Nhân chứng duy nhất còn sống kể chuyện săn hổ ở miền núi xứ Quảng

Lưu Dung - Bảo Ngọc |

Hổ về làng bắt người, bắt gia súc, gieo rắc nỗi khiếp sợ nên người dân xứ Quảng tập hợp thanh niên trai tráng thành những "hội vây cọp" để săn hổ, trừ họa cho dân.

Ký ức kinh hoàng về ông Hổ

Vùng đất Quảng Nam xưa, núi rừng bao phủ khắp nơi, muông thú nhiều vô kể. Từ những loài ăn cỏ hiền lành đến những loài thú dữ cùng sinh sống bên cạnh nhà dân, trong số đó, hổ là loài gieo rắc nhiều nỗi kinh hoàng nhất.

Vùng đất Tiên Phước (Quảng Nam) xưa rất nhiều hổ và cũng nổi tiếng với những "hội vây cọp" trừ họa cho dân. Ở huyện miền núi Tiên Phước hiện vẫn còn tồn tại hàng chục miếu thờ "ông Cọp". 

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Nãi (90 tuổi, trú thôn 6, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước) để nghe kể những câu chuyện về hổ và những cuộc săn hổ cách đây hơn nửa thế kỷ. Cụ Nãi là nhân chứng sống duy nhất còn sống của những "hội vây cọp" lừng lẫy Tiên Phước một thời.

Ở tuổi 90, cụ Nãi vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Khi biết khách lạ muốn tìm hiểu về những cuộc vây cọp trong những mảnh rừng Tiên Phước ngày xưa, cụ Nãi mỉm cười .

Người con trai cả hơn 60 tuổi được cụ gọi đến nhà. Cụ bảo con trai đi mua hương, rượu mang đến miếu thờ ông Cọp thắp hương. Câu chuyện chỉ được kể khi người con trai hoàn thành nhiệm vụ.

Nhân chứng duy nhất còn sống kể chuyện săn hổ ở miền núi xứ Quảng - Ảnh 1.

Người dân xứ Quảng luôn thành kính thắp hương ở miếu thờ ông Cọp

"Ông Cọp linh thiêng lắm. Từ xưa tới nay chưa bao giờ tôi và người dân ở đây dám làm mất lòng ông.

Dân chúng tôi có việc gì cũng đến miếu ông Cọp cầu xin. Mỗi năm, chúng tôi đều cúng lễ cho ông vào dịp đầu năm", cụ Nãi giải thích.

Nói đến đây, cụ Nãi đưa đôi mắt hướng ra những mảnh rừng còn sót lại trước nhà rồi hồi tưởng lại ký ức thời trai trẻ. 

Núi rừng Tiên Phước trước đây âm u và rậm rạp nên có rất nhiều loài muông thú. Đặc biệt, vùng đất này là thủ phủ của loài hổ.

Mỗi ngày vào lúc chiều tà, mặt trời vừa khuất bóng là hổ ra tận bìa rừng gầm lên những tiếng oai vệ làm rung chuyển núi rừng.

"Hồi đó, nhà cửa chủ yếu làm bằng gỗ, bằng tre nên rất tạm bợ. Trời vừa tối là bà con không ai bảo ai đều tự đóng cửa, cài then thật chặt rồi ở yên trong nhà.

Trâu, bò, lợn gà được nhốt chặt trong chuồng. Tất cả đều sợ ông Cọp về bắt. Vậy nhưng chuyện mỗi đêm mất vài con trâu là chuyện thường.

Cọp gầm từ chập tối nhưng thường về làng bắt trâu bò khi gần sáng. Con mồi bị giết chết rồi bị kéo ra bìa rừng. Người dân sáng dậy mới dám ra mặt đi tìm thì vật nuôi đã bị ăn thịt gần hết.

Cũng có nhiều lúc Cọp chỉ vật chết con mồi chứ không ăn. Mỗi sáng, chúng tôi thường xem dấu chân Cọp in trong vườn rồi đoán kích cỡ của từng ông Cọp", cụ Nãi chậm rãi nói.

Tuy vậy, chuyện hổ về bắt gia súc chưa phải là nỗi sợ hãi lớn nhất với người dân. Họ kinh hoàng nhất là chuyện cọp vồ người để ăn thịt. Ở Tiên Phước hiện vẫn còn nhiều địa đanh nhắc đến chuyện này như hố Ông Vi, dốc Ông Cọp, truông Cọp Rình, miếu Ông Cọp…

Nhân chứng duy nhất còn sống kể chuyện săn hổ ở miền núi xứ Quảng - Ảnh 2.

Chiếc tù và bằng sừng trâu trong những chuyến vây cọp vẫn được cụ Nãi gìn giữ

"Đây là mấy chỗ mà dân phát hiện ra thi thể người bị cọp vồ và ăn thịt. Bà con sau đó thu dọn thi thể rồi lập miếu thờ hoặc đặt tên như vậy để cảnh báo cho nhau không đến gần.

Tôi cũng đã từng có lần chứng kiến tận mắt 1 người bạn bị cọp vồ chết", cụ Nãi nói.

Theo cụ Nãi, đó là lúc cụ đang ở tuổi vừa mới trưởng thành. Nhóm của cụ gồm 5 người dù rất sợ hổ nhưng vẫn liều lĩnh đi sang làng khác chơi. Trên đường trở về nhà khi trời đã khuya, người bạn đi phía sau bị cọp nhảy từ bụi cây rậm ra vồ chết. Cả nhóm của cụ lúc đó đều hoảng sợ bỏ chạy không dám quay đầu nhìn lại.

Những cuộc chiến sinh tử với ông Cọp

Sau lần chứng kiến người bạn bị hổ vồ, cụ Nãi xin gia nhập "hội vây cọp" của xã Tiên Cảnh. Hội gồm những thanh niên trai tráng khỏe mạnh và có kinh nghiệm săn bắt thú.

Mỗi thành viên trong hội tự trang bị cho mình giáo mác, lưới làm bằng cây mây để khi có lệnh báo động sẽ lên đường bắt hổ. Đến tận bây giờ, cụ Nãi vẫn còn giữ lại những vũ khí thời trai trẻ của mình. Những kỷ vật đó được cụ cất giữ cẩn thận trong 1 buồng riêng và chỉ được mang ra ngoài vào ngày cúng miếu ông Cọp.

Nhân chứng duy nhất còn sống kể chuyện săn hổ ở miền núi xứ Quảng - Ảnh 3.

Vũ khí trong những chuyến vây cọp đầy sinh tử của cụ Nãi

"Mỗi lần có hổ về làng bắt gia súc, những thành viên trong hội vây Cọp sẽ được tập hợp, theo dõi, tìm dấu vết.

Ban ngày hổ thường ẩn nấp trên những quả đồi có nhiều cây rậm. Hàng trăm thanh niên các làng sẽ chia nhau vây kín quả đồi.

Sau đó các thợ săn chặt mây và cây rừng đan thành những tấm hàng rào đan chéo nhau cao đến bốn, năm thước để cho cọp không thể thoát ra.

Khi có lệnh, chúng tôi sẽ khua chiêng, đánh trống, gõ mõ, tạo tiếng động thật lớn để cọp sợ hãi. Hội vây cọp vừa tạo tiếng động vừa khép chặt vòng vây.

Con hổ bị bao vây sẽ tìm mọi cách để thoát ra ngoài, nó gầm rú điên dại để de dọa đám thợ săn.

Khi vòng vây khép lại chỉ còn vài mét thì chúng tôi cầm giáo chờ bên ngoài hàng rào, số khác cầm cây có thắt thòng lọng và lưới.

Những thợ săn có nhiều kinh nghiệm, khỏe mạnh và gan dạ nhất sẽ đi vào giữa vòng vây để trực tiếp săn cọp. Phát hiện thấy hổ, họ sẽ cùng nhau tương trợ để đâm mũi giáo vào con thú dữ. Hổ bị thương sẽ sợ hãi bỏ chạy tán loạn nên những người bên ngoài sẽ ập vào đâm chết", cụ Nãi kể.

Nhân chứng duy nhất còn sống kể chuyện săn hổ ở miền núi xứ Quảng - Ảnh 4.

Cụ Nãi mô phỏng lại động tác thổi tù và thúc giục các thợ săn trong chuyến vây cọp

Theo cụ Nãi, chuyện kể lại nghe đơn giản nhưng trong thực tế có những lần hổ cùng đường vồ chết thợ săn. Ngoài ra, nếu các thợ săn phối hợp không ăn ý thì cọp cũng sẽ thoát được vòng vây.

Cụ Nãi cho hay, một chuyến vây cọp có thể kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Những người thợ săn cọp luôn có 1 quy định là không được mặc đồ đen. Nếu ai mặc đồ màu đen sẽ là người bị cọp vồ.

"Chuyến đi vây cọp đầu tiên mà tôi được tham gia đã hạ được 1 con hổ to như con ngựa. Tôi cũng tham gia khoảng 30 cuộc vây cọp, tự mình giết được khoảng 5 con.

Chuyến vây cọp cuối cùng được tổ chức vào năm 1952 ở xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước) đã diệt được 5 con hổ", cụ Nãi nhớ lại.

Theo cụ Nãi, những thanh niên trai tráng như cụ vào thời đó tham gia săn hổ đều rất lấy làm vinh dự vì diệt trừ được mối họa cho bà con làng xóm. Những con hổ săn được, thịt đều chia cho tất cả mọi người trong làng. Người đứng đầu chuyến săn chỉ lấy phần móng hổ.

"Mấy chục năm lại đây, tôi không còn nghe tiếng hổ gầm lần nào nữa. Chuyến vây cọp năm 1952 kết thúc là tôi cũng giải nghệ. Rừng lúc đó còn nhiều loại thú, hổ cũng còn nhiều nhưng bây giờ thì tiệt hẳn.

Ngày đó, chúng tôi đi săn hổ vì bảo vệ cuộc sống chứ không phải để phục vụ lợi ích riêng của ai cả. Tôi buồn vì hổ không còn", cụ Nãi chia sẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại