Sự kiểm soát dòng vốn đầu tư của Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục được thực hiện trong năm nay, do đó thị phần giao dịch quốc tế của CNY cũng khó tăng mạnh mẽ.
Số liệu của Hiệp hội Viễn thông Liên ngân hàng và Tài chính Quốc tế (SWIFT) cho thấy chỉ 1,61% thanh toán nội địa Trung Quốc và quốc tế được thực hiện bằng đồng CNY trong tháng 12/2017.
“Tiến trình quốc tế hóa đồng CNY của Trung Quốc trong năm 2017 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng có triển vọng trong dài hạn”, ông Michael Moon, Trưởng phòng thị trường thanh toán châu Á- Thái Bình Dương của SWIFT, cho biết.
Theo SWIFT, mặc dù tầm quan trọng của Trung Quốc trong nền kinh tế thế giới đang gia tăng, cùng với những nỗ lực đẩy mạnh quốc tế hóa đồng CNY, nhưng việc sử dụng đồng CNY trên thị trường quốc tế vẫn còn thấp.
SWIFT cho biết, hiện nay USD chiếm gần 40% giao dịch thanh toán quốc tế trong tháng 12/2017. Mặc dù giá trị giao dịch quốc tế của USD đã giảm khá mạnh so với cùng kỳ năm 2015 và 2016, nhưng không phải CNY, mà EUR mới là đồng tiền có giá trị giao dịch quốc tế đứng sau USD, vị trí thứ ba thuộc về GBP và thứ tư là JPY.
Trên thực tế, giá trị giao dịch quốc tế của CNY đã giảm khá mạnh trong những năm qua. Nếu như thị phần giao dịch quốc tế của CNY tháng 12/2015 là 2,31%, thì đến tháng 12/2016 giảm mạnh xuống còn 1,68% và giảm tiếp xuống còn 1,61% vào tháng 12/2017.
Sở dĩ thị phần giao dịch của CNY giảm mạnh là do chính phủ Trung Quốc đã ban hành quy định kiểm soát chặt hệ thống tài chính, đặc biệt là các giải pháp hạn chế dòng vốn đầu tư ra nước ngoài.
“Sự kiểm soát dòng vốn đầu tư của Trung Quốc có thể vẫn tiếp tục được thực hiện trong năm nay, do đó thị phần giao dịch quốc tế của CNY cũng khó tăng mạnh mẽ”, ông Moon nhận định.
Mặc dù vậy, nhưng việc một số quốc gia đã chuyển đổi sang nắm giữ CNY, thay vì USD trong thanh toán quốc tế, cũng như trong dự trữ ngoại hối, có thể sẽ hỗ trợ tích cực cho Trung Quốc trong việc quốc tế hóa CNY.
Đầu tháng 1/2018, ngân hàng trung ương Pakistan cho biết sẽ sử dụng CNY thay cho USD trong thanh toán song phương với Trung Quốc.
Các ngân hàng trung ương châu Âu cũng đã tiết lộ kế hoạch nắm giữ CNY trong quỹ dự trữ ngoại hối của các quốc gia này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã nỗ lực phát triển hợp đồng giao dịch dầu kỳ hạn bằng CNY có đảm bảo bằng vàng. Nếu hợp đồng này trở thành chuẩn giá dầu mới, song hành cùng giá dầu thô Brent và giá dầu thô nhẹ ngọt WTI, thì thị phần giao dịch quốc tế của CNY cũng sẽ được mở rộng.
Trước đó vào tháng 10/2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã quyết định đưa đồng CNY vào rổ Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), hiện bao gồm USD, EUR, GBP, JPY và CNY.
Ông Chris Leung, chuyên gia kinh tế của DBS, cho rằng vấn đề lớn nhất đối với CNY là khả năng tự do chuyển đổi, nhưng điều này đang bị kiểm soát chặt chẽ bởi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc.