Tờ báo Nhật Bản Yomiuri Shimbun ngày 18/7 đưa tin, Không quân Nhật Bản (ASDF) sẽ đề nghị phân bổ hàng trăm triệu Yên ngay trong năm tài khóa 2018 để sản xuất hàng loạt tên lửa siêu âm mới.
Đây là loại tên lửa không đối hạm siêu âm đầu tiên được sản xuất trong nước và sẽ được thiết kế với những tính năng rất khó đánh chặn.
Mục đích của việc sản xuất hàng loạt tên lửa mới là nhằm “kiểm soát” Hải quân Trung Quốc, Yomiuri Shimbun cho biết.
Cả hai loại tên lửa không đối hạm được Nhật Bản chế tạo trong nước, Type 80 và Type 93, đều có thể đạt vận tốc cận âm. Nhưng loại tên lửa mới sẽ có tốc độ bay nhanh hơn, khoảng Mach 3, nhanh hơn Tye 93 gấp 3 lần và tương đương với các tên lửa nước ngoài tiên tiến nhất cùng chủng loại.
Loại tên lửa không đối hạm này sẽ rút ngắn thời gian tiêu diệt mục tiêu xuống đáng kể, có thể bay ở tầm thấp là là mặt nước nên dễ dàng tránh radar phát hiện.
Những ưu điểm nổi bật này khiến loại tên lửa mới khó bị tàu đối phương đánh chặn. Hơn nữa, tên lửa cũng sẽ có tầm bay xa hơn Type 93 – loại có tầm bắn dưới 200 km.
Bộ quốc phòng Nhật Bản sẽ sử dụng một tàu khu trục cũ làm mục tiêu để bắn thử nghiệm tên lửa mới. Nếu đạt độ chính xác cao, nó sẽ từng bước được trang bị cho các máy bay tiêm kích F-2 đang biên chế cho các đơn vị đóng quân ở phía Tây Nhật Bản.
Chiến đấu cơ F-2 do Nhật Bản và Mỹ cùng phối hợp phát triển, được biết đến với khả năng chống hạm chính xác cao đã được biên chế từ năm 2000 cho khoảng 90 đơn vị.
Theo kế hoạch, F-2 được sử dụng như loại máy bay chiến đấu chính của ASDF đến tận những năm 2030. Nếu được trang bị tên lửa mới, khả năng tấn công dự kiến sẽ được tăng cường đáng kể.
Bộ quốc phòng Nhật Bản đang đẩy mạnh các nỗ lực cải tiến chất lượng tác chiến của các thiết bị quốc phòng nhằm đối phó với Trung Quốc, nước trong thời gian gần đây ngày càng gia tăng các hoạt động phô trương sức mạnh hải quân.
Tháng 9/2012, Trung Quốc cho hạ thủy Liêu Ninh - tàu sân bay cải tiến từ một tàu sân bay cũ mua lại của Nga và tháng 4 vừa qua lại vừa hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên.
Trung Quốc được cho là đang phát triển các hệ thống vũ khí để bảo vệ các tàu sân bay trước sự tấn công của tên lửa đối hạm và nhiều dạng tấn công khác.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang xem xét trang bị cho F-35 tên lửa Joint Strike Missile, một loại tên lửa không đối đất và không đối hạm tiên tiến, chủ yếu đang được Na Uy phát triển. Theo kế hoạch, F-35 sẽ được biên chế cho ASDF từ cuối năm tài chính 2017.