Nhật Bản có bước đi mới trong lĩnh vực quốc phòng, Trung Quốc lo ngại

Thùy Dung |

Văn phòng Nội các Nhật Bản đã thông qua kế hoạch bán các chiến đấu cơ thế hệ kế tiếp hiện đang phát triển cùng Anh, Italy cho các nước khác.

Nhật Bản phê duyệt kế hoạch xuất khẩu vũ khí sát thương

Văn phòng Nội các Nhật Bản hôm 26/3 đã thông qua kế hoạch bán các chiến đấu cơ thế hệ kế tiếp mà nước này đang phát triển cùng Anh, Italy. Đây là động thái mới nhất cho thấy Nhật Bản đang có động thái rời xa các nguyên tắc hòa bình thời hậu chiến.

Quyết định cho phép buôn bán vũ khí quốc tế dự kiến sẽ có thể giúp đảm bảo vai trò của Nhật Bản trong dự án chung về chiến đấu cơ. Đây là một phần trong động thái xây dựng ngành công nghiệp vũ khí Nhật Bản, cũng như củng cố vai trò của nước này trong an ninh toàn cầu.

Văn phòng Nội các Nhật Bản cũng tán thành việc sửa đổi các hướng dẫn chuyển giao công nghệ và thiết bị quân sự của Nhật Bản để tạo điều kiện bán các loại vũ khí sát thương mà nước này đồng sản xuất cho các quốc gia khác ngoài những đối tác quen thuộc của mình.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi cho rằng những thay đổi này là cần thiết dựa trên bối cảnh an ninh của Nhật Bản nhưng nhấn mạnh rằng các nguyên tắc hòa bình của Nhật Bản phải được duy trì.

"Để có được một chiếc máy bay chiến đấu đáp ứng được hiệu suất cần thiết và không gây nguy hiểm cho quốc phòng Nhật Bản, cần phải chuyển giao các thành phẩm từ Nhật Bản sang các quốc gia khác ngoài các nước đối tác", ông Hayashi nói và nhấn mạnh rằng, Tokyo sẽ tuân theo quy trình phê duyệt nghiêm ngặt trong quá trình buôn bán.

Nhật Bản có bước đi mới trong lĩnh vực quốc phòng, Trung Quốc lo ngại- Ảnh 1.

Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi. Ảnh: Kyodo News

Lâu nay Nhật Bản vốn hạn chế xuất khẩu vũ khí hạng nặng theo hiến pháp hòa bình của nước này, nhưng hiện nay đã nhanh chóng thực hiện các bước nhằm sửa đổi quy định trong bối cảnh căng thẳng khu vực và toàn cầu gia tăng.

Nhật Bản đang hợp tác cùng Anh và Italy để phát triển một chiến đấu cơ tiên tiến nhằm thay thế các máy bay chiến đấu F-2 đã lỗi thời, cùng các tiêm kích Eurofighter Typhoons được quân đội Anh và Italy sử dụng.

Nhật Bản hy vọng chiến đấu cơ mới sẽ mang lại những năng lực vượt trội mà nước này cần trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực, giúp nước này có được lợi thế về công nghệ trước các đối thủ trong khu vực như Trung Quốc và Nga. 

Sau Thế chiến thứ hai, Nhật Bản đã áp dụng hiến pháp nhằm giới hạn lực lượng quốc phòng của mình trong phạm vi tự vệ. Nước này từ lâu đã duy trì chính sách nghiêm ngặt nhằm hạn chế chuyển giao thiết bị và công nghệ quân sự cũng như cấm xuất khẩu mọi loại vũ khí sát thương.

Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ không bán các loại vũ khí sát thương mà nước này đồng sản xuất để sử dụng trong các xung đột đang diễn ra. Tokyo cũng đảm bảo rằng hướng dẫn sửa đổi hiện tại sẽ chỉ áp dụng cho loại chiến đấu cơ nêu trên và cần được Văn phòng Nội các Nhật Bản thông qua. 

Khách hàng tiềm năng cũng sẽ được giới hạn ở 15 quốc gia mà Nhật Bản đã ký các thỏa thuận hợp tác quốc phòng và chuyển giao thiết bị.

Trung Quốc lo ngại

Trung Quốc đã bày tỏ lo ngại sau khi Chính phủ Nhật Bản có những bước đi nhằm tiến tới việc xuất khẩu các tiêm kích tiên tiến mà họ đang phát triển cùng với 2 thành viên NATO - Anh và Italy. 

"Các động thái này gây ra những lo ngại nghiêm trọng cho các nước láng giềng của Nhật Bản và cộng đồng quốc tế", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nói, đồng thời cho biết, Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản nghiêm túc tôn trọng các mối lo ngại an ninh từ phía láng giềng. 

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có nước láng giềng nào của Nhật Bản ngoài Trung Quốc lên tiếng về vấn đề này. Tuy nhiên, Đại sứ Rahm Emanuel, người đứng đầu phái đoàn của Mỹ tại Tokyo, chia sẻ trên X rằng: "Chính sách xuất khẩu quốc phòng mới được cập nhật của Chính phủ Nhật Bản là một bước tiến lịch sử cho Liên minh Mỹ - Nhật".

"Nhật Bản giờ đây đã có thể xuất khẩu công nghệ quốc phòng đồng phát triển, được lắp ráp hoàn chỉnh. Điều này đồng nghĩa với một trạng thái mạnh mẽ hơn, an toàn hơn và ổn định hơn ở khu vực và thế giới", ông Emanuel đăng trên X, mô tả Nhật Bản là "đồng minh thân cận nhất" của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại