Nhành hoa của bà PGĐ Sở và câu chuyện chờ CSGT tới giải quyết

Bảo Nam |

Liên tục những vụ scandal gần đây đã chứng minh, nếu không muốn đón nhận cơn "lên đồng" của cư dân mạng thì đừng để bị "ghét cái thái độ".

Sức mạnh của cư dân mạng ngày càng trở thành một quyền lực đáng sợ. Cư dân mạng có ở khắp mọi nơi, mọi lúc và khả năng khai thác thông tin của những thám tử vô danh này khủng khiếp hơn bất kỳ lực lượng nào.

Vậy nên bây giờ mà lỡ bị dân mạng "bóc phốt" thì lỗi lầm chỉ diễn tiến từ tệ đến… tệ hơn chứ khó ai có thể hóa nguy thành cơ được.

Tuy nhiên, dân mạng có hai mặt tốt-xấu rõ rệt và tùy vào cái thái độ của đối tượng bị bóc phốt mà vụ việc được tung hê theo cách tích cực hay tiêu cực.

Sau đây là một ví dụ điển hình. Hôm qua, rất nhiều page lớn trên Facebook đưa tin về 2 vụ: Một chiếc taxi và xe máy đâm nhau tại Nha Trang, chủ của 2 phương tiện ngồi lặng lẽ bên vệ đường chờ công an tới giải quyết.

Vụ thứ hai: Bà PGĐ Sở Tư pháp Bình Thuận lỡ tay bứng một cành mai anh đào, bị một nhóm thanh niên bắt quả tang.

Nhành hoa của bà PGĐ Sở và câu chuyện chờ CSGT tới giải quyết - Ảnh 1.

Hai tâm điểm chú ý của dân mạng trong ngày hôm qua

Cả 2 vụ việc này đều xuất hiện trên Facebook, nhưng trong khi vụ tai nạn trở thành một hình ảnh đẹp trong ngày vì thái độ của 2 chủ phương tiện rất văn minh, sẵn sàng đối diện với sai lầm của mình trước công an thì vụ bứng một nhành hoa vốn chẳng có gì lớn lại trở thành tâm điểm trong cơn lên đồng của dân mạng.

Sự khác biệt nằm cả ở cái thái độ. Nếu 2 chủ phương tiện ở Nha Trang nhảy vào đánh cãi nhau thì một vụ tai nạn dù có đơn giản đến mấy cũng có thể trở thành "biến căng" trên Beat, Otofun… ngay lập tức.

Ngược lại, nếu bà Hiếu, Phó giám đốc Sở tư pháp nhẹ nhàng nói một lời xin lỗi (chỉ cần lời xin lỗi thôi, không cần nói thêm gì nữa), cơn "lên đồng" của dân mạng sẽ nhanh chóng dịu lại.

Trong thời buổi mà "tuổi thọ" của những scandal khá ngắn, dù lớn hay nhỏ, thì đa phần cũng chỉ tồn tại từ 1-2 tuần, một lời xin lỗi là xong chuyện.

Câu chuyện chọn đúng thái độ để sống, đúng thái độ để đối mặt với sai lầm, tưởng đơn giản, nhưng ngay cả những con người đã dạn dày kinh nghiệm cũng dễ dàng mắc phải.

Mà thật ra câu chuyện đừng để bị "ghét cái thái độ" đâu đơn thuần chỉ được nói đến song song với những scandal. Mỗi ngày trôi qua chúng ta đều phải đối mặt với câu hỏi: nên chọn thái độ thế nào?

Nên chọn thái độ nào trước những vi phạm giao thông đầy hồn nhiên và ngang nhiên? Khuất mắt trông coi, tặc lưỡi "Việt Nam mà" hay sẵn sàng lên án?

Nhành hoa của bà PGĐ Sở và câu chuyện chờ CSGT tới giải quyết - Ảnh 2.

Luôn tồn tại hai mặt của một vấn đề, cái cốt yếu là bạn chọn đúng hay sai

Mới đây, một chiếc xe Getz lao như tên bắn ngược chiều trên cao tốc Bắc Giang – Hà Nội bị một camera hành trình quay lại. Chủ đoạn clip đó giữ vững thái độ lên án dữ dội hành vi tự sát điên rồ này, bất chấp đã có những tác động từ bên ngoài yêu cầu anh gỡ clip.

Hay nổi tiếng hơn, anh Trần Chí Dũng, bố của cháu Kiên trong vụ tai nạn xe ở trường Nam Trung Yên, cũng đã chọn một thái độ rất quyết liệt trước sự mập mờ. Thái độ kiên quyết của anh đã được đền đáp xứng đáng.

Trong những cuộc nhậu, thái độ của bạn ra sao khi bị Sếp ép uống? Cắn răng uống dù không muốn, hay tỏ rõ thái độ "bia rượu không ép"?

Trong siêu thị, khi lượt tính tiền của bạn bị một người khác cướp mất, bạn sẽ chọn thái độ nào? Nhường nhịn hay sẵn sàng lên tiếng?

Trong thời buổi chưa bao giờ cái xấu, cái tốt dễ dàng đến với đông đảo người xem với tốc độ nhanh đến thế, chọn đúng thái độ để sống trở thành một kỹ năng đặc biệt quan trọng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại