong ngành nông nghiệp Nhật Bản. TPP cũng là cơ hội cho hàng hóa Nhật Bản đi vào các thị trường lớn như Mỹ và các nước khác.

Hy vọng duy nhất của ông Abe lúc này là thuyết phục ông Trump giữ lại TPP. Sau cuộc gặp gỡ đầu tiên tại New York vào tháng 11 vừa qua, và hai ông sẽ sớm gặp lại nhau sau ngày Trump nhậm chức chính thức (20/1/2017).

Tuy Thủ tướng Nhật cũng quan tâm phát triển mối quan hệ với rất nhiều nước khác (ông đã từng đến Cuba gặp cố Chủ tịch Fidel Castro để nhờ Cuba giúp kiềm chế chương trình hạt nhân của CNDCND Triều Tiên, hay lần đầu tiên vào tháng 10/2016 - Anh và Nhật đã tập trận chung trên biển), nhưng liên minh với Mỹ vẫn là nền tảng cho an ninh của Nhật Bản. 

Không một lãnh đạo cấp cao nào của Nhật sẽ thay đổi quan điểm này. Do đó, chắc chắn ông Abe và các quan chức Nhật Bản sẽ tiếp tục cố gắng thuyết phục Trump duy trì mối quan hệ đối tác khăng khít.

Một vài nhà phân tích cho rằng, để làm được điều đó thì Nhật Bản cũng phải chú ý tới "giáo dục" không kém các yếu tố khác:

"Chúng ta không chắc rằng Trump biết về các biện pháp cụ thể, các chi tiết trong mối quan hệ an ninh Mỹ - Nhật. Điều mà Thủ tướng Abe phải làm là phải giảng một bài học 'đại cương', giới thiệu mối quan hệ giữa hai nước cho ông Trump hiểu" , giáo tư Fumiaki Kubo, ngành Khoa học Chính trị tại ĐH Tokyo nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại