BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU RẤT NHÀM CHÁN. Không tin thì bạn cứ hỏi các biên tập viên và các nhà xuất bản mà xem: Không có vấn đề gì tương tự nồng độ CO2 trong khí quyển lại khiến độc giả quay lưng nhanh đến vậy.
Chẳng nhiều người quan tâm đến nóng lên toàn cầu, 2 độ C rồi băng tan hay tuyệt chủng sinh học... Với họ, chúng quá học thuật, vĩ mô và không đời. Nhưng dù có nhiệt tình "quay lưng" đến mấy thì biến đổi khí hậu vẫn là thực tế báo động trên phạm vi toàn cầu mà con người phải đối mặt, bởi: Thiên nhiên đang bắt đầu "quay lưng" lại với chúng ta!
"Losing Earth: The Decade We Almost Stopped Climate Change" là tựa bài viết đáng chú ý trên New York Times Magazine năm 2018, bài viết có đoạn:
Thế giới đã ấm hơn 1 độ C kể từ Cách mạng Công nghiệp. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học dựa trên xu hướng phát thải hiện nay, tỷ lệ thành công của Thỏa thuận chung Paris là 1/20.
Nếu có phép màu, chúng ta mới có thể kiềm chế nhiệt độ Trái Đất không tăng quá 2 độ C. Khi đó, chúng ta không phải đám phán về sự tuyệt chủng của các rạn san hô nhiệt đới trên thế giới, không phải đàm phán về mực nước biển tăng hàng mét và sự biến mất vĩnh viễn của Vịnh Ba Tư.
Tháng 10/2019, Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) công bố báo cáo đặc biệt về sự khác biệt thảm khốc giữa 1,5 độ và 2 độ C. Tại sao lại có những con số này?
Năm 2015, tại Hội nghị về Biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc, gần 200 quốc gia trên thế giới đã đồng thuận ký kết Thỏa thuận chung Paris, cam kết: Giảm phát thải khí CO2, giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng thêm 2 độ C, trong giai đoạn 2015-2020.
NHƯNG THAY VÌ GIẢM, chúng ta lại tăng lượng phát thải khí CO2 và khí nhà kính khác đến những mức kỷ lục đáng báo động: Năm 2018, cả thế giới thải gần 40 tỷ tấn CO2 ra bầu khí quyển - một con số không có ý nghĩa gì cho đến khi nó được đặt bên cạnh những thảm họa thiên tai tương ứng: Lũ lụt, hạn hán, nắng nóng, siêu bão, cháy rừng, băng tan và ngày càng có nhiều người tị nạn khí hậu cũng như số người chết/bị thương tăng lên vì khí hậu cực đoan. Năm 2019 giữ kỷ lục là năm nóng thứ hai trong lịch sử (xếp sau năm 2016, thấp hơn 0,04 độ C).
Đây là lúc hàng trăm nhà khoa học phải đồng loạt lên tiếng cảnh báo. Không còn là con số 2 độ C nữa, loài người phải giữ cho nhiệt độ Trái Đất không tăng thêm 1,5 độ C, nếu không mọi chuyện sẽ quá muộn. Cách biệt 0,5 độ C này có ý nghĩa gì? Mời bạn xem:
Đồ họa gốc: CarbonBrief / Việt hóa: Dink/Trí Thức Trẻ
Ở một thế giới, nơi bầu khí quyển thì ngập tràn khí nhà kính gây nóng lên toàn cầu, còn mặt đất và đại dương thì ngập ngụa rác thải nhựa, nếu không luận tội con người thì ta đổ lỗi cho thứ gì đây?
Nhiên liệu hóa thạch: Thứ hữu ích nhất loài người từng khám phá nay trở thành thứ nguy hiểm nhất với chính chúng ta. KHÔNG! Không thể đổ lỗi cho nguồn nhiên liệu đã giúp con người cách mạng hóa công nghiệp ấy được, cái chúng ta cần định tội đó là cách con người tham lam đốt chúng hàng trăm năm qua.
Con người đã thay đổi bầu khí quyển Trái Đất thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch bừa bãi.
Than, khí đốt và dầu là sức mạnh theo nghĩa kép: Chúng là sức mạnh cơ học và sức mạnh xã hội. Than cho phép đổi mới công nghệ nhanh chóng thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp; than đá và sau đó là dầu cho phép tập trung sự giàu có và sự ảnh hưởng trong tay một số ít người kiểm soát các nguồn và chuỗi cung ứng. Nhưng hậu quả là gì? Từ việc là những khái niệm của hiện tượng tự nhiên nay chúng đã trở thành mối nguy hiểm toàn cầu.
Một Trái Đất không-ở-được khi tăng 2-3-4-5 độ C
1/ 2 độ C: Giáo sư khoa học khí hậu Mỹ James Hansen xem sự nóng lên 2 độ là thảm họa dai dẳng của nhân loại. Khi đó:
- Các tảng băng bắt đầu sụp đổ.
- 400 triệu người sẽ phải chịu cảnh khan hiếm nước.
- Sóng nhiệt sẽ giết chết hàng nghìn người tại các thành phố, khu vực trong dải xích đạo. Riêng tại Ấn Độ, sóng nhiệt sẽ xuất hiện dày đặc gấp 30 lần, mỗi lần sẽ kéo dài gấp 5 lần so với hiện tại.
2/ Nóng lên 3 độ C, các thành phố ven biển sẽ ngập; Băng tại Bắc Cực sẽ thay thế bằng rừng.
3/ Nóng lên 4 độ, châu Âu sẽ lâm vào cảnh hạn hán vĩnh viễn; Các khu vực rộng lớn của Trung Quốc, Ấn Độ và Bangladesh bị sa mạc hóa; Polynesia sẽ bị biển nuốt chửng; sông Colorado bị rút gần như hết sạch nước; Tây Nam Mỹ phần lớn không thể ở được; Cháy rừng sẽ cháy dữ dội gấp 16 lần ở miền Tây nước Mỹ.
4/ Viễn cảnh về sự nóng lên 5 độ đã khiến một số nhà khoa học khí hậu hàng đầu thế giới cảnh báo về sự kết thúc của nền văn minh nhân loại.
200 năm sau thực tế cuối cùng đã dạy chúng ta hiểu được ý nghĩa đầy đủ của việc đốt than ở Anh thế kỷ 19.
Để tồn tại, từng giờ, từng ngày, từng người một đang vứt ra môi trường từng túi ni-lông và vật dụng bằng nhựa... từng cơ sở sản xuất, doanh nghiệp vẫn cứ thế thải CO2 lên trời. Trong vòng 3 thiên niên kỷ qua, con người đã loại bỏ và thay thế lớp vỏ Trái Đất, đẩy nhanh sự xói mòn của đất, gây ra sự sụp đổ của hệ sinh thái sông, khiến bờ biển không được bồi tụ, dẫn đến sụt lún đồng bằng, mất nước và ngập nước diện rộng.
Câu chuyện biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu đến từ chính chúng ta chứ không ở đâu xa. Vậy mà những người có khả năng cầm trên tay những thiết bị điện tử thông minh nhất ấy lại làm một việc kém thông minh: Quay lưng lại với những cảnh báo đến mòn mỏi của các nhà khoa học khí hậu.
Chính chúng ta, những cá nhân cấu thành nên con số 8 tỷ ấy, là "tác giả" của những cơn thịnh nộ từ thiên nhiên. Bởi thế, chính chúng ta phải quay lại để sửa chữa lỗi lầm, nếu không bản thân ta và thế hệ kế tiếp sẽ phải lãnh đủ hậu quả thảm khốc.
3 thập kỷ đầu thế kỷ 21, nhân loại phải chứng kiến hàng loạt sự kiện cho thấy: Thiên nhiên đang bắt đầu "quay lưng" lại với chúng ta. Đây là một vài bằng chứng:
- Mùa hè 2018 là mùa cháy rừng tàn khốc nhất trong lịch sử bang California (Mỹ). Vụ hỏa hoạn lớn đã làm bốc hơi một thị trấn tên Paradise, khiến 85 người thiệt mạng và gây thiệt hại lên tới 16,5 tỷ USD (Mỹ).
- Tháng 8/2019 tiếp tục chứng kiến thảm họa cháy rừng Amazon (ở Brazil). Chỉ trong nửa đầu năm 2019, Amazon đã phải chịu hơn 40.000 trận cháy.
- Năm 2020, lần đầu tiên trong lịch sử gần 40 năm, Bắc Cực xuất hiện lỗ thủng tầng ozone lớn kỷ lục. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan đến từ hoạt động của con người: Sự hiện diện của các hóa chất phá hủy tầng ozone (như clo và brom) trong khí quyển đã đục thủng tấm chắn bảo vệ Trái Đất khỏi bức xạ tia cực tím (đọc chi tiết).
- Theo dữ liệu của Trung tâm Dự báo Khí hậu, thuộc Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) Mỹ thì tốc độ biến đổi khí hậu hiện nay sẽ kéo dài thời tiết khắc nghiệt và thiên tai, làm tăng số người chết do thời tiết cực đoan trung bình lên 50% từ nay đến năm 2100.
THIÊN TAI là những hệ quả của sự giàu có mà con người đang phải trả cho những hành động của mình trong quá khứ lẫn hiện tại. Đáng buồn thay, nguyên nhân đến từ số ít - nhưng hậu quả lại mang đến số nhiều. Cả Trái Đất với những loài động-thực vật đang phải hứng chịu những con sóng thần tuyệt chủng. Còn con người, cũng không ngoại lệ. Mưa lũ, nắng nóng, hạn hán, động đất... đang được kích hoạt liên tục. Một lần nữa, biến đổi khí hậu nhân tạo, nóng lên toàn cầu đang khiến sinh vật mất cân bằng sinh thái, con người chịu nhiều tang thương hơn vì thiên tai, thảm họa tự nhiên.
"Nóng lên toàn cầu là việc Mặt Trời chiếu không thương tiếc một luồng sáng hủy diệt vào lịch sử. Nếu chúng ta chờ đợi một thời gian nữa và sau đó phá hủy nền kinh tế hóa thạch trong một cú đánh khổng lồ, ấm lên toàn cầu vẫn sẽ gieo rắc bóng tối cho tương lai: Dù lượng khí thải bằng 0 thì nước biển vẫn có thể tiếp tục tăng trong hàng trăm năm.
Tất cả lẫn lộn, làm rối loạn tâm trí của con người sống từng giây, từng ngày. Khi sức mạnh khủng khiếp của than đá và dầu mỏ được kích hoạt ồ ạt, ai có thể dự đoán rằng bằng cách đốt cháy quá khứ, chúng ta sẽ phải đối mặt với những bất ổn khủng khiếp nhường nào trong tương lai?" - Nhà sử học Andreas Malm viết trên The Guardian (Anh).
Nhà tiểu luận người Mỹ Nathaniel Rich thừa nhận trọng cuốn sách "Losing Earth: A Recent History" (2019) rằng: Các chính phủ không coi trọng cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là phạm tội ác đối với loài người. Nếu không hành động quyết liệt, số phận Trái Đất và con người sống trên mình nó sẽ về đâu?
Bài viết sử dụng nguồn: The Walrus Magazine (Canada), New York Times Magazine
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.