Nhật chế tạo vệ tinh radar cho Việt Nam: Nhiều kỳ vọng

Theo truyền thông Nhật Bản, Tokyo sẽ chế tạo và xuất khẩu sang Việt Nam vệ tinh radar có thể dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Điểm khác biệt

GS.TSKH Nguyễn Đức Cương, Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam cho biết, kế hoạch hợp tác nói trên giữa Nhật Bản và Việt Nam đã có cách đây mấy năm.

Theo đó, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã ký kết dự án hợp tác với Nhật Bản trị giá 54 tỷ Yên (khoảng 600 triệu USD) sử dụng nguồn vốn ODA của nước này nhằm xây dựng Trung tâm vũ trụ ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc, đồng thời phía Nhật Bản sẽ hợp tác với Việt Nam để chế tạo 2 vệ tinh radar LOTUSat-1 và LOTUSat-2.

Trung tâm Vệ tinh quốc gia được giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư.

"Việt Nam đang sử dụng vệ tinh quang học VNREDSat-1, tuy nhiên loại vệ tinh này chỉ quan sát được trong điều kiện ban ngày, thời tiết tốt, không có mây mù.

Trong khi đó, ở Việt Nam, quá nửa thời gian trong năm là mây mù che phủ, từ trên vệ tinh nhìn xuống Biển Đông và đất liền chỉ thấy mây.

Chính vì thế, với mục đích để quan sát tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai, bão lụt, giám sát hàng hải trên Biển Đông.., hiện tại vệ tinh quang học còn thiếu sót rất nhiều. Việc trang bị loại vệ tinh radar rất cần thiết, đáp ứng nhu cầu quan sát của Việt Nam cả những lúc bị mây mù che phủ.

Mặt khác, vệ tinh quang học không quan sát được vào ban đêm. Dĩ nhiên, nếu có dải hồng ngoại xa (tương ứng với dải nhiệt độ thường) thì có thể làm được việc này nhưng hiện tại Việt Nam chưa trang bị. Vệ tinh radar Nhật Bản chế tạo cho Việt Nam sẽ thay đổi điều này khi sử dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới.

Cũng nhờ công nghệ cao nên vệ tinh radar chế tạo cho Việt Nam lần này chỉ có trọng lượng chừng 550kg, nhẹ hơn nhiều so với loại vệ tinh radar thông thường phải nặng hơn nhiều", GS.TSKH Nguyễn Đức Cương chỉ rõ.

Cũng theo Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam, trước Nhật Bản, đã có nhiều nước hợp tác với Việt Nam trong ngành công nghệ vũ trụ thông qua việc bán vệ tinh hay xây dựng các trạm thu tín hiệu vệ tinh tại Việt Nam như Mỹ, Pháp, Ấn Độ ...

Việc hợp tác này xuất phát từ hai phía: Việt Nam có nhu cầu và các nước có công nghệ.

Ở đây chủ yếu là vấn đề kinh tế, Việt Nam ký hợp đồng với các nước thì họ bán được hàng và chúng ta có nhiều lựa chọn, ai bán rẻ hơn và đáng tin cậy hơn thì mua.

"Thông qua hợp tác với các nước về công nghệ vũ trụ, Việt Nam học hỏi được nhiều, nhưng từ chỗ học hỏi đến chỗ làm được còn rất xa.

Đối với việc hợp tác với Nhật Bản lần này, tôi được biết, bên cạnh việc nghiên cứu, chế tạo vệ tinh radar cho Việt Nam, Nhật Bản còn cho phép hàng chục kỹ sư của Trung tâm Vệ tinh quốc gia sang học tập lắp ráp, thử nghiệm vệ tinh, tiến tới khả năng làm chủ công nghệ.

Đây là điều rất quý bởi thông thường các nước chỉ bán sản phẩm cho Việt Nam chứ không bán công nghệ", GS Cương cho biết.

Công nghệ vũ trụ Việt Nam đang ở mức nào?

Để đánh giá công nghệ vũ trụ Việt Nam, theo Chủ tịch Hội Hàng không-Vũ trụ Việt Nam, phải nhìn nhận ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Theo đó, nếu xét về năng lực phóng vệ tinh, hiện tại Việt Nam chưa có khả năng này.

"Năm 1956, Liên Xô phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên (Sputnik 1) lên quỹ đạo. Để Việt Nam đạt được trình độ của Liên Xô vào năm 1956 cũng còn rất lâu, nói cách khác, Việt Nam lạc hậu so với thế giới khoảng 50-60 năm vì đến nay Việt Nam vẫn chưa phóng được vệ tinh.

Về công nghệ chế tạo vệ tinh, hiện trên thế giới không nhiều nước làm được. Ở Đông Nam Á, Malaysia (2000), Singapore (2011) và Indonesia (2016) cũng đã chế tạo được vệ tinh. Việt Nam cũng như nhiều nước khác đã bắt đầu có vệ tinh thuộc sở hữu của mình.

Việt Nam đã mua vệ tinh viễn thông VINASAT-1, VINASAT-2 của hãng Lockheed Martin (Mỹ); mua vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat-1 của Pháp và có cả cán bộ tham gia giám sát quá trình chế tạo, thử nghiệm; mua vệ tinh VNREDSat- B1 của Bỉ…

Riêng với vệ tinh radar hợp tác với Nhật Bản lần này, mức độ hợp tác cao hơn cả: Nhật Bản cho phép kỹ sư Việt Nam tham gia vào quá trình chế tạo, hướng dẫn, thậm chí một phần quan trọng của vệ tinh thứ hai sẽ được chế tạo và thử nghiệm ở Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Lưu ý rằng chi phí chuyển giao công nghệ đắt hơn rất nhiều so với việc mua vệ tinh".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại