Nhân giống thành công cây Xích Tùng cổ Yên Tử: Có cây “nối dõi tông đường”

NGUYỄN HÙNG |

Xót xa trước cảnh từng cây Xích Tùng cổ quý hơn 700 tuổi trên Yên Tử chết dần, chết mòn do “tuổi cao, sức yếu” lại bị sâu bọ, thời tiết tấn công, anh Phạm Văn Sự đã miệt mài nghiên cứu và nhân giống thành công giống cây Xích Tùng Yên Tử. Những cây Xích Tùng đó đã được trồng thử nghiệm thành công ở một số nơi, đem lại hy vọng cho việc trồng thay thế rừng Xích Tùng cổ trên Yên Tử đang “lâm bệnh” nặng.

Không chịu thất bại

Chưa kể hàng chục cây Xích Tùng trồng thí điểm rải rác ở một số nơi và đã phát triển tốt, đến nay, tại vườn nhà ở TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, anh Phạm Văn Sự - nguyên nhân viên của Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử có gần 500 cây Xích Tùng. Anh cho biết, vẫn đang tiếp tục nhân giống.

Gần 15 năm gắn bó với Yên Tử trước khi được điều về UBND TP.Uông Bí, thuộc từng gốc cây, ngọn cỏ của núi rừng nơi đây, anh xót xa và cứ đau đáu về việc làm thế nào để có cây “nối dõi tông đường” cho các “cụ” Xích Tùng cổ trên 700 tuổi đang chết dần.

Những ngày rong ruổi trong rừng nghiên cứu, tìm hiểu, anh phát hiện ra rằng rừng Xích Tùng cổ có rất nhiều hạt rơi xuống đất rừng nhưng cùng lắm chỉ nhú thành cây nhỏ tí rồi chết, bởi không bị kiến, mối ăn thì cũng bị nước rửa trôi mất.

Đó là lý do không có bất cứ cây Xích Tùng nào mọc tự nhiên trên Yên Tử - một “nguyên lý” anh rút ra cho việc nhân giống Xích Tùng sau này.

Nhân giống thành công cây Xích Tùng cổ Yên Tử: Có cây “nối dõi tông đường” - Ảnh 1.

Rừng Xích Tùng hơn 700 tuổi trên Yên Tử. Ảnh: NGUYỄN HÙNG

Nhặt nhạnh những hạt Xích Tùng nhỏ li ti dưới tán lá rừng, anh Sự đem về nhà nhân giống. Tuy nhiên, từ năm 2003 - 2005, thất bại liên tục bởi hạt không nảy mầm. Không bỏ cuộc, anh lại tiếp tục vào rừng thu lượm hạt và về nhà gieo trồng.

Rồi một ngày, những hạt Xích Tùng trong chậu nảy mầm xanh, khiến anh nhảy lên sung sướng, nhưng vẫn giấu mọi người dù những ngày tháng tiếp theo, những mầm non đó cứ lớn dần, vì chưa có gì chắc chắn.

Từ những thất bại liên tiếp, anh mới biết, hạt Xích Tùng thường nảy mầm vào tháng 8. Tuy nhiên, những khó khăn phía sau còn lớn hơn nhiều vì vừa nảy mầm thì nhiều cây bị thối nõn, rễ. Anh lại tự mày mò, nghiên cứu tìm cách chữa bệnh cho cây.

Phải đến năm 2010, khi khoảng 200 cây Xích Tùng trong vườn nhà phát triển ổn định, anh mới dám công bố nhân giống thành công. Đến năm 2015, anh còn nhân giống thành công Xích Tùng Yên Tử từ cành của chính những cây được nhân giống bằng hạt trong vườn nhà.

Trồng trên Yên Tử, phải học cách của người xưa

Trong gần 500 cây Xích Tùng trong vườn nhà của anh Sự hiện có những cây cao tới 4m, được nhân giống bằng hạt đợt đầu. Chiếm số lượng lớn nhất là các loại cây cao từ 30 - 70cm, khoảng 250 cây.

Ông Lê Tiến Dũng - Trưởng Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử - cho biết, những cây do anh Sự nhân giống trồng xung quanh trụ sở Ban hiện đang phát triển rất tốt, mở ra hy vọng cho việc trồng mới trên Yên Tử.

Theo giới chuyên môn, rừng Xích Tùng cổ trên Yên Tử là do các bậc tiền nhân trồng, bởi có hàng, lối và ở những vị trí đặc biệt. Thể hiện rõ nhất là ở khu vực Đường Tùng - nơi hiện còn khoảng 70 cây được trồng hai bên con đường hành hương.

Không chỉ không có thêm bất cứ cây Xích Tùng tự nhiên nào trên Yên Tử, cho dù hạt Xích Tùng có thời điểm như dát trên mặt đất, mà sau này, Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho trồng cây mới cũng không thành công.

Theo anh Phạm Văn Sự, muốn trồng thành công, phải nghiên cứu cách trồng của các bậc tiền nhân.

“Hạt Xích Tùng thường nảy mầm vào mùa sâu bệnh - mùa mưa và hết mùa mưa thì đến mùa khô ngay. Nhưng quan trọng là cây Xích Tùng không có nắng sẽ chết” - anh Sự chia sẻ - “Muốn trồng được thì phải phát gọn xung quanh địa điểm trồng, có ánh sáng thì cây mới sống được.

Tất cả những cây Xích Tùng cổ hiện nay đều nằm ở rìa vực hoặc là ở những đất một bên cao, bên thấp để lấy ánh sáng tốt nhất. Tất cả những cây cứ có cành trên thì cành dưới sẽ chết, cho thấy sự cần thiết của ánh sáng”.

Trong dự án “Chăm sóc, bảo tồn các cây Xích Tùng cổ tại Rừng quốc gia Yên Tử”, ngoài việc “khám-chữa bệnh” cho hơn 230 cây Xích Tùng cổ thì Ban Quản lý Di tích và rừng quốc gia Yên Tử sẽ từng bước trồng thay thế các cây Xích Tùng con trên Yên Tử, đồng thời mở một vườn nhân giống, ươm Xích Tùng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại