Thứ Bảy vừa rồi, theo thống kê đã có tới 10.000 CĐV đến SVĐ Hàng Đẫy theo dõi trận tranh Siêu cúp Quốc gia giữa SLNA vs Quảng Nam. Đây là một con số gây bất ngờ, nhưng sẽ không lạ khi biết trong đội hình SLNA có 2 ngôi sao U23 Việt Nam là Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh.
Nên biết tại VCK U23 châu Á 2018, Phan Văn Đức là một trong những ngôi sao của thầy Park nổi lên từ băng ghế dự bị, có nhiều đóng góp vào chức Á quân của đội. Ngoài ra, vẻ ngoài thư sinh, hiền lành của Văn Đức cũng giúp cầu thủ này được rất nhiều người yêu mến.
Trở lại với trận tranh Siêu cúp vừa rồi, quả thực rất nhiều CĐV đã tới sân vì Văn Đức, Xuân Mạnh và cầm trên tay những bảng biển cực kì dễ thương để cổ vũ, tỏ tình với các ngôi sao U23 Việt Nam.
Sau trận khi SLNA lên xe bus rời đi, thậm chí cũng có rất nhiều người hâm mộ đuổi theo vì hai học trò của thầy Park.
Người hâm mộ tới cổ vũ cho Phan Văn Đức và Phạm Xuân Mạnh (Ảnh: Tú Anh).
Thực ra, đây chẳng phải lần đầu tiên bóng đá Việt Nam được hưởng lợi từ sức hút của một đội bóng. Năm 2014, U19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ U19 HAGL đã chiếm được tình cảm của rất nhiều CĐV.
Hệ quả là V-League 2015, khi HAGL sử dụng lứa cầu thủ trẻ này thi đấu, lượng người hâm mộ theo dõi các trận đấu của đội bóng phố Núi tăng vọt lên rất cao. CĐV theo dõi trực tiếp trên sân, theo dõi qua truyền hình, qua mạng internet đều vô cùng ấn tượng.
Điều đó đã diễn ra không chỉ ở một mùa V-League mà tới tận bây giờ vẫn HAGL vẫn là đội hút CĐV thứ 2 giải, sau Thanh Hóa. Theo thống kê, các trận đấu của CLB phố Núi thu hút trung bình 8.385 người/trận.
CĐV theo dõi, cổ vũ HAGL tại V-League rất đông.
Việc CĐV theo dõi HAGL gây lợi cho toàn bộ V-League, khi tất cả những đội bóng khác đều được người hâm mộ xem thi đấu nhiều hơn mỗi khi giáp mặt đội bóng phố Núi. Đấy là cơ hội để các CLB V-League tìm cách thu hút thêm CĐV tới sân cho riêng mình. Thế nhưng, đáng tiếc mọi chuyện lại đi dần theo chiều hướng xấu.
Việc V-League liên tục diễn ra đều tiếng, từ vấn nạn bạo lực tới chuyện thổi còi hay nghi vấn "3 đi 3 về" đã làm lượng CĐV tới sân không như ý muốn của những người làm bóng đá Việt Nam.
Tệ nhất là những vấn đề đó không giảm đi theo thời gian mà cứ tăng dần từng mùa. V-League 2017 thậm chí còn chứng kiến 2 CLB định "bỏ đá" là Long An và chính... HAGL. Vụ việc của Long An đã trở thành một tấn bi hài kịch được cả báo chí quốc tế biết tới, làm xấu hình ảnh V-League.
Còn chuyện về HAGL rất may khi đó đã có Văn Toàn đứng ra cản lại ý định manh nha của đội, nên sau đó tất cả đã kịp thu xếp êm thấm.
Long An phản ứng với quyết định của trọng tài Nguyễn Trọng Thư, bỏ đá những phút cuối trận gặp CLB TP.HCM lượt đi V-League 2017.
Đã có rất nhiều vòng đấu người hâm mộ không chờ đợi những màn trình diễn đẹp, gay cấn trên sân, mà chỉ chực chờ liệu có scandal nào để đọc khi trọng tài thổi hồi còi hết giờ không. Và quả thực, có rất nhiều tuần liên tiếp, CĐV luôn có tai tiếng ở V-League để theo dõi.
V-League 2018 này sắp bắt đầu với ưu thế còn hơn V-League 2015 khi HAGL tung lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường vào giải.
Bởi lẽ rất nhiều CLB tại V-League sở hữu cầu thủ U23 Việt Nam và theo đó, lượng CĐV theo dõi họ sẽ đồng đều hơn, dàn trải hơn. Thật hiếm khi nào mà giải đấu lại đứng trước cơ hội thu hút người hâm mộ đến thế.
Nhưng quan trọng là liệu V-League 2018 có thật sự diễn ra chất lượng, hấp dẫn, không scandal để CĐV tin yêu, tiếp tục theo dõi hay không? Hay chính những đội bóng V-League, cùng với nhiều yếu kém của giải đấu sẽ lại tự hất đổ "nồi cơm" của mình thêm một lần nữa?
Siêu cúp Quốc gia 2018: Quảng Nam 1-0 SLNA