Lịch sử gọi tên
Cay đắng và thất bại tức tưởi trong nghề đã nếm đủ và Trương Đình Hoàng cho rằng đấy là điều cần thiết để tạo nên bản lĩnh một võ sĩ quyền Anh. Nhờ vậy, Hoàng có thể thích ứng với mọi hoàn cảnh, đấu cả võ đài nghiệp dư lẫn chuyên nghiệp đều được mà không tốn nhiều thời gian làm quen, dù khi anh quyết định theo đuổi quyền Anh chuyên nghiệp, không ít đồng đạo trong giới võ thuật chê anh “quá già” và “khó đua với lớp trẻ”.
“29 tuổi mà già ư? Thể thao không có tuổi. Tôi tâm niệm đã đam mê thì theo đuổi, cứ có mục đích đúng đắn ắt tự tìm cho mình một con đường, một sự nghiệp vững vàng. Chưa kể, quyền Anh với tôi là triết lý sống, nên càng không thể chia tay sớm được. Tôi sẽ chứng minh cho tất cả thấy rằng tôi không quyết định sai lầm”, Hoàng giãi bày.
Sự nghiệp của võ sĩ sinh năm 1990 không bằng phẳng như nhiều người nghĩ. Anh từng tập luyện wushu khoảng 1 năm rồi chuyển sang quyền Anh. Vô địch quốc gia suốt một thập niên, được xếp vào diện “cao thủ” Đông Nam Á, nhưng phải dự đến kỳ SEA Games thứ 3, Hoàng mới đoạt được huy chương vàng đầu tiên (hạng cân 75kg nam trên đất Singapore, 2015).
Chiến thắng đó, nói như Hoàng, nó ngọt ngào không kém thời khắc anh đánh bại Lee Gyu Hyun để đoạt đai Siêu trung WBA vùng Đông Á: “Tôi toàn thua các võ sĩ Thái Lan, lúc thì ở bán kết, lúc ở chung kết. Nên khi đánh bại được Aphisit ở chung kết hạng cân 75kg tại Singapore, tôi giống như vừa thoát khỏi nỗi ám ảnh kéo dài, bước ra một thế giới hoàn toàn khác, đầy mới mẻ”.
Khi giới võ thuật không tin Hoàng “làm được điều gì đáng kể” ở võ đài quyền Anh chuyên nghiệp, cũng là khi võ sĩ sở hữu khuôn mặt góc cạnh, đầy tinh thần của một chiến binh này đã tạo nên bước ngoặt lịch sử, trở thành võ sĩ đầu tiên của Việt Nam đoạt đai Siêu trung WBA vùng Đông Á năm 2019, nơi quy tụ nhiều võ sĩ hàng đầu châu lục và thế giới.
Đấu đến 10 hiệp là điều đầu tiên anh phải làm quen, sau khi chấp nhận dấn thân sàn đấu quyền Anh chuyên nghiệp. Nó khác hẳn với chuyện thi đấu cho đội tuyển ở SEA Games, ở giải vô địch châu Á, nơi những đòn đánh thường tốc độ hơn, hiệp đấu ngắn hơn và mọi sức lực trong cơ thể được bung ra bằng hết trong chưa đầy 10 phút.
Võ sĩ có chiều cao 1m82 này tiết lộ, ban đầu anh bị choáng ngợp với việc phải đổi phong cách thi đấu, kiên trì và chắc chắn hơn thay vì ra đòn tới tấp về phía đối thủ với hy vọng hạ knock-out kỹ thuật, giành chiến thắng.
Mọi thứ phải được xây dựng thật khoa học, từ chuẩn bị thể lực đến nền tảng kỹ thuật, cách tiếp cận đối thủ và chiếm góc thuận lợi… “Để trụ vững, chịu đòn như búa bổ của đối phương trong vòng 10 hiệp, nếu không có được nền tảng thể lực sung mãn, bền bỉ, bạn có thể quỵ ngã bất cứ lúc nào. Mà thua vì đòn knock-out là điều vô cùng đau đớn…”, Hoàng bộc bạch.
Gia đình “Made by Thể thao”
Gia đình của Hoàng thuần nông, sống ở xã Ea Phê, huyện Krông Pak (Đắk Lắk). Từ nhỏ anh đã lộ rõ năng khiếu “đánh đấm”, rồi theo tập võ cổ truyền ở nhà văn hóa xã. Về sau, HLV Nguyễn Đình Viên phát hiện tố chất của Hoàng, liền đưa chàng trai trẻ ấy lên tập ở trung tâm huấn luyện thể thao tỉnh. Thời gian đã “mài giũa” ngọc thô Trương Đình Hoàng thành “cao thủ” làng quyền Anh nước nhà, gần như không tìm được đối thủ xứng tầm ở các hạng cân 69kg và 75kg nam.
Nội tướng của Hoàng, vận động viên Đỗ Thị Thảo, từng là nhà vô địch lẫy lừng ở các cự ly 800m và 1.500m của đội tuyển điền kinh Việt Nam ở SEA Games, nhiều lần dự Asiad, vô địch châu Á… trước khi lui về hậu trường chăm lo gia đình nhỏ của mình hồi năm 2015.
“Lúc quyết định chia tay đội tuyển điền kinh quốc gia, tôi cũng nuối tiếc lắm vì đang ở đỉnh cao phong độ. Thế nhưng, có điều gì đó trong tôi thôi thúc nên nghỉ, để lập gia đình và đón những đứa con xinh xắn chào đời. Tôi rẽ ngang, nhưng không vô ích, vì vẫn đang giúp chồng xây dựng sự nghiệp quyền Anh, vẫn một lòng một dạ với thể thao đấy chứ…”, Thảo vui vẻ tâm sự.
Hiểu chồng, chấp nhận đi chậm lại để làm nền cho Hoàng phát triển hơn nữa, cô gái vàng của điền kinh Việt Nam ngày nào lao vào làm kinh tế, hết mở quán bún đậu, giờ lại trở thành quản lý cho Câu lạc bộ Boxing TĐH ở thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk).
“Cô ấy và 2 nhóc nhỏ là tất cả của tôi. Rời sàn tập, ráo mồ hôi thì điều làm tôi hạnh phúc và mãn nguyện nhất là được quây quần bên vợ, bên con. Lắng nghe họ cười, khóc, nói… là cảm thấy như được tăng thêm doping cho cả chặng đường gian nan phía trước. Với tôi, gia đình là trên hết, là thứ không thể đánh đổi được…”, Hoàng tâm sự.
Bạn bè tìm cơ hội để phát triển sự nghiệp ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, nhưng cặp vợ chồng thể thao ấy lại chọn Đắk Lắk khởi nghiệp. Phòng tập boxing TĐH giờ có khoảng 100 học viên thường xuyên, cả nam lẫn nữ và đều thể hiện sự đam mê dành cho môn võ này.
“Tôi từng tập tán thủ của wushu, rồi sau mới chuyển sang quyền Anh nên sẽ chỉ phát triển môn võ này, chứ không muốn lai căng thêm kiểu kickboxing, kickfit hay MMA trong câu lạc bộ của mình. Tôi muốn giúp các bạn trẻ nuôi dưỡng tình yêu với quyền Anh ngày một lớn hơn, vì xứ sở của mình còn nhiều tài năng chưa lộ diện lắm”, Hoàng quả quyết.
Mới đây, Hoàng thành lập cả Quỹ Hỗ trợ vận động viên gặp khó khăn và chấn thương khi đang tập luyện, thi đấu, kêu gọi và vận động bạn bè, đồng đạo võ thuật và doanh nghiệp cùng chung sức giúp đỡ và trợ lực các vận động viên tiếp tục theo đuổi đam mê, cũng chính là vun đắp cho tình yêu thể thao tồn tại mãi.
“Thực đơn sáng” thường ngày của Trương Đình Hoàng là… 7-10km chạy bộ hoặc chạy leo dốc, sau đó là các bài tập bổ trợ sức mạnh, trước khi được vợ chuẩn bị cho bữa ăn sáng đầy đủ chất. Buổi chiều, anh tập khối lượng nặng các bài chiến thuật, chuyên môn trong khoảng 1-2 giờ. Hoàng cho biết, nhiều buổi tập vì gồng hết sức đến mức ói ra sàn sau khi dừng lại. Theo anh, chỉ có tập trung tâm sức tối đa như thế mới phát huy hết sức mạnh và tiềm năng của mình khi bước lên võ đài.