Nham nhở, sụt lún trên đường BOT hơn 2.400 tỷ đồng

Hoài Nam |

Tuyến đường BOT được đầu tư xây dựng với nguồn vốn hơn 2.400 tỷ đồng tiếp tục xảy ra tình trạng sụt lún, bong tróc... mặc dù đã tu sửa nhiều lần.

Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1, đoạn từ phía nam cầu Bến Thủy 2 đến phía bắc đường tránh TP Hà Tĩnh do Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) làm chủ đầu tư theo hình thức BOT với tổng kinh phí 2.434 tỷ đồng.

Tuyến chính của dự án có điểm đầu giao từ cầu Bến Thủy 2 với quốc lộ 8B thuộc huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), điểm cuối tại km504+400 (nút giao đầu tuyến tránh TP Hà Tĩnh với quốc lộ 1 thuộc huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Tuyến nhánh với điểm đầu tại km484, quốc lộ 1, điểm cuối giao quốc lộ 8B thuộc thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh).

 Nham nhở, sụt lún trên đường BOT hơn 2.400 tỷ đồng  - Ảnh 1.

Mặt đường tiếp tục bị sụt lún sau nhiều lần tu sửa, khắc phục.

Đoạn đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, chiều dài 35,1km. Bề rộng đường 20,5m, thiết kế đảm bảo bốn làn xe cơ giới và hai làn xe thô sơ, dải phân cách giữa. Dự án hoàn thành, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2014.

Kể từ khi đưa vào sử dụng đến nay, đoạn đường quốc lộ này liên tục xảy ra hiện tượng sụt lún, mặt đường bị cào, xới. Ghi nhận của Tiền Phong, từ ngã ba Thạch Long (huyện Thạch Hà) đi hướng thị xã Hồng Lĩnh nhiều vị trí xuất hiện ổ gà, “sống trâu”, mặt đường bong tróc thành từng mảng.

 Nham nhở, sụt lún trên đường BOT hơn 2.400 tỷ đồng  - Ảnh 2.

Mặt đường bị sụt lún nghiêm trọng, có một số điểm lún sâu chừng 8-10cm.


Những vị trí này đa phần đã được đơn vị thi công tu sửa trước đó. Đặc biệt, tại vị trí đèn giao thông ở thôn Hòa Hợp xã Thạch Kênh (huyện Thạch Hà) bị rạn nứt, chi chít các vết sụt lún, “sống trâu” kéo dài chừng 60-80m.

Có một số điểm sụt lún sâu từ 8-10cm. Ở vị trí này, phương tiện giao thông qua lại dày đặc, xe có trọng tải lớn liên tiếp nối đuôi nhau khiến quá trình di chuyển gặp không ít khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Nhiều lái xe thường xuyên qua lại tuyến đường này cũng cho rằng chất lượng của đoạn đường BOT không ổn định. Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) đã nhiều lần sửa chữa, khắc phục nhưng vẫn không đảm bảo.

“Đoạn từ đường tránh thành phố đi đến cầu Bến Thủy 2 xuất hiện nhiều ổ gà, mặt đường bong tróc. Có những thời điểm đi vào ban đêm, tầm nhìn hạn chế, đường bị sụt lún không thấy được nên xe đi bị nghiêng một bên, nếu chạy nhanh thì rất nguy hiểm.

Chúng tôi trả phí để đi qua đường này, nên chủ đầu tư cũng phải khắc phục những điểm xuống cấp”, tài xế Nguyền Quang Nghĩa (trú Quảng Bình) cho hay.

Ngoài vị trí trên, tại khu vực thị trấn Nghèn (huyện Can Lộc), thị xã Hồng Lĩnh cũng xảy ra tình trạng tương tự. Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Chi cục quản lý đường bộ II.3 cho biết, đơn vị đã nhiều lần kiến nghị chủ đầu tư khắc phục, tu sửa một số vị trí tại tuyến đường QL1A này do bị sụt lún, xuống cấp.

Dưới đây là một số hình ảnh Tiền Phong ghi tại tuyến đường này:

 Nham nhở, sụt lún trên đường BOT hơn 2.400 tỷ đồng  - Ảnh 3.

Mặt đường bị sụt lún, rạn vết nứt gây nguy hiểm cho phương tiện giao thông qua khu vực này.

 Nham nhở, sụt lún trên đường BOT hơn 2.400 tỷ đồng  - Ảnh 4.

Tại dọc tuyến đường ở xã Thạch Kênh (huyện Thạch Hà) xuất hiện nhiều điểm mặt đường bị bong tróc, sụt lún. Số lượng phương tiện giao thông qua đây khá đông.


 Nham nhở, sụt lún trên đường BOT hơn 2.400 tỷ đồng  - Ảnh 5.

Nhiều lái xe thường xuyên qua lại tuyến đường này cũng cho rằng chất lượng của đoạn đường BOT không ổn định. Một số đoạn xuất hiện "sóng trâu".


 Nham nhở, sụt lún trên đường BOT hơn 2.400 tỷ đồng  - Ảnh 6.

Những vị trí này đa phần đã được đơn vị thi công tu sửa trước đó. Đặc biệt, tại vị trí đèn giao thông ở thôn Hòa Hợp xã Thạch Kênh (huyện Thạch Hà) bị rạn nứt, chi chít các vết sụt lún, kéo dài chừng 60-80m.

 Nham nhở, sụt lún trên đường BOT hơn 2.400 tỷ đồng  - Ảnh 7.

Kể từ khi đưa vào sử dụng đến nay, đoạn đường quốc lộ này liên tục xảy ra hiện tượng sụt lún, mặt đường bị cào, xới.


 Nham nhở, sụt lún trên đường BOT hơn 2.400 tỷ đồng  - Ảnh 8.

Con đường này dày đặc các "rãnh cào" vô cùng nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.


 Nham nhở, sụt lún trên đường BOT hơn 2.400 tỷ đồng  - Ảnh 9.

Một số điểm xuất hiện ổ gà, mặt đường bong tróc thành từng mảng.

 Nham nhở, sụt lún trên đường BOT hơn 2.400 tỷ đồng  - Ảnh 10.

Một số điểm bị bong tróc mặt đường, bên cạnh là ký hiệu đánh dấu vụ tai nạn giao thông.


 Nham nhở, sụt lún trên đường BOT hơn 2.400 tỷ đồng  - Ảnh 11.

Từ khi đưa vào sử dụng đến nay, chủ đầu tư đã nhiều lần sửa chữa, khắc phục nhưng vẫn không đảm bảo.


Trao đổi với Tiền Phong, ông Đặng Viết Thanh – Phó Tổng Giám đốc Cienco 4 cho biết, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thời gian qua không thể tiến hành tu sửa những vị trí đường bị xuống cấp.

Sau khi nắm được thông tin, đơn vị đã cử lực lượng đến kiểm tra và khắc phục một số điểm bị sụt lún. Về việc duy tu, bảo dưỡng, ông Thanh cho hay, phương án khắc phục hằng năm được Tổng cục đường bộ phê duyệt để triển khai.

“Vừa rồi do dịch, anh em không làm được thủ tục ra khỏi thành phố nên không thể tu sửa được. Phương án khắc phục ví dụ như trồi lún do nhiệt độ mùa hè này thì sẽ dùng cào gọt, chỗ sâu sẽ tiến hành đục đẩy, xử lý nền bằng cho đường bằng phẳng để đảm bảo an toàn giao thông”, ông Thanh nói.

Liên quan đến việc nhiều năm qua liên tiếp xảy ra tình trạng sụt lún ở tuyến đường này, Phó Tổng Giám đốc Cienco 4 cho rằng, hiện tại tuyến đường đã hết bảo hành. Vì thế, toàn tuyến cũng tùy theo mức độ, chỗ nào chưa xử lý bằng tiền duy tu hằng năm họ sẽ xử lý phương án khắc phục theo phương án kỹ thuật để đảm bảo an toàn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại