Nhân viên sân bay làm thủ tục kiểm tra hành lý của hành khách tại sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhằm góp thêm góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo giới thiệu bài viết của bạn đọc này;
Những ngày gần đây, vụ việc một du khách người Singapore tố bị cán bộ công an đòi tiền "tip" (tiền boa) khi đi qua khu vực an ninh sân bay, đã gây xôn xao dư luận.
Đình chỉ nhân viên xuất nhập cảnh sân bay bị tố đòi 'tiền tip' của khách Singapore ĐỌC NGAY
Cá nhân tôi khi đọc thông tin trên đã hết sức bất bình vì những vụ việc như trên đã thường xuyên xảy ra tại sân bay Nội Bài cũng như Tân Sơn Nhất, nhưng vẫn chưa có phương án để giải quyết triệt để.
Câu chuyện của dì tôi là một ví dụ điển hình. Cách đây gần 4 năm, dì cùng con trai 5 tuổi đi du lịch Hàn Quốc. Sau những ngày du lịch hạnh phúc, dì cùng con trai trở về Việt Nam để tiếp tục công việc.
Khi quay về sân bay, đứng xếp hàng chờ đợi làm thủ tục xuất nhập cảnh thì bất ngờ được một nhân viên an ninh tại đây ưu tiên cho dì tôi được lên làm thủ tục trước do có con nhỏ. Dì tôi ban đầu đã rất xúc động bởi hành động tử tế của anh này.
Nhưng ngay sau đó, mọi suy nghĩ tốt đẹp của dì tan biến hết bởi câu nói nhắc khéo của anh nhân viên hải quan: "Anh ấy ưu tiên cho cô mà cô không có gì để cảm ơn anh ấy à?".
Dì tôi nghe thấy thế thì lo lắng bị hạch sách, gây khó dễ trong quá trình làm thủ tục nên đành rút 20 won tiền Hàn (khoảng 400.000 đồng tiền Việt) để bồi dưỡng cho anh này. Dì tôi chia sẻ rằng vì nhầm tưởng họ có lòng tốt thấy dì có con nhỏ nên thương, nào ngờ họ đều có mục đích cả.
Cũng theo lời dì kể thì một người bạn thân của dì trong một lần từ Hàn Quốc về Việt Nam, cũng bị nhân viên hải quan vòi vĩnh. Chuyến đi đó cô bạn của dì tôi có đem một ít sâm quý từ Hàn về làm quà cho người nhà.
Khi làm thủ tục ở sân bay, nhân viên thấy cô ấy có nhiều sâm nên nằng nặc xin bằng được một củ mới cho đi qua. Cô bạn của dì tôi sau lần về Việt Nam ấy thì bất an vô cùng nên chẳng mấy hào hứng quay về nước.
Cá nhân tôi rất đồng cảm vì chính tôi là người Việt khi có dịp đi nước ngoài rồi quay trở về đều vô cùng ngao ngán khi phải đứng xếp hàng chờ nhập cảnh cực kỳ lâu, lại còn thường xuyên đối diện với khuôn mặt khó đăm đăm, không một nụ cười của nhân viên sân bay .
Ngược lại hoàn toàn, khi nhập cảnh vào Hàn Quốc, tôi cảm thấy rất thoải mái. Mặc dù, trước chuyến đi, tôi khá hồi hộp vì sợ chuẩn bị thiếu hồ sơ, giấy tờ, không biết nhập cảnh có khó khăn gì không. May mắn là tôi không gặp bất cứ trở ngại nào khi làm thủ tục xuất nhập cảnh do chuẩn bị tươm tất mọi thứ.
Khi xuống máy bay, du khách chỉ cần xếp hàng để kiểm tra Q-code. Nhân viên sân bay nhanh chóng quét mã QR và đưa cho tôi tờ giấy xác nhận, hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 sau khi nhập cảnh.
Khi nhập cảnh, nhân viên sân bay kiểm tra visa, tờ khai nhập cảnh rồi lấy dấu vân tay, chụp hình như thời điểm trước dịch. Sau thủ tục gọn nhẹ khi nhập cảnh, tôi đi thẳng ra băng chuyền lấy hành lý, không cần chờ đợi nhiều.
Từ thực tế ấy, chúng ta thấy rằng những hành động xấu xí dù rất nhỏ nhưng lại tác động rất lớn đến ấn tượng của mỗi người với nước ta.
Mỗi vị khách quốc tế khi ghé thăm Việt Nam dù xuất phát từ mục đích gì như đi công tác, về thăm quê hương hoặc khách du lịch, đều đã hoặc sẽ mang lại nguồn thu và hiệu quả kinh tế cho đất nước.
Do đó, việc tạo ấn tượng tốt này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thu hút đầu tư, tạo hứng thú cho khách du lịch và phát triển kinh tế.
Nhiều người Việt Nam, Việt kiều từ nước ngoài về, thường xuyên bị nhân viên hải quan vòi tiền hay gặp phải những chuyện không hay tương tự như du khách Singapore tố cáo.
Tuy nhiên, do khu vực nhập cảnh không cho quay chụp gì nên chẳng có gì làm bằng chứng. Và nhiều người sợ phiền lụy nên cũng không mạnh dạn tố cáo như du khách Singapore.
Cá nhân tôi cho rằng khi gặp phải trường hợp không hay như trên, chúng ta nên có ý thức và chủ động giữ lại bằng chứng để chứng minh cho hành vi vi phạm của nhân viên tại các sân bay, để trực tiếp đưa đến cơ quan chức năng. Đó cũng là căn cứ để cơ quan chức năng xử lý vi phạm của nhân viên.
Thiết nghĩ, nhân viên hải quan không chỉ đại diện cho pháp luật, đảm bảo công tác kiểm soát an ninh mà còn đại diện cho đất nước khi chào đón hoặc tạm biệt những vị khách đến từ khắp mọi nơi trên thế giới.
Muốn tạo được ấn tượng tốt đẹp trong mắt bạn bè quốc tế, họ nên được đào tạo bài bản về nghiệp vụ chuyên môn và cả đạo đức công vụ, quy tắc giao tiếp ứng xử, nguyên tắc ngoại giao...
Những năm gần đây, chúng ta luôn cố gắng cải thiện hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trước mắt bạn bè thế giới. Nhưng những hành động xấu xí như trên dẫn đến nhiều tác hại làm phá tan đi bao cố gắng của cả một tập thể đang hết sức nỗ lực gây dựng, thậm chí còn ảnh hưởng đến thể diện quốc gia với bạn bè quốc tế.
Có thể sự việc trên chỉ là "con sâu làm rầu nồi canh", nhưng rõ ràng đã gây ra những tác hại vô cùng lớn, dẫn đến việc thay đổi suy nghĩ của khách nước ngoài về một đất nước Việt Nam vốn thân thiện, hiếu khách.
Vụ việc cần phải được xử lý nghiêm khắc để làm bài học răn dạy cho việc rèn luyện tính chuẩn mực và nguyên tắc tôn trọng hành khách cho hải quan Việt Nam.