“Mối quan hệ đối tác tay ba này thể hiện nhận thức rằng hòa bình và thịnh vượng của khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương cần phải được củng cố”, ngoại trưởng Úc Julie Bishop nói. Thỏa thuận ba bên sẽ huy động vốn đầu tư vào lĩnh vực năng lượng, vận tải, du lịch và hạ tầng công nghệ, theo tuyên bố của chính phủ Úc.
Các bước đi của thỏa thuận sẽ được Cơ quan Đầu tư hải ngoại Mỹ, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc điều phối.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã công bố khoản đầu tư 113 triệu USD của chính phủ Mỹ vào công nghệ, năng lượng và hạ tầng vào khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương trong bài phát biểu trước Phòng Thương mại Mỹ.
Ông Pompeo nói Mỹ “sẽ không bao giờ tìm kiếm sự thống trị ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương” và “chúng tôi sẽ đối đầu với bất cứ quốc gia nào muốn làm điều đó”.
Tại Tokyo, chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói đối tác tay ba này là nhằm thỏa mãn nhu cầu gia tăng về các khoản đầu tư khổng lồ vào hạ tầng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.
“Dựa trên chiến lược một khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, chúng tôi sẽ hợp tác với các bên liên quan như Mỹ và Úc, thúc đẩy sự phát triển hạ tầng của vùng”, ông Suga nói.
Tuy nhiên, ông thẳng thừng bác bó các đồn đoán rằng thỏa thuận ba bên này nhằm đối trọng chiến lược “Một vành đai, Một con đường” của Trung Quốc, đổ tiền đầu tư hạ tầng (đường sá, cầu cống, bến cảng….) nối châu Á với châu Âu và châu Phi.
Tuy nhiên, trước đó, tổng thống Mỹ Donald Trump trong bản chiến lược An ninh Quốc gia đã kêu gọi xây dựng chính sách “đáp trả” các cường quốc đối thủ trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng. Đáng kể nhất là dự án “Một vành đai, Một con đường” với số vốn ước tính 1,3 ngàn tỷ USD thực hiện trong 10 năm tới.