"Mình cần tập trung và chiến thắng để làm nên lịch sử", Trần Văn Thảo đã nghĩ vậy tại buổi chiều ngày 23/11/2017 ở nhà thi đấu Suamlum Bazaar. Ít phút sau, tay đấm 26 tuổi lao lên trước khi đấm gục đối thủ George Lumoly một cách chóng vánh.
Giành được chiếc đai WBC châu Á, anh không giấu nổi niềm vui và phải cố gắng để ngăn những giọt nước mắt hạnh phúc trào ra. Dù vậy, bên cạnh ánh hào quang tại Bangkok, ít ai biết được hành trình gian khổ mà Văn Thảo từng trải qua.
Câu chuyện về Pacquiao của Việt Nam
Trần Văn Thảo có một tuổi thơ không mấy dễ chịu. Căn nhà nhỏ đi thuê tại quận 12 trở nên chật chội với sự xuất hiện của tổng cộng 5 con người. Bố Thảo làm nghề thu mua phế liệu còn mẹ anh ở nhà lo liệu cho ba anh em.
Không kể hết chuỗi ngày phải nhịn ăn sáng hay đi học mà thiếu tiền, đến giờ, nhà vô địch WBC vẫn nhớ như in những con đường ngoằn nghoèo, cảnh đông đúc của thành phố mang tên Bác.
Chiều nay, Trần Văn Thảo vừa hạ knock-out nhà vô địch Thái Lan Artid Bamrungauea trong trận đấu được tổ chức trên đất Thái ở hiệp đấu thứ 4. Trận đấu diễn ra trong 8 hiệp nhưng Trần Văn Thảo đã khiến nhà vô địch Thái Lan không thể chống đỡ trước những pha tấn công đầy sức mạnh, tốc độ, đành thua cuộc ở hiệp 4.
"Năm lớp 10, tôi chẳng có tiền đóng học. Lại thêm việc tập quyền Anh nữa. Mỗi sáng, bố mẹ chỉ cho 20 ngàn. Số tiền đủ để tôi cùng anh trai lặn lội lên tận quận 10 tập luyện. Mấy năm ròng rã như vậy, chẳng có gì trong tay, phải cố gắng lắm mới vượt qua được".
Dù thường xuyên gặp phải những khó khăn về mặt tài chính, gia đình Văn Thảo luôn ủng hộ anh theo đuổi với đam mê boxing. Chàng trai người Tp.HCM chơi quyền Anh từ năm 13 tuổi và ba năm sau bắt đầu tập luyện chuyên sâu.
Lúc này, một khó khăn khác lại xảy ra, liên quan đến vấn đề thể hình. Ở tuổi 14, cân nặng của Văn Thảo chỉ ở mức 39 kg. Điều này đồng nghĩa anh sẽ phải tập cùng những đối thủ to con hơn, và có thêm nhiệm vụ gia tăng trọng lượng. Để có được Trần Văn Thảo ngày hôm nay, tay đấm 26 tuổi đã vượt qua tất cả những thử thách ấy.
Cuộc đời luôn tồn tại những điểm trùng hợp đến kỳ lạ. Và nếu kể ra câu chuyện tuổi thơ của Văn Thảo, không ít người sẽ liên tưởng đến huyền thoại sống của làng quyền Anh Manny Pacquiao, boxer đã vượt qua những thiếu thốn của thuở nhỏ và sự thua thiệt về ngoại hình để vô địch thế giới ở 8 hạng cân.
Nhờ thế, tay đấm Philippines đã thành công trong việc quảng bá sức mạnh của boxing nước nhà đến toàn thế giới. Còn Văn Thảo, giờ đây, anh đang bước đi trên con đường đó.
Võ học là nhân học, và boxing là cả cuộc đời
Lúc này, Trần Văn Thảo đã giành 7 danh hiệu quốc gia, trong đó, lần đầu tiên diễn ra chỉ sau một năm lên tuyển. Anh giải thích đó là nhờ nỗ lực và ý chí không ngừng. Dù vậy, vào năm 2014, đã có lúc, chàng trai Tp.HCM nghĩ đến việc rời xa hoàn toàn sàn đấu.
"Bà của Thảo mất ngay trước thềm Đại hội thể dục thể thao. Vì sợ tâm lý bị ảnh hưởng, mọi người đã giấu Thảo chuyện này. Nhưng sau cùng, Thảo vẫn để thua đáng tiếc. Khi về biết tin, mình bị sốc đến đổ bệnh".
Thời gian nằm viện, Thảo phát hiện thêm bản thân bị thoát vị địa đệm và phải bán xe, điện thoại để chữa trị. Những ý nghĩ về việc dừng lại đã xuất hiện trong những ngày tháng ấy. Nhưng như định mệnh, với sự giúp đỡ của Saigon Sports Club, Trần Văn Thảo đã quyết định trở lại sau hơn 5 tháng chữa bệnh.
Bởi với anh, boxing còn hơn một công việc, đó là đam mê, là hoài bão cháy bỏng và là cả cuộc đời. Nhờ boxing, từ cậu nhóc ngổ ngáo dám thách thức tất cả dù nhỏ nhất trường đã trở thành một nhà vô địch điềm tĩnh và chững chạc.
"Lúc đầu, Thảo chỉ tập boxing vì thích. Trong quá trình tập luyện và giành nhiều thành tích, Thảo cảm thấy mình sinh ra để chơi môn thể thao này. Mỗi khi xỏ đôi găng, Thảo thấy con người thực của mình trong đó".
Dẫn đầu nhưng không muốn là duy nhất
Hành trình vươn lên của Trần Văn Thảo có thể ví với huyền thoại Manny Pacquiao nhưng nếu hỏi anh về thần tượng, võ sĩ của Tp.HCM sẽ không ngần ngại trả lời đó là Floyd Mayweather. Thừa nhận bị ảnh hưởng sau hàng giờ theo dõi "Độc cô cầu bại" thi đấu, hiện tại, Văn Thảo cũng chọn lối đánh phòng thủ kín kẽ trước khi hạ đối thủ bằng tốc độ khủng khiếp.
"Thế mạnh của Thảo là tốc độ đôi tay kết hợp với bộ pháp di chuyển linh hoạt. Khi thi đấu, anh ấy thường khôn khéo bao sân, dồn đối phương trước khi tung những combo cực nặng", tay đấm Nguyễn Văn Lĩnh, thành viên tuyển boxing quốc gia chia sẻ về người đồng nghiệp.
Chuyển lên chuyên nghiệp vào năm 2015 được coi là quyết định cực kỳ mạo hiểm của Trần Văn Thảo vì tại Việt Nam khi đó, đa số chỉ đánh nghiệp dư hay phong trào.
"Thảo là người mở đường, dẫn đầu, tất cả đều phải mò mẫm. Thời điểm ấy, đa số chê cười và trêu đùa mỗi khi tôi chia sẻ nguyện vọng bản thân. Đến khi thành công, họ mới vỡ lẽ và xin lỗi tôi", nhà vô địch WBC tâm sự.
Đến nay, Trần Văn Thảo đã chiến thắng trong cả 10 lần lên đài chuyên nghiệp, đáng nói hơn có 9 lần võ sĩ 26 tuổi phải mang chuông đi đánh xứ người và chạm trán với những quốc gia có nền boxing mạnh. Theo bảng xếp hạng mới nhất trên WBC Asia, không có tay đấm nào của châu Á sánh bằng Trần Văn Thảo ở hạng siêu ruồi.
Trở thành số một từ khởi đầu khiêm tốn nhưng nhà vô địch châu lục còn nhiều dự định ấp ủ trong tương lai. Anh muốn nhân bản thành công của mình và để bản thân không còn cô đơn trên đỉnh vinh quang.
"Thảo đặt mục tiêu đưa boxing Việt Nam ra toàn thế giới và sẽ hỗ trợ hết mình để chúng ta có thêm nhiều tay đấm lên chuyên, giật thêm nhiều đai vô địch nữa".
Những khoảnh khắc đẹp trong sự nghiệp Trần Văn Thảo