Trung Quốc: Nhà VĐTG tàn tật bị HLV đốn mạt quỵt lương

Kim Thiền |

Ôm cậu con trai Bảo Bảo trong lòng, Ngải Đông Mai nói trong nước mắt: "Tôi sẽ không bao giờ cho con theo nghiệp thể thao. Nếu nó nhất quyết theo thể thao, tôi sẽ chặt chân nó".

Tài năng xuất chúng

Ngải Đông Mai sinh năm 1981 ở Tề Tề Cáp Nhĩ, thuộc tỉnh Hắc Long Giang. Năm 1993, khi mới 12 tuổi, lần đầu tiên được chọn đi thi nội dung chạy 3.000m cấp trường, cô bé đã khiến các thầy giáo phải kinh ngạc với kỷ lục lập được trong cuộc thi.

Ngay lập tức, Ngải Đông Mai được tuyển thẳng vào trường thể thao Tề Tề Cáp Nhĩ. Dù bị chấn thương ngón chân, Đông Mai cũng kịp phá kỷ lục của trường ở cự ly 3.000m, về đích trước người thứ nhì trọn một vòng sân vận động.

Hai năm sau, cô bé với tài năng thiên bẩm được gọi vào đội tuyển điền kinh Đầu máy xe lửa Trung Quốc, được HLV Wang Dexian huấn luyện cho nội dung chạy marathon.

Trung Quốc: Nhà VĐTG tàn tật bị HLV đốn mạt quỵt lương - Ảnh 1.

Suốt sự nghiệp thi đấu ngắn ngủi của mình, Ngải Đông Mai đã kịp gặt hái 19 tấm huy chương.

Chẳng cần phải huấn luyện lâu, ngay lập tức Đông Mai đã gặt hái được những thành tích sáng chói với chức vô địch giải marathon Quốc tế Bắc Kinh, Boston, Hàn Quốc và một serie các giải đấu quốc tế khác.

Trong suốt 4 năm từ 1995 đến 1999, cô là ngôi sao sáng nhất trên đường chạy marathon Trung Quốc và thế giới, với chiến thắng liên tiếp ở các giải marathon quốc tế tổ chức khắp thế giới.

Mười tám tuổi, tưởng chừng nhà vô địch trẻ tuổi nắm trong tay mình tương lai sáng chói với những đỉnh cao danh vọng đang chờ đón, thì cuộc đời Ngải Đông Mai phải rẽ sang ngả khác...

Vắt chanh bỏ vỏ

Năm 1999 là năm thành công nhất trong sự nghiệp của Đông Mai, nhưng cũng là năm đau thương nhất. Chấn thương ngón chân hành hạ cô, khiến thành tích của vận động viên trẻ này tụt dốc thảm hại. Nhanh như lúc được gọi vào đội tuyển, Ngải Đông Mai bị tống ra đường.

Rời môi trường tập luyện, chưa kịp quen với sự hẫng hụt khi phải tự kiếm sống, cô lập tức phải đối mặt với "tác dụng phụ" của những thứ thuốc được các thầy cho uống trong thời gian tập luyện.

Từ cân nặng 40kg, trọng lượng cơ thể của Đông Mai tăng vọt lên gần 70kg, nấm ngoài da ăn kín mặt, tóc xuất hiện đầy gàu.

Trung Quốc: Nhà VĐTG tàn tật bị HLV đốn mạt quỵt lương - Ảnh 2.

Ngải Đông Mai cùng con trai bán quần áo trên phố.

Chữa trị xong những căn bệnh ngoài da, Ngải Đông Mai lấy chồng. Chồng cô từng là nhân viên trong công ty đầu máy xe lửa, nhưng rồi mất việc, phải đi làm bảo vệ, chỉ kiếm được 300 tệ (khoảng 1 triệu VND) mỗi tháng. Đông Mai phải đi bán quần áo dạo trên đường phố.

Không thể trụ được với cuộc sống đắt đỏ ở Bắc Kinh, hai vợ chồng dắt díu nhau về quê ở vùng Đông Bắc. Nhưng rồi chấn thương ngón chân của Đông Mai ngày một nặng, cô không thể làm công việc đồng áng được...

Gã HLV táng tận lương tâm

Trong cơn bĩ cực, hi vọng lại cháy lên với nhà vô địch thế giới bất hạnh này. Cùng với 3 vận động viên nữ khác từng cùng tập luyện dưới sự chỉ đạo của HLV Vương Đức Hiển, Đông Mai được biết thì ra "ông thầy" đã biển thủ toàn bộ lương và thù lao tập luyện của họ nhiều năm dài.

Gã HLV táng tận lương tâm đã yêu cầu chuyển toàn bộ lương của các học trò vào tài khoản của gã tại ngân hàng Công thương Trung Quốc. Ngải Đông Mai chưa từng biết mình nhận được lương trước năm 1999, ngày cô còn tập luyện và thi đấu vì màu cờ Tổ quốc.

Trung Quốc: Nhà VĐTG tàn tật bị HLV đốn mạt quỵt lương - Ảnh 3.

Đông Mai cùng đồng đội của mình kiện HLV Vương Đức Hiển tại tòa án quận Hải Điến (Bắc Kinh).

Từ Đông Bắc xa xôi, vợ chồng Ngải Đông Mai lại lặn lội quay về Bắc Kinh để "vác đơn đáo tụng đình", đòi lại số tiền mồ hôi, nước mắt bị cướp trắng. Cô lại cùng con phơi mặt ra đường để bán quần áo dạo.

Chấn thương chân ngày càng nặng, khiến cô không thể đi mà chỉ ngồi trên xe ba bánh để chồng đẩy đến chỗ bán hàng. Cả ngày cùng con bán hàng, Đông Mai kiếm được 100 tệ, đến tối về xem lại mới biết là tiền giả...

Bán huy chương trước bước đường cùng

Mười chín tấm huy chương, trong đấy có 10 tấm huy chương các giải marathon quốc tế là niềm tự hào, sự ghi nhận cho một tuổi trẻ đáng tự hào của Ngải Đông Mai. Ngày 6/4/2007, trong cơn túng quẫn, nhà cựu vô địch thế giới nuốt nước mắt, rao bán chúng trên blog của mình.

Cô viết: "Để có tiền tiếp tục sống, tôi sẽ bán huy chương của mình. Những tấm huy chương này là niềm tự hào cuối cùng của tôi, tôi muốn khi con mình lớn lên, tôi sẽ cho chúng xem, để chúng biết rằng mẹ chúng từng là một nhà vô địch thế giới.

Trung Quốc: Nhà VĐTG tàn tật bị HLV đốn mạt quỵt lương - Ảnh 4.

Để có tiền nuôi con, Đông Mai phải cắn răng rao bán những tấm huy chương của mình.

Nhưng trước đó, tôi phải có tiền để nuôi con đã. Mỗi tấm huy chương vàng, tôi bán 1.000 tệ, huy chương bạc từ 300 đến 500 tệ, còn huy chương đồng thì giá 100 tệ".

Cộng đồng mạng Trung Quốc ào lên như thác lũ khi truyền thông vào cuộc. Ngải Đông Mai nhận được nhiều sự sẻ chia, động viên để giữ lại những tấm huy chương vô giá của mình. Có người còn gửi cho cô 2.000 tệ để giữ lại 2 tấm huy chương vàng bên mình.

Khó khăn tạm qua. Niềm vui cuối cùng cũng mỉm cười với Đông Mai. Ngày 18/6/2007, cô cùng hai đồng đội đến tòa án Hải Điến (Bắc Kinh) để rút đơn kiện, sau khi hòa giải thành công với gã HLV đốn mạt. Theo đó, cả ba nhận được số tiền hơn 20 triệu tệ. Cuộc sống mới mở ra...

Sự thật xé lòng về đôi bàn chân tàn tật

Những ngày tháng khổ luyện trên đường chạy để lại hậu quả nghiêm trọng ở đôi bàn chân của Đông Mai. Cả đôi bàn chân của cô biến dạng vì ngón cái biến dạng, xương gốc ngón chân cái sưng to, khiến ngón chân của cô bị quặp vào trong, gây đau đớn mỗi khi di chuyển.

Nhưng đau đớn nhất, là chấn thương khiến nữ vận động viên này phải từ bỏ sự nghiệp thể thao huy hoàng của mình vốn là một chấn thương hết sức bình thường và phổ biến, mang tên Hallux VALGUS (VALGUS ngón chân cái biến dạng) và hoàn toàn có thể chữa trị một cách dễ dàng.

Trung Quốc: Nhà VĐTG tàn tật bị HLV đốn mạt quỵt lương - Ảnh 5.

Sự vô cảm và vắt kiệt sức lực của vận động viên của các HLV Trung Quốc như Vương Đức Hiển khiến họ phải chịu những tổn thương nặng nề về thể xác sau khi giải nghệ.

Đây vốn là chấn thương phổ biến ở phụ nữ, hậu quả của việc mang giày cao gót, hay đi giày chật. Chỉ cần được chữa trị sớm, sự nghiệp thể thao của Đông Mai chắc hẳn sẽ kéo dài, nhưng vì thành tích trước mắt, các HLV đã không hề đoái hoài gì đến nó, gieo bi kịch cho cô gái 18 tuổi ngày nào.

Cái kết bỏ lửng...

Vì chấn thương quá lâu, di chứng để lại từ những ngày tháng vất vả khiến sau ca phẫu thuật điều trị chấn thương chân, khả năng phục hồi của bàn chân Ngải Đông Mai chỉ được một phần. Cô không thể đi đứng thoải mái như người bình thường.

Với số tiền đền bù từ gã HLV táng tận lương tâm, sau khi được phẫu thuật, Đông Mai và chồng mở một cửa hàng quần áo ở quận Thông Châu (Bắc Kinh), trong một khu thương mại sầm uất. Ngày cửa hàng khai trương, rất nhiều vận động viên và giới truyền thông đến chúc mừng.

Trung Quốc: Nhà VĐTG tàn tật bị HLV đốn mạt quỵt lương - Ảnh 6.

Ngải Đông Mai và con trai trong ngày khai trương cửa hàng mới.

Mặc dù nhận được rất nhiều ưu đãi từ giá thuê cửa hàng, ưu đãi của các nhà cung cấp, song với thu nhập chỉ suýt soát 1.000 tệ mỗi tháng, sau 3 năm kinh doanh, Ngải Đông Mai cùng chồng đã phải đóng cửa gian hàng, trở về Hắc Long Giang kiếm việc.

Vượt qua những tháng ngày huy hoàng trong sự nghiệp, đi qua những tháng ngày bần cùng, song hành cùng nỗi đau thể xác và tinh thần, để rồi được đáp đền, rồi thất vọng... đi qua tất cả, nỗi đau mà Ngải Đông Mai phải chịu là nỗi đau, sự bất hạnh của không ít vận động viên chuyên nghiệp Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại