PGS. NSƯT Vũ Chí Nguyện - nguyên phó giám đốc học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - trưởng nam của nhạc sĩ Văn Ký chia sẻ, cha ông qua đời vào 9h20, 26/10 tại bệnh viện Hữu Nghị Hà Nội sau 10 ngày nằm cấp cứu. Dự kiến, tang lễ của nhạc sĩ Văn Ký sẽ được tổ chức tại nhà Tang lễ Bộ quốc phòng. Thông tin này khiến nhiều người thương xót.
Nhạc sĩ Doãn Nho cho biết, nhạc sĩ Văn Ký là người rất khiêm tốn.
Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, nhạc sĩ Doãn Nho cho hay: "Tôi buồn khi nghe tin nhạc sĩ Văn Ký qua đời. Anh ấy thuộc thế hệ đầu đàn của làng nhạc Việt. Từ thời chống Pháp, anh ấy đã có những hoạt động sôi nổi về âm nhạc. Đến thời chống Mỹ, anh ấy cũng có nhiều đóng góp về âm nhạc, thanh nhạc và khí nhạc cho nền nghệ thuật nước nhà.
Nhiều bài hát hay của nhạc sĩ Văn Ký để lại cho đời và được nhiều thế hệ khán giả yêu thích như: Bài ca hy vọng, Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Tiến lên thanh niên thế hệ Hồ Chí Minh... Không những thế, nhạc sĩ còn trực tiếp tham gia chiến đấu ở nhiều trận chiến và có nhiều bài hát ra đời từ những giây phút hào hùng đó. Nhạc sĩ qua đời để lại cho nền âm nhạc những bài hát hay chứa đựng kho tàng ngôn ngữ phong phú, đa dạng.
Tôi và nhạc sĩ Văn Ký cùng là hội viện hội Nhạc sĩ Việt Nam, anh ấy hơn tuổi tôi. Chúng tôi đều là nhạc sĩ trưởng thành từ trong quân đội nên có nhiều đồng cảm. Với tôi, nhạc sĩ Văn Ký là người rất hoà nhã, vui vẻ. Anh ấy là người tài năng nhưng khiêm tốn, không bao giờ "lên mặt" với đàn em và luôn khích lệ, tôn trọng những người trẻ hơn mình. Anh Văn Ký được nhiều người trong nghề yêu quý...".
Nhạc sĩ Văn Ký sinh ngày 1/8/1928 tại Nam Định. Ông nổi tiếng với các ca khúc: Bài ca hy vọng, Cô gái Tày cầm đàn lên đỉnh núi, Nha Trang mùa thu lại về, Trời Hà Nội xanh... Trong hơn 400 tác phẩm ở cả thanh nhạc, khí nhạc, nhạc múa, ca kịch... mỗi tác phẩm ra đời với nhạc sĩ Văn Ký lại có những khởi nguồn rất riêng.
Nhạc sĩ Văn Ký từng kể: "Mùa xuân năm 1958, từng ca từ của bài Bài ca hy vọng được bật ra trong tôi một cách tự nhiên. Tình hình đất nước thời điểm đó nhiều khó khăn. Dù vậy, tôi cũng như nhiều người cùng thời có một niềm tin mãnh liệt, chắc chắn vào ngay mai tốt đẹp, tương lai đón chờ.
Thậm chí, tôi muốn bay lên cùng với đàn chim đi về tương lai mà tôi viết: Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin/ Đường ta đi xanh thắm mộng đời/Về tương lai! Đàn chim ơi! cùng ta cất cánh… Vài tháng sau tôi mang đến nhà xuất bản Âm nhạc để in, nhưng bị từ chối. Ban biên tập nói bài hát lạc quan quá, lãng mạn quá, không phù hợp với giai đoạn cách mạng hiện thời. Rồi mãi về sau, bài hát mới được phổ biến và được nhiều người yêu mến".
Nhạc sĩ Văn Ký qua đời ở tuổi 92.
Từ một huyện đội trưởng dân quân ngày đầu kháng chiến chống Pháp, Văn Ký tham gia hoạt động âm nhạc ở vùng Khu IV cũ, với những sáng tác đầu tay như Trăng xưa, Bình Trị Thiên quật khởi, Tình hậu phương, Chiến thắng Hòa Bình (giải nhất Chi hội Văn nghệ Liên khu IV), nhạc cảnh Dân công lên đường, Lúa thoái tô….
Sau đó, Văn Ký chuyển sang công tác văn nghệ ở đoàn Văn công Khu IV. Ông đã dự nhiều lớp học do chuyên gia nước ngoài hướng dẫn và cũng đã từng đi thực tập ở Liên Xô.
Nhạc sĩ Văn Ký có nhiều ca khúc giành những giải thưởng danh giá như: Tây Nguyên bất khuất (Giải Nhất hội Nhạc sĩ Việt Nam 1960), Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi (Giải thưởng của bộ Giáo dục), Nha Trang mùa thu lại về (Giải A tỉnh Khánh Hòa),…
Bài hát Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi còn đem đến cho nhạc sĩ Văn Ký huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ .
Trong lĩnh vực khí nhạc, nhạc sĩ Văn Ký còn viết nhiều thể loại như ca cảnh, nhạc múa, ca kịch Nhật ký sông Thương (1971), Đảo xa (1972), nhạc cho các bộ phim truyện Cô gái công trường, Trên vĩ tuyến 17, phim tài liệu Bác Hồ muôn vàn tình yêu, tổ khúc thiếu nhi cho piano, biến tấu trên chủ đề Xe chỉ luồn kim cho cello và piano.
Đặc biệt tổ khúc vũ kịch Kơ Nhí gồm 7 chương viết cho dàn nhạc giao hưởng, đã được biểu diễn nhiều lần ở Liên Xô, Đức và xuất bản ở Maxcova năm 1989…
Văn Ký được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (2001), huân chương Độc lập hạng Ba (1961), huân chương Kháng chiến hạng Nhất, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng và nhiều huy chương khác.