Nhật Bản: Cuộc sống trở lại bình thường quá nhanh, dịch bệnh tái bùng phát khắp nơi khi số ca nhiễm nCoV tăng kỷ lục trong nhiều ngày

Lục Lam |

Sau thành quả ban đầu, Nhật Bản đang phải đối mặt với "bài kiểm tra áp lực" tiếp theo về dịch Covid-19. Theo đó, các chuyên gia cho rằng Nhật Bản đã quá vội vàng.

Quốc gia này đã nhận được nhiều sự chú ý trên toàn thế giới sau khi kiểm soát làn sóng bùng phát đầu tiên với "Mô hình Nhật Bản" (Japan Model) – hạn chế xét nghiệm và không phong toả hay yêu cầu dừng hoạt động kinh doanh. Bộ trưởng Tài chính của Nhật Bản thậm chí còn đề xuất một "tiêu chuẩn văn hoá" cao hơn nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Tuy nhiên, giờ đây, quốc gia này đang đối mặt với tình trạng tái bùng phát mạnh mẽ của dịch Covid-19 khi số ca nhiễm liên tiếp đạt kỷ lục trong nhiều ngày. Những ca nhiễm đầu tiên tập trung ở khu vực thủ đô và sau đó lan sang những khu đô thị khác. Hơn nữa, những khu vực không ghi nhận trường hợp nào trong nhiều tháng lại trở thành "điểm nóng". Và nhân khẩu học bệnh nhân – người trẻ thường có ít nguy cơ bị bệnh nặng hơn, đang dần mở rộng sang đối tượng người cao tuổi.

Các chuyên gia cho biết sự tập trung của Nhật Bản đối với nền kinh tế có thể đã không hiệu quả. Như những quốc gia châu Á khác đang gặp khó khăn với đợt bùng dịch mới, Nhật Bản cũng có nguy cơ trở thành dấu hiệu cảnh báo cho những gì xảy ra khi một quốc gia quá nôn nóng bình thường hoá và không điều chỉnh chiến lược khi tình hình dịch bệnh thay đổi.

Nhật Bản: Cuộc sống trở lại bình thường quá nhanh, dịch bệnh tái bùng phát khắp nơi khi số ca nhiễm nCoV tăng kỷ lục trong nhiều ngày - Ảnh 1.

Số ca nhiễm nCoV tại các thành phố ở Nhật Bản tính đến ngày 30/7.

Dù tuyên bố tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh đầu tiên, nhưng Nhật Bản lại không yêu cầu người dân ở trong nhà hoặc các doanh nghiệp phải đóng cửa. Tình trạng này đã kết thúc vào cuối tháng 5 và giới chức nhanh chóng nỗ lực mở cửa, đưa nền kinh tế trở lại bình thường. Đến tháng 6, các nhà hàng, quán bar đã mở cửa hoàn toàn và các sự kiện như bóng chày, đấu sumo cũng hoạt động trở lại. Đây là sự tương phản với những nơi như Singapore – chỉ mở cửa lại một cách thận trọng.

Theo đó, các chuyên gia cho rằng Nhật Bản đã quá vội vàng.

Yoshihito Niki– giáo sư về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y khoa Showa cho biết: "Đây là kết quả của việc chính phủ ưu tiên các hoạt động kinh tế khi cho phép người dân sinh hoạt bình thường trở lại." Trong khi đó, một nhóm chuyên gia – được khen ngợi vì đã chỉ đạo thành công trong đợt dịch đầu tiên, lại bị giải tán vì lý do phức tạp về chính trị.

Các quốc gia và khu vực trên khắp châu Á – Thái Bình Dương cũng đang trải qua làn sóng dịch bệnh thứ hai, ví dụ như Hồng Kông, Việt Nam và Australia, sau khi ghi nhận những thành quả cho việc ngăn chặn làn sóng đầu tiên. Họ đang cho thấy một "bức hình" của tương lai đối với những nơi vừa hồi phục sau làn sóng đầu tiên hoặc tiếp tục tiếp tục chiến đấu như Mỹ.

Theo các chuyên gia, có một số yếu tố góp phần khiến dịch bệnh tái bùng phát ở Nhật Bản, trong đó có tình trạng khẩn cấp có thể đã được dỡ bỏ quá sớm, trước khi sự lây lan dần chậm lại. Điều này cũng dẫn đến một kế hoạch "mập mờ", khiến các quan chức chậm chạp trong việc đưa ra những biện pháp kiểm soát các ca nhiễm mới ở những quán bar hồi cuối tháng 6. Khi số trường hợp nhiễm mới tăng lên, giới chức tiếp tục chủ quan với những mối nguy hiểm và nhấn mạnh rằng chỉ có những những quán bar mới là điểm nóng.

Kenji Shibuya– giáo sư tại King’s College London và cựu giám đốc chính sách y tế của WTO, nhận định: "Chính phủ Nhật Bản nên có chiến lược đúng đắn đến ngăn chặn sự lây lan càng nhanh càng tốt. Cả Hồng Kông và Australia đều hành động rất nhanh chóng, khi mở rộng phạm vi xét nghiệm và giãn cách xã hội bao gồm cả phong toả. Nhật Bản khiến mọi thứ tồi tệ hơn khi chỉ đứng nhìn và chờ đợi."

Nhật Bản: Cuộc sống trở lại bình thường quá nhanh, dịch bệnh tái bùng phát khắp nơi khi số ca nhiễm nCoV tăng kỷ lục trong nhiều ngày - Ảnh 2.

Số ca nhiễm hàng ngày ở Nhật Bản đã chạm mức kỷ lục trong 3 ngày liên tiếp (tính đến ngày 31/7).

Dù Nhật Bản hiểu sớm hơn nhiều các quốc gia phương Tây rằng virus có khả năng lây qua các giọt bắn trong không khí và cảnh báo người dân tránh nơi đông người, nhưng vẫn không đủ để thay đổi hành vi cá nhân khi lệnh hạn chế được dỡ bỏ. Trong khi người dân nước này vẫn đeo khẩu trang trong suốt đại dịch, thì số ca nhiễm mới hiện nay phần lớn là ở những người không thường xuyên đeo, đặc biệt khi tham gia những sự kiện ăn uống theo nhóm.

Không như New Zealand, Nhật Bản chưa từng nói về việc loại bỏ mầm bệnh. Các chuyên gia đã nỗ lực khuyến khích về một lối sống mới và nói về một thời điểm con người sẽ sống chung với Covid-19. Tuy nhiên, những thông điệp từ chính quyền trung ương và khu vực vẫn rất hỗn loạn. Giới chức Tokyo cảnh báo người dân hạn chế du lịch, trong khi chính phủ quốc gia lại khuyến khích việc này. Hai bên hiện đang tranh cãi về việc lỗi sẽ thuộc về ai.

Trong một dấu hiệu cho thấy tình hình hiện tại không thể còn bị chủ quan, giới chức địa phương đã bắt đầu giảm tốc độ mở cửa lại nền kinh tế. Osaka đã yêu cầu người dân hạn chế hoạt động ăn uống với nhóm từ 5 người trở lên. Tại Tokyo, các nhà hàng, quán bar và karaoke được yêu cầu rút ngắn thời gian hoạt động. Thống đốc Yuriko Koike cũng cảnh báo sẽ tuyên bố tình trạng khẩn cấp đối với thành phố này.

Haruka Sakamoto – nhà nghiên cứu y tế công cộng tại Đại học Tokyo, nhận định: "Chính phủ trung ương đã không đưa ra chỉ dẫn và chiến lược rõ ràng về những gì cần làm. Họ đang đẩy trách nhiệm lên địa phương. Ở thời điểm bình thường, chính phủ lại cực kỳ tập trung trong việc đó và những địa phương lại không có quan điểm mạnh mẽ."

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng những biện pháp này vẫn là chưa đủ. Haruo Ozaki – đứng đầu Hiệp hội Y khoa Tokyo, hôm thứ Năm đã kêu gọi chính phủ sửa đổi luật để có thể yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa một cách hợp pháp. Ông nói: "Đây là cơ hội cuối cùng để chúng ta giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại