Hàng nghìn xe BMW nhập vào VN được "mông má từ người già thành cô gái 18"

Bảo Bình |

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã đưa ra dẫn chứng trên trong buổi đối thoại với các doanh nghiệp Nhật Bản khi nói về giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm.

Chiều 13/12, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính đã có cuộc đối thoại với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản.

Hội nghị có sự tham dự của Đại sứ, Công sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JBAV) tại Việt Nam và nhiều doanh nghiệp.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định những vướng mắc mà các doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra sẽ được các cơ quan chức năng của Việt Nam xem xét, sớm bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn. Mục tiêu đưa ra năm 2018 là nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí và tháo gỡ khó khăn về cơ chế, đồng thời nâng cao sức cạnh tranh.

Có 4 vấn đề đang được các doanh nghiệp Nhật Bản quan tâm, đó là: Tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với người lao động nước ngoài, quy định xử lý nước thải trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, quy định về nhập khẩu máy móc thiết bị đã qua sử dụng và việc nhập khẩu ô tô theo Nghị định 116/2017/NĐ-CP.

Lao động dịch chuyển nội bộ sẽ không phải nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc

Các doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng Việt Nam bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động là chuyên gia biệt phái của doanh nghiệp từ Nhật sang là bất hợp lý. 

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Karashima, nêu kiến nghị: Để tránh việc người lao động nước ngoài buộc phải đóng tiền bảo hiểm 2 lần (cả nước của họ và Việt Nam), đề nghị áp dụng cơ chế loại trừ đối tượng đã đóng bảo hiểm bắt buộc tại Nhật trước khi được doanh nghiệp biệt phái sang Việt Nam.

Hàng nghìn xe BMW nhập vào VN được mông má từ người già thành cô gái 18 - Ảnh 1.

Các doanh nghiệp Nhật nêu đề xuất tại hội nghị. - Ảnh: VGP

Giải đáp về vấn đề này, Phó vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) Trần Hải Nam nói: Theo quy định, từ 1/1/2018, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hợp đồng lao động thì phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

Quy định buộc người lao động đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là đảm bảo quyền lợi của người lao động, điều này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế, như luật của Nhật Bản cũng buộc người lao động nước ngoài làm việc tại Nhật Bản phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

"Sau khi tiếp thu ý kiến các doanh nghiệp, dự thảo nghị định đang được điều chỉnh theo hướng thu hẹp lại đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, theo đó chỉ những lao động có phát sinh hợp đồng lao động mới phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, điều này sẽ tránh đóng bảo hiểm xã hội song trùng do nhóm này không áp dụng với người lao động di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp" - ông Nam cho biết.

Kết luận về vấn đề được thảo luận, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng yêu cầu bộ phận soạn thảo nghị định dự thảo nghị định phải thể hiện rất rõ, đối với trường hợp lao động dịch chuyển nội bộ, không phát sinh hợp đồng lao động tại Việt Nam thì không phải nộp bảo hiểm xã hội bắt buộc, báo Tuổi trẻ ghi nhận.

Giấy chứng nhận chất lượng nhằm tránh tình trạng làm giả, mông má

Liên quan đến mảng kinh doanh ô tô, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng Nghị định 116 về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô và dịch vụ bảo hành bảo dưỡng cho ô tô có một số vướng mắc cho nhà nhập khẩu. Cụ thể, nghị định yêu cầu phải cung cấp giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài.

Đại diện Bộ GTVT cho rằng, để xuất xưởng một phương tiện thì các hãng phải có đầy đủ điều kiện chứng nhận linh kiện, điều kiện sản xuất, thử nghiệm môi trường... để chứng minh chất lượng sản phẩm. Điều này cũng là để đảm bảo sự bình đẳng với các DN Việt Nam.

Song, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cho biết, ở nước ngoài không có mẫu giấy như Việt Nam yêu cầu.

Trao đổi về vấn đề trên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ, tư tưởng của nghị định 116 là vừa bảo vệ cho nhà sản xuất chứ không riêng người tiêu dùng.

"Vừa qua chúng tôi nhập 2 lô xe BMW từ Đức, một lô 700, một lô 470 chiếc, nhưng là xe cũ được hoán cải, Việt Nam gọi là "mông má từ người già thành cô gái 18" để lừa khách hàng. Lừa khách hàng như thế đương nhiên vừa ảnh hưởng người tiêu dùng nhưng thực chất là ảnh hưởng chính nhà sản xuất BMW", Chủ nhiệm VPCP dẫn chứng.

Ông cho biết, việc cần giấy của nhà sản xuất để chứng minh sản phẩm có xuất xứ hàng hoá là của BMW và có trách nhiệm triệu hồi khi nhà sản xuất gây ra lỗi. Hiện nay, những vụ việc không có giấy chứng nhận mà nhà nhập khẩu bán cho người tiêu dùng khi xảy ra lỗi thì nhà nhập khẩu không có quyền triệu hồi xe.

Trao đổi lại, một DN Nhật cho rằng, lô nhập khẩu BMW cần giấy chứng nhận của nhà sản xuất để đảm bảo trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc triệu hồi, bảo hành. "Như vậy chúng tôi có thể hiểu quy định trong nghị định 116 cần có giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền nhà nước của nước ngoài đấy chính là giấy chứng nhận của hãng sản xuất?", DN Nhật thắc mắc.

Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết không phải như vậy, mà đấy là giấy chứng nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài chứ không phải giấy chứng nhận của nhà sản xuất.

Ông Mai Tiến Dũng liền đề nghị Bộ GTVT xem lại. Vì đây là hoạt động DN, cơ quan nước ngoài không cấp các loại giấy như thế, chỉ có mình mới làm như thế.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, giấy này là để các hãng xe có trách nhiệm triệu hồi, tránh tình trạng làm giả, mông má. Ông cũng đề nghị Bộ Tư pháp làm rõ quy định, Bộ Công thương, Bộ GTVT xem lại quy định này, báo Vietnamnet ghi nhận nội dung buổi đối thoại.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại