Nhật Bản bắt đầu xuất khẩu vũ khí, nhưng những nước nào là khách hàng tiềm năng?

Anh Minh |

Vào tháng 8, Nhật Bản đã ký một thỏa thuận liên chính phủ để xuất khẩu các radar giám sát hàng không tiên tiến cho Philippines.

Hợp đồng trị giá 103,5 triệu đô la này được coi là hợp đồng xuất khẩu sản phẩm quốc phòng hoàn chỉnh đầu tiên của Nhật Bản thời hiện đại — và tròn sáu năm sau khi chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ các hạn chế bán vũ khí ra nước ngoài.

Trước đó, kể từ năm 1967, Nhật Bản chỉ xuất khẩu các bộ phận vũ khí, chẳng hạn như con quay hồi chuyển dùng trong tên lửa Patriot.

Các radar được cho là ba hệ thống quét điện tử chủ động J / FPS-3ME cố định (AESA) và một hệ thống J / TPS-P14ME di động. Cả hai đều được tối ưu hóa để giám sát trên không từ độ cao trung bình đến cao và được chế tạo bởi Tập đoàn Mitsubishi Electric (MELCO).

AESA là tiêu chuẩn vàng cho các hệ thống radar quân sự do khả năng kháng nhiễu, và J / FPS-3 bao gồm cả một hệ thống giám sát L-Band với tầm quan sát tối đa 600km, và một radar S-Band chính xác hơn, quét xa 130km. Trong khi đó, J / TPS-P14 dựa trên một radar mảng pha S-Band với phạm vi giám sát là gần 400km.

Thương vụ này tiếp nối với việc Philippines mua ba radar phòng không / giám sát xung doppler cố định ELM-2288ER của Israel trước đó hiện được đặt tại các căn cứ không quân Parades, Gozart và Mount Salakot.

Theo Forbes, Manila sẽ đặc biệt sử dụng các radar để giám sát hoạt động quân sự của Trung Quốc trên Biển Đông, ở một số nơi mà Philippines có tuyên bố chủ quyền, bao gồm cả việc Trung Quốc triển khai máy bay phản lực ném bom tầm xa H-6 và tiêm kích J-11D tiên tiến.

Khả năng radar được tăng cường của Philippines cũng đồng thời thúc đẩy chính sách đối ngoại của Nhật Bản trong việc chống lại các tuyên bố chủ quyền hung hăng của Bắc Kinh đối với các khu vực rộng lớn của Tây Thái Bình Dương, bao gồm cả một số đảo mà Nhật Bản tuyên bố chủ quyền. Trên thực tế, gắn kết các lợi ích an ninh của Nhật Bản là một trong “ba nguyên tắc” điều chỉnh việc chuyển giao vũ khí của Nhật Bản, bên cạnh việc cấm bán cho các quốc gia có xung đột vũ trang hoặc đang bị Liên hợp quốc cấm vận.

Hơn nữa, chính phủ Nhật Bản được cho là đang theo đuổi thỏa thuận chia sẻ phạm vi phủ sóng radar với Philippines do Nhật Bản quan tâm đến việc giám sát hoạt động quân sự của Trung Quốc ở eo biển Bashi giữa Đài Loan và quần đảo Batanes, nơi một trong những radar cố định mới sẽ được triển khai. Đổi lại, Philippines sẽ nhận dữ liệu từ các radar của Nhật Bản ở Okinawa.

Nhật Bản đã hỗ trợ Không quân Philippines bằng cách cung cấp 5 máy bay giám sát hàng hải TC-90, các bộ phận trực thăng UH-1H và đào tạo phi công miễn phí.

Thỏa thuận mới cho thấy lợi ích kinh tế và chiến lược của Nhật Bản có thể được bổ trợ thông qua nâng cao năng lực của một quốc gia có chung lợi ích trong việc phản đối các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương.

Nhật Bản cũng đã muốn bán vũ khí cho Australia, Ấn Độ, New Zealand, Thái Lan, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Việt Nam.

Nhưng tất cả những nỗ lực đó đều thất bại vì một lý do đơn giản: vũ khí của Nhật Bản có xu hướng tinh vi hơn một chút so với các loại vũ khí tương đương của nhiều nước khác, nhưng lại đắt hơn đáng kể.

Có thể thấy điều đó trong thương vụ bán radar cho Philippines: hãng Mitsubishi được cho là đã chào bán bốn hệ thống radar với giá tương đương với hợp đồng 5 radar do hãng Lockheed (Mỹ) và Elta của Israel cung cấp.

Giá cao của các hệ thống vũ khí Nhật Bản phản ánh chi phí nhân công cao, sự thiếu cạnh tranh trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản và sự phụ thuộc của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào chất lượng hơn số lượng trong bối cảnh quân số của họ ngày càng giảm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại