Nhật Bản tham gia cuộc đua vũ trang hạt nhân: Ảo tưởng hay thực tiễn?

Hồng Anh |

Nhiều ý kiến đề xuất Nhật Bản nên dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí hạt nhân và xây dựng một quân đội thực sự lớn mạnh để đối phó với thách thức về an ninh.

Chính phủ Nhật Bản đang tăng cường năng lực phòng thủ, nới lỏng nhiều rào cản được đặt ra sau chiến tranh trong bối cảnh nước này đang đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, rơi vào vòng xoáy căng thẳng với Hàn Quốc và có một đối tác khó đoán tại Washington.

Nhiều ý kiến đề xuất Nhật Bản nên dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí hạt nhân song song với xây dựng một quân đội thực sự lớn mạnh. Ý tưởng này dù khá xa vời thực tế, nhưng có một điều không thể phủ nhận là Nhật Bản ngày càng đơn độc trong môi trường an ninh có nhiều biến động tại Châu Á.

Thách thức an ninh đối với Nhật Bản

Kể từ thời kỳ đầu kỷ nguyên hạt nhân, Nhật Bản đã được sự che chở từ chiếc ô hạt nhân của Mỹ - một yếu tố quan trọng trong quan hệ liên minh quốc phòng mà cả các quan chức Nhật Bản và Mỹ đều coi là mạnh nhất trên thế giới.

Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật ký kết từ năm 1951 yêu cầu Mỹ đảm bảo an ninh cho nước đồng minh đã từ bỏ sử dụng vũ lực theo Hiến pháp hòa bình được đưa ra sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đổi lại Nhật Bản cho phép Mỹ đặt các căn cứ quân sự mở rộng tại nước này, giúp Mỹ gia tăng ảnh hưởng tại khi vực Đông Á.

Đây là mối quan hệ liên minh vững mạnh, không thể tách rời. Nhưng đó là thời điểm trước khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền. Nhà lãnh đạo Mỹ hiện nay sẵn sàng đặt mọi thứ lên bàn cân, với quan điểm về Nhật Bản tương tự như ở thập niên 1980.

Những lời chỉ trích của Tổng thống Donald Trump đối với Nhật Bản, từ chi phí duy trì căn cứ quân sự đến thâm hụt thương mại Mỹ-Nhật đã khiến giới chức Nhật Bản lo ngại rằng Mỹ có thể thực hiện những hành động bất ngờ, chưa từng có trong các chính phủ tiền nhiệm, chẳng hạn như đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên khiến Nhật Bản dễ bị tổn thương.

Mối quan hệ cá nhân giữa lãnh đạo Kim Jong-un và Tổng thống Trump ngày càng được củng cố, thể hiện qua tuyên bố của Triều Tiên trước Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều dự kiến diễn ra vào tháng 2/2019.

Thứ Năm tuần trước, hãng thông tấn KCNA của Triều Tiên cho biết: “Nhà lãnh đạo Kim Jong-un nói Triều Tiên tin tưởng suy nghĩ tích cực của Tổng thống Trump, chờ đợi bằng sự kiên nhẫn và thiện chí, cùng với Mỹ, từng bước tiến tới mục tiêu mà hai bên nhất trí”.

Vấn đề đặt ra là điều này ảnh hưởng như thế nào đối với an ninh Nhật Bản? Phát biểu với hãng tin Fox News tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói: “Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp tục cam đoan với Tổng thống Mỹ rằng ông sẽ thực hiện biện pháp phi hạt nhân hóa”, nhưng cam kết từ một phía không thực sự mang đến sự tin tưởng.

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích Nhật Bản, ngay cả khi ông vẫn dành sự ưu ái cho Thủ tướng Shinzo Abe. Nhưng ông thậm chí còn dành những lời lẽ tốt đẹp hơn cho lãnh đạo Kim Jong-un. Thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 vẫn chưa có những cam kết thực tiễn nhưng khi trở về Washington, ông vẫn tuyên bố rằng nước Mỹ giờ đây “đã an toàn”.

Nhiều chuyên gia cho rằng, cam kết của Mỹ và Triều Tiên về phi hạt nhân hóa giống như “sắc đẹp nằm trong con mắt của những kẻ si tình”, nghĩa là được hiểu khác nhau với từng đối tượng khác nhau.

Đối với ông Kim Jong-un, điều này đồng nghĩa với việc Mỹ từ bỏ quan hệ liên minh chiến lược với Hàn Quốc. Bởi Hàn Quốc là một cột trụ trong liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn, nên điều tương tự cũng dễ xảy ra với Nhật Bản.

Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã theo đuổi chính sách ôn hòa với Triều Tiên, điển hình là việc tổ chức liên tiếp các Hội nghị Thượng đỉnh Hàn-Triều. Thêm vào đó, ông Moon Jae-in cho biết Hàn Quốc sẽ cung cấp viện trợ tài chính và kinh tế cho Triều Tiên ngay khi Mỹ dỡ bỏ biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.

Việc giảm nhẹ căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên được coi là tin tốt lành nhưng nó cũng đặt ra những thách thức đối với Nhật Bản. Trong khi quan hệ liên Triều đang từng bước được cải thiện, thì quan hệ Nhật-Triều và Nhật-Hàn lại đang có chiều hướng xấu đi.

Căng thẳng bùng phát từ ngày 20/12/2018, sau cuộc “chạm trán” giữa máy bay tuần tra, thu thập thông tin của Nhật Bản và tàu khu trục của Hàn Quốc mà phía Hàn Quốc cho biết đang thực hiện sứ mệnh nhân đạo.

Còn nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong tháng này cũng cảnh báo rằng, đáp trả việc Nhật Bản gây sức ép với Triều Tiên về vấn đề công dân bị bắt cóc, Triều Tiên sẽ đệ đơn kiện Nhật Bản về vấn đề cưỡng bức lao động thời chiến.

Thống nhất Bán đảo Triều Tiên từ lâu đã là mong ước của cả Hàn Quốc lẫn Triều Tiên. Ông Narushige Michishita, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện Nghiên cứu chính sách quốc gia tại Tokyo cho rằng:

“Trong trường hợp Hàn – Triều thống nhất, Nhật Bản sẽ là quốc gia duy nhất trong khu vực không có vũ khí hạt nhân. Khi đó, Nhật Bản có thể buộc phải phát triển vũ khí hạt nhân –tốn kém rất nhiều tiền của và tài nguyên quý giá khác”.

Quan điểm này cũng trùng hợp với quan điểm của những nhân vật cứng rắn tại Quốc hội Nhật Bản- những người luôn cho rằng Nhật Bản nên chỉnh sửa hiến pháp hòa bình và bắt tay xây dựng một lực lượng quân đội lớn mạnh.

Một câu hỏi khác đối với Nhật Bản là liệu sự đảm bảo an ninh của Mỹ đối với quốc gia này có kéo dài và vững chắc? Câu hỏi này liên quan đến cái gọi là học thuyết “de Gaulle”, được đặt theo tên của Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, trong đó ông nhấn mạnh liệu Mỹ có mạo hiểm tiến hành một cuộc tấn công để bảo vệ đồng minh Châu Âu hay không.

Hiện tại, nếu Mỹ bỏ rơi Nhật Bản thì nước này sẽ phải đối mặt với sự phản đối gay gắt ở cả hai bên bờ Thái Bình Dương. Theo nhận định của một chuyên gia an ninh tại Tokyo, nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc hoặc Nhật Bản thì chẳng khác nào Washington chính thức tuyên bố rằng: Trung Quốc, chúng tôi không quan tâm đến Châu Á. Hãy vui lòng nhận lấy món quà này.

Sở hữu vũ khí hạt nhân khó hay dễ?

Từ góc độ kỹ thuật, các chuyên gia đều cho rằng việc phát triển vũ khí hạt nhân đối với Nhật Bản là điều khá dễ dàng, chỉ mất từ 6 tháng đến vài năm. Bởi nước này có hơn 47 tấn plutonium từ các nhà máy điện hạt nhân, đủ để sản xuất 6.000 đầu đạn hạt nhân và những tên lửa sử dụng cho các chương trình dân sự có thể được nâng cấp cho mục đích quân sự. Tuy nhiên, để phát triển hoàn thiện kho vũ khí hạt nhân sẽ phức tạp và tốn kém hơn nhiều.

Là quốc gia từng chứng kiến sự hủy diệt của vũ khí hạt nhân, Nhật Bản từ lâu đã xây dựng chính sách phi hạt nhân dựa trên 3 nguyên tắc: không sản xuất, không sở hữu và không giới thiệu vũ khí hạt nhân. Nhật Bản cũng là nước đi đầu tại Liên Hợp Quốc thúc đẩy Hiệp ước Cấm phổ biến vũ khí hạt nhân.

Các chuyên gia quốc phòng tại Nhật Bản đều cho rằng, nếu Nhật Bản quyết định theo đuổi vũ khí hạt nhân thì nước này sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề về chính trị và địa chính trị, mà trước tiên là dư luận trong nước.

Ông Corey Wallace, chuyên gia nghiên cứu an ninh Châu Á-Thái Bình Dương cho biết: “Dù có sự gia tăng tỉ lệ ủng hộ đối với lực lượng phòng thủ nhưng không có dấu hiệu cho thấy công chúng ủng hộ việc phát triển vũ khí hạt nhân tại Nhật Bản và con số ủng hộ luôn ở mức thấp nhất.

Ngoài ra, Trung Quốc – quốc gia láng giềng của Nhật Bản chắc chắn sẽ phản đối gay gắt và điều này sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng với mối quan hệ đang được cải thiện trong thời gian gần đây. Thủ tướng Shinzo Abe đã thúc đẩy tăng chi tiêu quốc phòng hơn 10% kể từ khi ông lên nắm quyền vào năm 2012.

Trong năm tài chính mới, bắt đầu từ tháng 4/2019 chi tiêu quốc phòng sẽ tăng lên mức kỷ lục 48 tỷ USD. Chính sách này của ông Abe vấp phải rất ít sự phản đối, mặc dù mức thâm hụt ngân sách đã khiến nợ công của Nhật Bản lên mức 225% GDP.

Ông Wallace cho rằng, sự thay đổi chiều hướng dư luận sẽ diễn ra chỉ khi có sự thay đổi cơ bản nhận thức về an ninh Nhật Bản, chẳng hạn như mối đe dọa trực tiếp từ Triều Tiên. “Người dân Nhật Bản luôn hoài nghi về lợi ích của việc sử dụng vũ khí hạt nhân, những sự hoài nghi này không phải là phi thực tế”./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại