Chiến dịch tiêu diệt thủ lĩnh IS là một bước đi có tính toán của ông Trump
Cuối tuần qua, Tổng thống Donald Trump tuyên bố, trùm khủng bố bị truy nã gắt gao nhất thế giới Abu Bakr al-Baghdadi, đã bị giết trong một chiến dịch đặc biệt của Mỹ ở Syria.
Cuộc đột kích của Mỹ diễn ra vào tối 26/10, tại làng Barisha thuộc tỉnh Idlib, tây bắc Syria, một khu vực vẫn còn bị khủng bố kiểm soát và là nơi al-Baghdadi lẩn trốn.
Sau khi lực lượng đặc nhiệm Mỹ xông vào tòa nhà, thủ lĩnh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) đã trốn vào một đường hầm cùng với ba đứa con của mình và kích bom tự sát.
Tổng thống Mỹ đã gửi lời cảm ơn Nga, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Syria và người Kurd ở Syria vì sự hỗ trợ của họ trong hoạt động này.
"Người Nga rất hợp tác, họ thực sự rất tốt. Chúng tôi nghĩ rằng đó cũng là một sứ mệnh mà họ muốn, vì họ cũng ghét IS", ông Trump nói trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng.
Tuy nhiên, bộ Quốc phòng Nga đã tỏ ra nghi ngờ về những tuyên bố đến từ nhà lãnh đạo nước Mỹ.
Trong tuyên bố gần đây, người phát ngôn bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov, nói rằng họ không có "thông tin đáng tin cậy về việc các quân nhân Mỹ hoạt động tại khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát trong khu vực giảm leo thang Idlib, cũng như một chiến dịch loại bỏ thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi".
Cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi
Hasan Unal, giáo sư khoa học chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Maltepe (Istanbul) nhận định rằng, tin tức về việc thủ lĩnh IS bị tiêu diệt trong một cuộc đột kích của quân đội Mỹ là có lợi cho Trump sau khi ông phải đối mặt với phản ứng dữ dội từ quyết định rút quân đội Mỹ khỏi Syria hồi đầu tháng này.
"Thời điểm này là vô cùng quan trọng cho hoạt động tiêu diệt diễn ra. Nó trông như thể Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Syria đang trao cho ông Trump con át chủ bài để chống lại phản ứng từ Quốc hội", ông nói.
"Điều này giống như tin tốt lành từ trên trời rơi xuống mà Tổng thống Mỹ có thể sử dụng để lấy lòng công chúng Mỹ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội đứng về phía ông. Theo đó, Mỹ đã thành công trong việc nghiền nát IS, nhắc lại lý do quân đội Mỹ hiện diện ở Syria", Giáo sư Unal nói thêm.
Sputnik dẫn lời một nhà báo giấu tên, hoạt động ở Idlib cho biết, Washington muốn cho các thế lực khác ở Syria biết rằng Mỹ vẫn còn đang hiện diện ở nơi đây.
"Chiến dịch này diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi Mỹ rút quân khỏi Syria và cuộc bầu cử đang đến gần. Mỹ muốn gửi một thông điệp tới người Nga và các bên khác rằng, người Mỹ vẫn ở Syria và họ có thể nhắm vào mọi mục tiêu mình muốn, vào bất kỳ thời điểm nào mà không cần ai tham gia hỗ trợ".
Nhà báo này cũng đặt câu hỏi hoài nghi về cái chết của al-Baghdadi.
"Tôi không thể xác nhận hay phủ nhận rằng Baghdadi đã bị giết trong chiến dịch bí mật này, mà chỉ xác nhận cái chết của một số thủ lĩnh của các tổ chức khủng bố", ông lưu ý.
Về phần mình, Orhan Gafarli, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Ankara, cho biết không có xác nhận nào về tin tức cái chết của al-Baghdadi từ phía IS.
"Tôi nghĩ rằng IS là một tổ chức khủng bố rất riêng biệt và phi truyền thống. Cấu trúc của tổ chức này có các nhà lãnh đạo thuộc hai loại, thứ nhất là "học giả tôn giáo" và thứ hai là lãnh đạo chính trị và quân đội. Đối với IS, thông tin về vụ ám sát lãnh đạo Baghdadi chỉ mang ý nghĩa là chúng cần một thủ lĩnh mới".
Gafarli cũng lưu ý, trong chiến đấu với IS, việc giết các thủ lĩnh của tổ chức này là không đủ - cuộc chiến chống lại ý thức hệ khủng bố cũng quan trọng không kém.
Mỹ "rời khỏi" Syria nhưng vẫn kiểm soát dầu
Ngoài tuyên bố về cái chết của al-Baghdadi, Tổng thống Mỹ còn đề cập đến các kế hoạch của Mỹ để bảo vệ mỏ dầu ở miền Đông Syria.
"Chúng tôi đã kiểm soát và bảo vệ các mỏ dầu", Tổng thống Mỹ nói trong cuộc họp báo của mình, đồng thời cho biết ông có kế hoạch thực hiện một thỏa thuận với tập đoàn năng lượng khổng lồ của Mỹ để khai thác trữ lượng dầu ở Syria.
"Những gì tôi dự định sẽ làm có lẽ là thỏa thuận với ExxonMobil hoặc một trong những công ty tuyệt vời của chúng tôi", ông nói.
Tiến sĩ Ahmad Merei từ Đại học Damascus (Syria), đã lập luận rằng Mỹ chỉ muốn lấy dầu và tất cả những lời nói trên chỉ là biện hộ.
"Tôi nghĩ họ chỉ muốn lấy dầu của Syria. Vì lý do đó, họ luôn dọa rằng IS sẽ trở lại", ông nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói rằng Washington sẽ gửi quân đội chiến đấu và xe bọc thép đến miền Đông Syria để bảo đảm an toàn cho các mỏ dầu.
Một số chuyên gia đã đặt câu hỏi về tính hợp pháp của động thái này. Về phần mình, Moscow đã chỉ trích quyết định đưa quân đội vào miền Đông Syria của Mỹ để bảo vệ các mỏ dầu là chủ nghĩa "thổ phỉ quốc tế".