Nhân viên của bà Linh ở lớp mầm non khác rùng mình, kinh sợ trước hành động của chủ

Viết Dũng |

Những bảo mẫu tại cơ sở mầm non C.H. ở tỉnh Bình Dương do bà Linh quản lý đã vô cùng sốc khi xem video bà hành hạ trẻ em.

Sốc, sửng sốt, kinh sợ khi thấy bà chủ hành hạ trẻ em

Bà Phạm Thị Mỹ Linh (43 tuổi, quê Lâm Đồng) làm chủ cơ sở mầm non Mầm Xanh, quận 12, TP HCM đã bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt giam vào ngày 28/11.

Bà Linh ngoài làm chủ cơ sở Mầm Xanh thì còn quản lý một cơ sở tên C.H. cũng nuôi dạy trẻ mầm non ở phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Sáng cùng ngày, PV đã tìm về địa chỉ trường C.H. để tìm hiểu về việc nuôi dạy trẻ mầm non tại đây. Khi trò chuyện với PV, các bảo mẫu do bà Linh quản lý đều cho biết, họ bất ngờ và sửng sốt khi xem video thấy bà Linh và 2 bảo mẫu khác bạo hành trẻ dã man.

Nữ bảo mẫu tên H. bày tỏ: "Hành động bạo hành trẻ dã man của cô Linh và các đồng nghiệp tại cơ sở Mầm Xanh khiến tôi rùng mình và kinh sợ vô cùng.

Tôi không dám xem hết, ám ảnh vô cùng cảm thấy rất sốc lắm, bởi thường ngày cô Linh rất hiền tính, dễ gần. Bản thân cô Linh cũng luôn căn dặn mọi người trong cơ sở phải thực hiện tốt việc nuôi giữ các bé".

Nhân viên của bà Linh ở lớp mầm non khác rùng mình, kinh sợ trước hành động của chủ - Ảnh 1.

Cơ sở mầm non C.H. ở tỉnh Bình Dương do bà Linh quản lý.

Theo bảo mẫu này, có thể do những ức chế trong công việc nhất thời, bà Linh và các đồng nghiệp mới hành hạ trẻ. Tuy nhiên, dù bất cứ lý do gì vẫn không thể đồng tình.

Có bao giờ bà Linh căn dặn các bảo mẫu phải hành hạ trẻ em như thế để cho dễ ăn, ngủ không?, PV đặt câu hỏi.

Các bảo mẫu đều lắc đều nói "không, chưa bao giờ thấy bà Linh nói vậy!".

"Bản thân chúng em cũng là người mẹ nên bọn em phần nào hiểu được nỗi lòng của các bậc phụ huynh. Vụ việc xảy ra với cô Linh và các đồng nghiệp tại quận 12, TP HCM là sự việc buồn, đáng tiếc. Mong mọi người hiểu và có cái nhìn khách quan hơn đối với bọn em", bảo mẫu H. bày tỏ.

Nhân viên của bà Linh ở lớp mầm non khác rùng mình, kinh sợ trước hành động của chủ - Ảnh 2.

Nhiều phụ huynh bức xúc đứng bao vây xung quanh cửa cơ sở mầm non Mầm Xanh chiều 26/11.

Được biết, cơ sở mầm non C.H do bà Linh quản lý, hoạt động tại tỉnh Bình Dương vào năm 2016.

Tại đây có 1 giáo viên, 4 bảo mẫu nhận giữ từ 40 – 50 trẻ, độ tuổi 1 – 5 tuổi. Các bé đa số là con em của công nhân và lao động nghèo với mức học phí 1,2 triệu đồng/tháng.

Bà Linh được một người ký hợp đồng thuê quản lý để cơ sở mầm non này, hoạt động đúng pháp luật. Sau khi sự việc xảy ra, chủ cơ sở dự định sẽ chấm dứt hợp đồng với bà Linh, đồng thời tiếp tục để cơ sở này hoạt động.

Trao đổi với PV, bà Nguyễn Thị Hồng Kim – Chủ tịch phường Phú Mỹ, TP Thủ Dầu Một xác nhận, cơ sở mầm non C.H do bà Phạm Thị Mỹ Linh quản lý đang nhận nuôi dưới 50 trẻ.

"Các giáo viên và bảo mẫu tại cơ sở C.H. đều có đủ các chứng chỉ theo đúng quy định. UBND phường Phú Mỹ đã nhiều lần tiến hành kiểm tra nhưng không hề phát hiện sai phạm. Địa phương cũng chưa nhận được bất kỳ phản ánh nào từ người dân về có tình trạng bạo hành trẻ tại đây!" bà Kim thông tin.

Luật sư nói gì về tội của bảo mẫu hành hạ trẻ em

Theo Luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật sư TP HCM, qua các chứng cứ do truyền thông đưa tin đã cho thấy các hành vi của các bảo mẫu tại cơ sở mầm non Mầm Xanh, quận 12, TP HCM đã cấu thành " Hành hạ người khác" theo khoản 2 theo  Điều 110 BLHS.

Bên cạnh đó, nếu việc bạo hành gây thương tích cho các em với tỉ lệ chỉ dưới 11%  là cũng đủ yếu tố cấu thành "Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác" theo Điều 110 BLHS

Nhân viên của bà Linh ở lớp mầm non khác rùng mình, kinh sợ trước hành động của chủ - Ảnh 3.

Luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật sư TP HCM.

Tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng, các bảo mẫu có hành vi bạo hành trẻ em có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các hình phạt tương ứng được quy định cụ thể tại BLHS hiện hành theo các điều khoản nêu trên.

"Theo tôi chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự phối hợp để chung tay giám sát, bảo vệ trẻ em một cách thiết thực, hiệu quả chứ không nên để đến khi truyền thông và dư luận lên tiếng thì mới vào cuộc.

Thiết nghĩ, hành hành lang pháp lý của BLHS cần bổ sung luật hóa tội danh một cách "cụ thể đích thực" cho hành vi bạo hành trẻ em. Các cơ quan quản lý nhà nước và các nhà làm luật cần luật hóa tội danh này một cách cụ thể với các hình phạt thích đáng.

Bởi lẽ trên thực tế việc bạo hành có thể chưa đến mức để lại thương tổn về thân thể cho các em nhưng không loại trừ để lại di chứng tổn thương về mặt thể chất tâm lý hệ lụy suốt cả cuộc đời. 

Ngoài việc luật hóa tội danh – bạo hành trẻ em thì các cơ quan quản lý nhà nước cần luật hóa  thành lập các tổ chức – đoàn kiểm tra chuyên ngành thường xuyên", Luật sư Đức chia sẻ.

Phụ huynh bức xúc chia sẻ sự việc


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại