Sự nhọc nhằn của bác sĩ ở Vũ Hán: Tôi cứ nửa tỉnh nửa mê, bật dậy rồi lại nằm xuống

An An |

Có bệnh nhân đột nhiên trở nên cáu kỉnh, muốn giơ tay đánh người, nhất định không chịu tiếp tục sử dụng máy thở, 6 y tá cũng không giữ được.

Tình hình dịch bệnh viêm phổi do virus corona mới (Covid-19) đang diễn biến phức tạp. Các y bác sĩ Trung Quốc ở tuyến đầu chính là những người trực tiếp tham gia vào cuộc chạy đua với "tử thần" này. Bác sĩ Trịnh Vĩnh Hoa - Phó Trưởng khoa Hô hấp bệnh viện Đình Lâm (Thượng Hải), tới chi viện cho Vũ Hán, đã chia sẻ với The Paper (Trung Quốc) về một đêm giằng co như thế.

*******

Ngày 8/2/2020. Ngày hôm qua, tôi bắt đầu làm từ ca chiều, khi vừa thay ca tôi liền nhận được thông báo, bệnh tình của một bệnh nhân nhân nặng đang có chiều hướng xấu đi, có thể ảnh hưởng đến tính mạng bất cứ lúc nào.

Ngồi trước máy tính, tôi cẩn thận kiểm tra các loại thuốc đang dùng hiện tại của bệnh nhân này. Đúng lúc đó, y tá bất ngờ gọi có bệnh nhân cần cấp cứu. Tôi trả lời "Đến ngay đây", nói xong thì đi thẳng vào phòng thay đồ, mặc quần áo bảo hộ theo đúng quy tắc; sau khi y tá kiểm tra cẩn thận, xác nhận các bước bảo hộ hoàn chỉnh, tôi mới bước vào phòng cách ly.

Hóa ra, bệnh nhân đột nhiên trở nên cáu kỉnh, muốn giơ tay đánh người, nhất định không chịu tiếp tục sử dụng máy thở, 6 y tá cũng không giữ được, [nhận thấy] độ bão hòa oxy trong máu ở mắt [của bệnh nhân] càng ngày càng thấp. Tôi lập tức yêu cầu y tá tiêm một mũi Midazolam cho bệnh nhân bình tĩnh lại. Bệnh nhân rất nhanh bình tĩnh lại, dưới sự thông khí hỗ trợ của máy thở, độ bão hòa oxy trong máu trở lại hơn 90% và tình trạng bệnh đã tạm thời thuyên giảm.

Xử lý xong, tôi vội vàng đến gặp bệnh nhân mới vừa chuyển khoa. Khi bệnh nhân được chuyển, anh ấy đã mang máy thở không xâm lấn nhưng độ bão hòa oxy trong máu luôn ở mức khoảng 80%. Tôi ngay lập tức điều chỉnh các thông số của máy thở và hướng dẫn y tá điều chỉnh lại độ kín của mặt nạ thở cho bệnh nhân, nhằm giảm khả năng rò oxy.

Dường như phán đoán và biện pháp của tôi có hiệu quả, rất nhanh độ bão hòa oxy trong máu của bệnh nhân đã tăng lên hơn 90%. Không dễ để vào phòng cách ly một lần nữa nên tôi đã kiểm tra một vòng các bệnh nhân nặng khác [của mình] và các bệnh nhân nặng của ekip khác, cung cấp thông tin bệnh tình của các bệnh nhân cho đội ngũ nhân viên ở phòng làm việc bên ngoài, đỡ cho họ một lần phải đi vào.

Ca đêm của tối hôm trước nữa thậm chí còn nguy hiểm hơn khiến tôi một đêm mất ngủ. Tôi bắt đầu thay ca từ 20h tối, thì lại có những bệnh nhân nặng [xuất hiện] diễn biến xấu. Các y tá liên tục báo cáo tình hình của bệnh nhân tới các bác sĩ trực ban chúng tôi thông qua bộ đàm như nhịp tim nhanh, huyết áp không ổn định, giảm độ bão hòa oxy trong máu, máy thở liên tục báo động, người khó chịu bất an....

Đối mặt với những vấn đề này, ba bác sĩ trực của chúng tôi bình tĩnh đối phó, tập trung thảo luận rồi chia ra hành động, mỗi người chịu trách nhiệm xử lý các bệnh nhân tương ứng. Với những vấn đề thực sự không thể giải quyết, chúng tôi lập tức gọi điện báo cáo tổ chuyên gia và tiến hành công tác điều trị tiếp theo dưới sự hướng dẫn của họ.

Sau khi xử lý tình huống nguy kịch của bệnh nhân, tôi không ngừng nghỉ gọi cho gia đình bệnh nhân để thông báo về tình trạng hiện tại của họ và trưng cầu ý kiến ​​của gia đình về các biện pháp điều trị tiếp theo.

Trong thời gian rảnh rỗi, mọi người đều dành thời gian để điền vào các tài liệu y tế, hồ sơ cấp cứu, thẻ báo cáo tử vong, thẻ báo cáo trường hợp nhiễm bệnh v.v.... Chúng tôi bận liên tục đến 12h đêm.

Lúc này, văn phòng yêu cầu khử trùng bằng bức xạ tia cực tím trong 2 giờ, vì vậy mọi người đã đến phòng trực ban nghỉ ngơi. Bởi vì không thể cởi bỏ quần áo làm việc nên chỉ có thể mặc cả vậy mà ghé lưng xuống giường chút đỉnh. Tuy vậy, tôi vẫn cảm thấy thoải mái, hạnh phúc vỡ òa.

Trong lúc tôi còn đang mơ mơ màng màng, một y tá chạy đến và nói rằng có một bệnh nhân cần cấp cứu. Tôi đột nhiên hết cả buồn ngủ, bật dậy khỏi giường, chạy thẳng đến nơi. Qua bộ đàm, y tá trong khu cách ly cứ lặp đi lặp lại rằng độ bão hòa oxy trong máu của bệnh nhân giảm xuống, chỉ còn 60%! Tôi ngay lập tức hỏi các thông số của máy thở, và ra lệnh y ta điều chỉnh lại áp lực, nhưng độ bão hòa oxy trong máu của bệnh nhân vẫn không tăng. Áp lực máy thở là đủ, tại sao điều này xảy ra?

Tôi lập nhanh chóng thông qua bộ đàm, yêu cầu y tá mở video di động để cho tôi biết tình trạng của bệnh nhân. Trong video, bệnh nhân cúi đầu, cuộn tròn trên giường. Trạng thái này là điển hình của hiện tượng tắc nghẽn đường thở. Tôi ngay lập tức yêu cầu y tá tháo gối, để bệnh nhân nằm thẳng, điều chỉnh vị trí, giữ cho đường thở thông suốt và điều chỉnh mặt nạ thở để tránh rò rỉ oxy. Sau những điều chỉnh trên, độ bão hòa oxy trong máu của bệnh nhân sớm tăng lên hơn 90%.

Để có thể giữ liên lạc với các y tá trong khu cách ly, tôi đành cầm cả bộ đàm trở lại phòng trực ban. Nửa đêm sau đó, tôi luôn trong trạng thái căng thẳng. Tôi luôn có thể nghe thấy cuộc trao đổi về công việc giữa các y tá trong bộ đàm. Mỗi khi bộ đàm reo, tôi liền dựng tai và lắng nghe cẩn thận, xem có phải tìm bác sĩ trực ban hay không; xác định rõ không phải mới dám tiếp tục nghỉ ngơi. Nếu đúng, tôi sẽ ngồi bật dậy trả lời, giải đáp các vấn đề thực tế.

Tôi cứ như thế, nửa tỉnh nửa mê, bật dậy rồi lại nằm xuống, có vài lần thì về văn phòng mở máy tính, viết những điều cần lưu ý của bác sĩ. Cho đến 4h sáng tôi gặp y tá thay ca, tốp y tá trước lê thân thể mệt nhoài rời phòng bệnh, tốp y tá sau với tinh thần sung mãn bước vào phòng bệnh. Mọi người đều hỏi thăm, động viên nhau giống như một cuộc đua tiếp sức với "tử thần".

Kiên trì đến 8 giờ sáng, các bác sĩ ca sáng đến thay ca, các chuyên gia cũng đến kiểm tra phòng bệnh. Văn phòng chẳng mấy chốc mà náo nhiệt hẳn lên. Vài bác sĩ trực ban chúng tôi lần lượt bàn giao chi tiết tình hình điều trị các bệnh nhân nặng trong ca đêm. Các chuyên gia từng người đưa ra ý kiến ​rồi lên ý tưởng điều trị tiếp theo.

Sau khi hết ca, tôi cũng lết thân thể mệt nhoài của mình ra khỏi phòng bệnh, và cuối cùng tôi có thể yên tâm trở về "nhà" để ngủ.

Sau thời gian hợp tác và thích nghi môi trường này, các thành viên đến từ nhiều bệnh viện khác nhau đã làm quen với nhau, đặc biệt là các thành viên trong nhóm được phân công ở cùng một khu bệnh và một ekip, dần dần trở thành đồng đội thân thiết; các đồng nghiệp đến từ cùng một bệnh viện lại càng đoàn kết ấm áp hơn. Tại thời điểm này, giống như những người thân yêu, họ chăm sóc lẫn nhau, khích lệ lẫn nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Ở đây chúng tôi là một tập thể, cũng là một gia đình lớn!

Sự nhọc nhằn của bác sĩ ở Vũ Hán: Tôi cứ nửa tỉnh nửa mê, bật dậy rồi lại nằm xuống - Ảnh 4.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại