Con người đã đặt chân tới Mặt Trăng và khám phá gần như mọi ngóc ngách trên hành tinh, nhưng có một nơi trên Trái Đất chúng ta vẫn chưa chinh phục được, đó là "miền đất hứa" bên dưới lớp vỏ Trái Đất.
Các chuyên gia tại Cơ quan khoa học và công nghệ Đại dương – Trái Đất của Nhật Bản (JAMSTEC) cho biết, họ hy vọng sẽ khám phá thêm về cách Trái Đất của chúng ta hình thành và cấu tạo bên trong của lớp vỏ.
Theo dự kiến, dự án này sẽ khoan xuyên vỏ Trái Đất để chạm đến lớp phủ ở độ sâu 6 km bên dưới đáy biển. Dự kiến, dự án khoan bắt đầu muộn nhất vào năm 2030.
Truyền thông Nhật Bản lần đầu tiên đưa tin về dự án "khủng" trong đầu tuần qua. Lớp phủ (mantle) chiếm hơn 80% của toàn bộ cấu tạo Trái Đất, nằm sâu dưới đáy biển khoảng 10km.
Natsue Abe, nhà nghiên cứu tại JAMSTEC chia sẻ: "Chúng tôi chưa biết chính xác thành phần lớp phủ của Trái Đất. Chúng tôi chỉ nhìn thấy một số vật liệu của lớp phủ này – những viên đá rất đẹp, loại đá có màu xanh hơi vàng".
Bốn mục tiêu "không tưởng"
Dự án khoan lớp vỏ Trái Đất của Nhật Bản có bốn mục tiêu chính. Mục tiêu đầu tiên là để tiếp cận vào lớp vỏ Trái Đất bằng cách khoan qua biển.
Mục tiêu thứ hai là muốn điều tra ranh giới giữa lớp vỏ Trái Đất và lớp phủ nóng chảy. Ngoài ra, tham vọng muốn biết được lớp vỏ Trái Đất hình thành như thế nào là mục tiêu thứ ba của dự án này.
Mục tiêu cuối cùng là để tìm hiểu sâu hơn về sự tồn tại của vi khuẩn sống bên trong hành tinh này.
Chính phủ Nhật Bản, tài trợ cho dự án này, hy vọng nghiên cứu sẽ giúp tìm ra cách hữu hiệu để dự đoán các trận động đất.
Con tàu Chikyu sẽ thực hiện nhiệm vụ khoan vỏ Trái Đất của các chuyên gia Nhật Bản. Ảnh: Getty
Nhà nghiên cứu Abe cho biết thêm: "Ở Nhật Bản, chúng tôi có các núi lửa, động đất và các thảm họa tự nhiên. Người dân muốn có các thiết bị giám sát và phân tích nhưng chúng tôi không biết nên sử dụng yếu tố gì.
Vì vậy chúng tôi cần phải biết về hệ thống tự nhiên... rõ ràng hơn... Chúng tôi phải quan sát Trái Đất một cách chính xác hơn".
Hiện tại, nhóm nghiên cứu đang xem xét 3 điểm khoan, tất cả đều nằm ở Thái Bình Dương. Đó là ở ngoài khơi Hawaii, Costa Rica và cuối cùng là ở Mexico.
Để chạm đến lớp phủ Trái Đất, JAMSTEC muốn sử dụng một trong những tàu khoan tiên tiến nhất hiện nay là tàu Chikyu, có khả năng khoan gấp 3 lần các tàu trước đây.
Bà Abe cho biết, nhóm chuyên gia đã từng khoan và lấy mẫu từ đáy biển nhưng chỉ ở trên bề mặt.
Khám phá lớp phủ (Mantle) nóng chảy là mục tiêu của dự án khoan xuyên vỏ Trái Đất. Ảnh: NASA
Bà Abe và nhóm chuyên gia tin tưởng dự án sẽ khả thi và diễn ra thuận lợi.
Bà Abe cho biết: "Nếu chúng ta khoan sâu vào lớp phủ, chúng ta sẽ biết toàn bộ lịch sử của Trái đất. Đó là động lực của chúng tôi trong dự án này".
Nguồn: CNN, RT